“Đổi chất thải lấy quà tặng”: Chương trình cần được nhân rộng

Cập nhật: 06-10-2011 | 00:00:00

Rác thải sử dụng hàng ngày, giấy thải, túi nylon, bóng điện hỏng, chai nhựa... những thứ vốn đem vứt bỏ, nay lại được nhiều người dân tích cực thu gom và mang đi đổi... quà. Đó là ý nghĩa của chương trình “Đổi chất thải lấy quà tặng” do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức, với mong muốn toàn dân chung tay bảo vệ môi trường (BVMT).

Nhận thức của người dân... đã chuyển biến

Nếu như ở TP.HCM có ngày hội tái chế chất thải, thì ở Bình Dương đã tổ chức chương trình “Đổi rác thải lấy quà tặng”. Bằng phương pháp truyền thông bề nổi và chiều sâu, chương trình thực sự ấn tượng, thu hút đông đảo người dân đến tham gia. Hầu hết người dân đến với chương trình đều mang ý thức về môi trường, thể hiện rõ nhất là hàng ngàn người đã lỉnh kỉnh đem rác thải, chất thải thu nhặt được đến... đổi quà; trong khi quà đơn giản chỉ là những túi xách dùng nhiều lần, bóng đèn tiết kiệm điện hay những túi, hộp dầu gội đầu... 

  Từ nay, tôi đã có túi xách để đi chợ mỗi ngày  Người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường  Thu gom nhanh, kịp thời vận chuyển về khu xử lý chất thải

Thay vì mỗi sáng, chị Nguyễn Hoàng Thương, tiểu thương chợ Thủ Dầu Một phải đến sắp xếp bán hàng, thì chủ nhật 25-9 vừa rồi, để tham gia chương trình, chị thức dậy sớm hơn. Mới 7 giờ sáng, chị đã ì ạch xách một bịch, trong đó nào là giấy đã qua sử dụng, túi nylon... đến đổi lấy quà. Chị nói: “Ngày trước, chất thải này để dành lâu lâu bán cho ve chai, đâu biết nó có thể dùng để tái chế”. Sau khi nghe cán bộ môi trường giải thích, chị mới hiểu và hứa sẽ cùng làm “thành viên” tuyên truyền về môi trường. Chị Hoàng Thị Hoa, người dân trên đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường (TX.TDM) thì nói vui: “Nhận được túi dầu gội đầu là tôi vui rồi. Ngày nào cũng nghe các loa phát thanh phản ánh tác hại từ túi nylon, đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các cấp, các ngành vận động người dân BVMT từ việc làm nhỏ nhất”.

Bà Nguyễn Trình Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, cho biết sau 2 đợt tổ chức “Đổi chất thải lấy quà tặng”, chương trình đã thu gom được gần 10 tấn chất thải các loại (đợt 1: 5,8 tấn; đợt 2: 4,1 tấn). Tất cả chất thải sau khi thu gom đã kịp thời chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để tái chế thành các nguyên liệu có ích...

Cái chính là việc tổ chức chương trình sôi nổi, nhộn nhịp nên dễ tạo sự hấp dẫn với người dân. Không chỉ thế, chương trình còn  tác động rất lớn trong việc xây dựng ý thức cộng đồng, giúp người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi BVMT, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Cần được nhân rộng

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, cho biết mỗi ngày có từ 600 - 700 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom từ các đô thị đến Khu xử lý chất thải Nam Bình Dương xử lý. Đó là chưa kể hàng ngàn tấn rác phát sinh được các Công ty TNHH MTV Công trình đô thị và Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương thu gom hàng ngày. Rác thải, chất thải chưa được phân loại không chỉ gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường xung quanh, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; gây dịch bệnh và chi phí xử lý rất tốn kém.

Để từng bước tiến đến một đô thị không rác, không phải đến hôm nay, Bình Dương mới tổ chức quy mô và ấn tượng chương trình “Đổi rác thải lấy quà tặng” mà thời gian qua, Sở TN-MT phối hợp các đoàn thể và địa phương thực hiện rất nhiều phong trào hoạt động thiết thực. Cụ thể như Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, đi bộ đồng hành vì môi trường; trích ngân sách in túi xách dùng nhiều lần, xếp túi giấy phát cho người dân; thành lập tổ tự quản BVMT... Tuy nhiên, theo một số cán bộ địa phương thì hoạt động phong trào chưa được thường xuyên. Hầu hết chỉ dừng lại ở những ngày phát động, chưa trở thành việc làm hàng ngày của người dân.

Chính vì suy nghĩ đó, khi tâm sự với một số người dân, họ cho rằng, “Đổi chất thải lấy quà tặng” là chương trình mang tính hưởng ứng trong chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”. Hơn thế, chương trình chỉ tổ chức tại trung tâm tỉnh lỵ dành cho người dân đô thị là chủ yếu; trong khi đó ở khu vực nông thôn rất cần có chương trình này. Đem vấn đề này trao đổi với anh Trần Minh Hải, nhân viên Phòng Kinh doanh xử lý rác thải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường, anh cho biết: “Chương trình “Đổi rác thải lấy quà tặng” có sức lan tỏa rất lớn. Mặc dù 2 đợt tổ chức tại chợ Thủ Dầu Một, nhưng người dân các huyện lân cận cũng tranh thủ đến tìm hiểu và nhận thức về môi trường”. “Vì thế, tôi mong chương trình không dừng lại ở đây mà cần nhân rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn...” - Anh Hải nói thêm.

Cũng như anh Hải, anh Phạm Ngọc Thạch, nhân viên Ban Kỹ thuật - QC Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang - Chi nhánh Đông An nói: “Vì lợi ích chương trình, vì lợi ích cộng đồng, cho nên nếu Sở TN-MT tiếp tục tổ chức chương trình, dù bất cứ nơi đâu, công ty cũng sẵn sàng đồng hành, chia sẻ để cùng nhau BVMT”.

Mới 2 đợt tổ chức, chương trình “Đổi rác thải lấy quà tặng” đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần tác động đến người dân ý thức BVMT. Từ cách thức phân loại, tái sử dụng rác thải trong sinh hoạt hàng ngày đến thu gom các chất thải như túi nylon, vật dụng phế thải bằng nhựa, kim loại và giấy thải. “Phải chi chương trình tiếp tục được nhân rộng khắp nơi trên địa bàn thì hiệu quả BVMT sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống cộng đồng gấp bội lần như thế” - một số cán bộ và người dân địa phương cùng suy nghĩ.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên