“Giải cứu” giá heo hơi - Kỳ 1

Cập nhật: 27-04-2017 | 07:12:40

Kỳ 1: Người chăn nuôi bán được 1 phải mua 3

 

Tại Bình Dương, hiện giá heo hơi đang dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg. Để có được 1kg heo hơi, người chăn nuôi phải tốn 4kg thức ăn (bình quân 9.000 đồng/kg thức ăn chăn nuôi). Như vậy, người chăn nuôi cầm chắc lỗ từ 6.000 - 16.000 đồng/kg thịt heo hơi xuất chuồng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng đang nuôi heo cầm chừng do giá bán heo hơi quá thấp. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Giá thịt heo trong nước rẻ nhất thế giới

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bình Dương, một trong những nguyên nhân khiến giá heo rớt nhanh như hiện nay là do những năm gần đây, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh khiến tổng đàn heo có xu hướng tăng nhanh, cung vượt quá cầu. Tính đến tháng 2-2017, tổng đàn heo trên toàn tỉnh đạt gần 600.000 con, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đa số được đầu tư bằng hình thức chăn nuôi trang trại (112 trang trại), tổng đàn hơn 500.000 con; bên cạnh đó còn có hơn 93.000 con được nuôi bằng hình thức nhỏ lẻ. Trung bình mỗi tháng, các trang trại, gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cung cấp cho thị trường hơn 115.000 con heo thịt.

Hiện giá heo hơi trong tỉnh ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia, giá thịt heo trong nước đang ở mức thấp nhất thế giới, thậm chí ngày 25-4 giá heo hơi tại một số tỉnh ở miền Bắc giảm xuống còn 10.000 đồng/kg. Với mức giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi heo có thể bị lỗ từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/con. Bình quân giá heo hơi xuất ra phải đạt từ 36.000 - 38.000 đồng/kg thì người chăn nuôi heo mới có khả năng hòa vốn. Giá thịt heo hơi có chiều hướng giảm từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã làm cho nhiều người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3-2017 cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Tính bình quân mỗi kg thịt heo khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng. Như vậy, với quy mô đàn heo tăng trên phạm vi cả nước, cùng với đó số lượng nhập khẩu cũng tăng đáng kể đã làm giá heo hơi trong cả nước giảm mạnh như hiện nay.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh cho hay, từ năm 2015 và đầu năm 2016, người chăn nuôi heo có lãi cao nhờ giá heo hơi luôn ở mức cao do thị trường tiêu thụ trong nước ổn định, giá thức ăn chăn nuôi giảm và hàng ngày có khoảng 300 - 600 con heo được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì thế, từ hộ nuôi heo nhỏ lẻ đến các trang trại đều tăng đàn, nhiều hộ không nuôi heo trước đó cũng đầu tư nuôi làm đàn heo tăng rất nhanh, khó kiểm soát cả về số lượng và chất lượng. Nhưng đến khi heo hơi tiêu thụ khó khăn, thương lái nhân đà ép giá khiến giá heo hơi lại giảm hơn. Ngoài ra, với tổng đàn gần 600.000 con heo của các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh hiện nay, mỗi năm cung cấp khoảng 6 triệu tấn thịt, trong khi đó nhu cầu của thị trường chỉ khoảng 3,6 triệu tấn đã làm cung vượt cầu với số lượng lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giá heo hơi giảm mạnh.

Người nuôi lỗ, thương lái vẫn lời

Gia đình anh Phạm Công Khải, ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên đã nuôi heo từ năm 1992 đến nay. Trước đây, quy mô đàn heo của gia đình anh lên đến 1.500 con nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 500 con. Theo anh Khải, do giá heo hơi xuống nhanh và khó lường trước khiến gia đình anh không kịp trở tay. “Chăn nuôi heo nhiều năm nay nhưng chưa năm nào tôi thấy giá heo hơi lại rớt giá thê thảm đến vậy. Hiện gia đình tôi còn khoảng 500 con heo đến đợt xuất chuồng, giá bán đã thấp nhưng thương lái nhiều lúc cũng không muốn đến thu mua. Trong khi đó đàn heo vẫn đang lớn nhanh, mỗi ngày gia đình tôi phải chi thêm tiền thức ăn chăn nuôi. Chưa hết, chúng tôi còn đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi nợ chưa trả xong, heo khó bán, đàn heo nái tiếp tục sinh sản, trong khi đó chuồng nuôi sắp quá tải do heo khó xuất bán”, anh Khải nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã An Tây, TX.Bến Cát thì chia sẻ, khoảng 2 năm trước, khi giá heo ổn định, với đàn heo 150 con một năm xuất bán 2 lứa gia đình bà cũng có lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên từ cuối năm 2016 đến nay, gia đình bà xuất chuồng hơn 400 con heo với giá bán chỉ 26.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, thương lái cũng chỉ mua heo hơi loại l đẹp, nhiều nạc; mặc dù giá thấp nhưng họ chỉ muốn chọn mua những con nạc chứ không bắt cả đàn như trước. Những con heo có tỷ lệ mỡ cao họ trả giá thấp hơn, thậm chí không mua vì mổ ra không bán được thịt. Trung bình mỗi con heo hiện gia đình phải bù lỗ từ 800.000 - 1 triệu đồng. Giá đã thấp nhưng sức tiêu thụ cũng giảm, hiện gia đình bà vẫn còn 150 con heo chưa xuất chuồng được. “Cứ cái đà bán không được, giữ chẳng xong thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trang trại chăn nuôi của gia đình. Nay tôi chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không đầu tư nuôi nhiều nữa”, bà Hoa than thở.

Hiện giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Ghi nhận cho thấy, giá heo hơi trong ngày 25-4 tại các chợ vẫn không giảm: Thịt ba chỉ giá 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt mông 90.000 đồng/kg, sườn non 110.000 - 120.000 đồng/kg… Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia cho biết thịt heo bán tại chợ, siêu thị phải qua nhiều khâu trung gian mới tới tay người tiêu dùng: từ thu mua, giết mổ, vận chuyển đến phân phối, bán lẻ… Có thể nói, một người nuôi heo đang “nuôi” tới 3 - 4 người. Cho dù giá heo hơi có giảm nhưng các khâu trung gian này luôn giữ lợi nhuận cho mình nên dẫn tới tình trạng giá heo hơi xuất chuồng khi đến tay người tiêu dùng đã tăng lên 4 - 5 lần. Giá heo hơi giảm sâu, đối tượng bị thiệt hại vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng, còn thương lái, người phân phối lại vẫn có lợi nhuận đều đặn.

Trước tình trạng giá heo hơi rớt giá thê thảm hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y để hỗ trợ người chăn nuôi; yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới. Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước.

Kỳ 2: Cần biện pháp lâu dài

Q.NHIÊN - P.HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên