“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 1

Cập nhật: 17-01-2015 | 09:07:40

Bài 1: Có một “địa chỉ đỏ” Bình Nhâm

Ra đời và lớn lên từ phong trào đấu tranh cách mạng, được nhân dân đùm bọc, che chở, Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một, Sông Bé, Bình Dương không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, quân dân trong tỉnh đã một lòng theo Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu kiên cường giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Và hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bình Dương đã và đang vững chắc bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 Một góc phường Bình Nhâm, TX.Thuận An hôm nay Ảnh: T.THẢO

Cùng với đồn điền cao su Phú Riềng, Đề-pô xe lửa Dĩ An, Bình Nhâm là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một. Cũng như của cả miền Nam lúc bấy giờ, từ “hạt giống cách mạng” đầu tiên ấy, tổ chức cơ sở Đảng của địa phương đã bám rễ sâu trong nhân dân, không ngừng trưởng thành lớn mạnh, lãnh đạo phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tỉnh Thủ Dầu Một (TDM) xưa (Bình Dương ngày nay), có vị trí chiến lược quan trọng, nằm sát Sài Gòn và lại là vùng có nhiều đồn điền cao su nhất Nam bộ lúc bấy giờ. Vì vậy, TDM trở thành một trong những trọng điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng để xúc tiến việc thành lập các chi bộ Đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vào tháng 8-1930, tỉnh TDM đã hình thành chi bộ cộng sản đầu tiên ở xã Bình Nhâm.

Theo các tài liệu lịch sử, Bình Nhâm là nơi xuất hiện các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, Hội kín yêu nước ở Bình Nhâm ra đời với khoảng 10 người, trong đó có những người sau này là linh hồn của các phong trào cách mạng như Nguyễn Văn Tiết, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng… Sau khi thay đổi chủ trương hoạt động, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Hội kín Bình Nhâm đã đi sâu vào quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển lực lượng về mọi mặt. Từ nửa cuối năm 1929, thông qua hoạt động của hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Đề-pô xe lửa Dĩ An, đồn điền cao su Phú Riềng và của Chi ủy Tân Việt cách mạng Đảng ở địa phương, chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu bám rễ vào một bộ phận nhân dân Bình Nhâm. Từ tháng 3-1930, người dân Bình Nhâm đã hưởng ứng tích cực các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng và công nhân Đề-pô xe lửa Dĩ An. Tiếp theo là những cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thủ công lò chén, lò đường bùng nổ, lan rộng.

Những phong trào cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo quần chúng tiến lên những bước cao hơn. Đó là thời điểm chín muồi để chi bộ Đảng tại Bình Nhâm được thành lập. Ra đời trong cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ quyết liệt, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bình Nhâm đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng địa phương. Từ bước ngoặt trọng đại này, lịch sử đấu tranh cách mạng tại đây đã bước sang trang mới.

Tháng 8-1930, tỉnh TDM đã thành lập được chi bộ cộng sản đầu tiên ở xã Bình Nhâm bao gồm các ông Trương Văn Phèn (Ba Phèn), Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết), Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa), Đinh Văn Sáng (Tám Sáng), Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu), Hồ Văn Cống. Đến năm 1932, Chi bộ xã Bình Nhâm đã tập hợp nhiều đồng chí ở các xã lân cận, có trách nhiệm hoạt động trên toàn huyện Lái Thiêu nên đã đổi tên thành Chi bộ Cộng sản huyện Lái Thiêu do đồng chí Đinh Văn Sáng làm Bí thư chi bộ.

Sau khi được thành lập, Chi bộ Đảng tại Bình Nhâm đã tiến hành tổ chức Nông hội đỏ ở một số xã và Hội tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc... thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, trong những tháng cuối năm 1930, 4 lần nhân dân địa phương đã tổ chức mít-tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên Ban hội tề xã. Số lượng quần chúng tham gia đấu tranh không chỉ bó hẹp mà còn mở rộng ra các xã Thuận Giao, Tân Khánh... Đáng chú ý nhất là cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930. Chi bộ Đảng đã vận động khoảng 200 người đến dự mít-tinh tại miếu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu vào ban đêm. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thay mặt chi bộ nói về mục đích, ý nghĩa của thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân hăng hái đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Đứng trước sự phát triển mạnh của phong trào đấu tranh của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng trong những năm 1929-1930, thực dân Pháp ra sức đối phó bằng cách tăng cường bắt bớ và khủng bố đẫm máu. Chúng tưởng rằng có thể tiêu diệt được cơ sở Đảng Cộng sản và dập tắt được phong trào cách mạng. Nhưng chúng đã lầm! Từ năm 1932, phong trào cách mạng bắt đầu phục hồi trên phạm vi cả nước.

Ở TDM, mở đầu cho sự phục hồi phong trào chính là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng. Nguyên nhân làm nổ ra cuộc đấu tranh là do chủ sở lấy cớ giá cao su bị hạ trên thị trường thế giới, ra lệnh giảm tiền lương của công nhân. So với mức lương cũ ghi trong bản giao kèo, mức lương mới bị giảm bớt 10 xu/ngày. Nam giới chỉ còn lĩnh 30 xu/ngày, nữ giới được 20 xu/ngày. Trước tình hình ấy, một số công nhân tiên tiến trước đây đã đi vận động công nhân chống lại. Vào khoảng 22 giờ ngày 15- 12-1932, 1.000 công nhân các làng đã kéo đến bao vây văn phòng chánh chủ sở Dầu Tiếng. Công nhân đưa ra yêu sách: Không được hạ lương, không được đánh đập, cúp phạt... Cuộc biểu tình này đã bị hàng trăm lính khố xanh và cảnh sát nổ súng làm chết 3 công nhân, bị thương nặng 7 người, nhiều người bị thương nhẹ và bị bắt. Tuy nhiên, công nhân vẫn tiếp tục biểu tình, buộc nhà cầm quyền Pháp bồi thường nhân mạng... Nắm bắt được sự kiện này, Thành ủy Sài Gòn cử đồng chí Văn Công Khai (người làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh TDM) đến đồn điền cao su Dầu Tiếng để gầy dựng cơ sở quần chúng và tiến tới lập Chi bộ Đảng.

Cũng trong năm 1932, hưởng ứng cuộc vận động đấu tranh của Tỉnh ủy Gia Định, ngày 18- 4-1932, hàng trăm đồng bào các làng Bình Nhâm, An Sơn, Thuận Giao... cùng nhau đến gặp Ban hội tề và chủ lò gốm. Đại diện nông dân đưa ra yêu cầu: Giảm thuế thân từ 5 đồng xuống còn 4,5 đồng, hoãn đi xâu ở núi Bà Rá. Đại diện thợ thủ công đòi tăng lương cho thợ nam giới từ 15 xu/ngày lên 18 xu/ngày, nữ giới từ 12 xu/ngày lên 15 xu/ ngày. Và liên tiếp sau đó, nhiều cuộc biểu tình của công nhân cao su Dầu Tiếng, công nhân các lò gốm... đã nổ ra.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé cho biết, nhìn chung trong khoảng thời gian từ 1932-1935, những cuộc đấu tranh diễn ra trên địa bàn TDM, xét về mặt tính chất và quy mô cho thấy sự nhận thức về chính trị, phương pháp và tổ chức đấu tranh của quần chúng công - nông được nâng lên rất cao. Đó là kết quả tổ chức chặt chẽ của cơ sở Đảng ở địa phương, dưới sự hướng dẫn của Tỉnh ủy Gia Định. Từ khi ra đời, các tổ chức cơ sở Đảng ở TDM đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều mặt, xây dựng được cơ sở vững chắc, phát triển thêm đảng viên mới để chuẩn bị điều kiện lập thêm các chi bộ; xây dựng được các tổ chức quần chúng bí mật, bán công khai; đưa quần chúng công - nông ra đấu tranh giành lợi ích thiết thực hàng ngày.

Sự hoạt động của những đảng viên Đảng Cộng sản ở TDM cùng với các phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi trong thời kỳ những năm sau khi Đảng ra đời đã khẳng định nhân dân TDM trong hoàn cảnh nào cũng một lòng theo ngọn cờ cách mạng của Đảng. Đồng thời, đó cũng là điều kiện, là nhân tố làm tiền đề cho việc ra đời Tỉnh ủy TDM sau này.

Bài 2: Thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một - bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở địa phương

 

 THU THẢO

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên