“Hiệp sĩ” cứu thương

Cập nhật: 15-11-2011 | 00:00:00

Hàng ngày phải dầm mưa dãi nắng kiếm từng cuốc xe để mưu sinh, nhưng nghe ở đâu có tai nạn là ngay lập tức các anh tìm đến để đưa nạn nhân cấp cứu. Hơn 10 năm qua, những “hiệp sĩ” cứu thương ở Đội xe ôm thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát đã hàng trăm lần làm việc nghĩa này. 

Các “hiệp sĩ” cứu thương đang trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Mỹ Phước

 Nhắc đến chuyện cứu thương, các anh hào hứng nhớ lại từng chi tiết vụ việc như xua tan mọi vất vả sau một ngày ngược xuôi. “Tai nạn ở ngã tư thị trấn Mỹ Phước này nhiều lắm, không thể nhớ hết được. Tuy không nói ra nhưng gần như tụi này tự phân công trách nhiệm cho nhau hàng ngày. Ai không chạy xe, khi nghe đồng nghiệp báo tin có tai nạn quanh khu là lập tức lên đường. Có người chạy tới chạy lui đưa người nhập viện một ngày hai ba lần, nhưng không ai phàn nàn”, đội trưởng Lê Văn Lâm mở đầu câu chuyện. Ngay bản thân anh Lâm cũng không dưới hàng chục lần tham gia cứu thương. Trong số đó, theo anh Lâm, đa phần là những người gặp phải tai nạn giao thông khi ngang qua địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Vị, một thành viên trong đội tâm sự: “Khi đã tham gia vào đội, hầu hết anh em đều tự nguyện, vì đã ý thức rõ việc mình đang làm. Không ai đòi hỏi phải thế này thế kia. Nếu gặp trường hợp nạn nhân bị xây xát nhẹ, họ có nhớ gởi lại tiền xăng thì cám ơn, còn không nhớ cũng không sao. Với những trường hợp chấn thương nặng, anh em cũng không đòi hỏi”.

Theo anh Lâm cho biết, hầu hết anh em chạy xe ôm ở khu vực thị trấn Mỹ Phước đều có thâm niên trong nghề. Từ ngày chưa thành lập đội, mỗi lúc gặp người bị nạn trên đường, các anh cũng nhiệt tình tham gia cứu thương. Đơn giản vì đó là công việc mà ai cũng phải làm, vì tình người. Nhưng ngặt nỗi không ít lần các anh bị tình nghi là người gây tai nạn, phải mất rất nhiều thời gian để giải trình sự việc. Khoảng từ giữa năm 2007, khi đội chính thức được thành lập, được khoác lên mình chiếc áo xanh đồng phục thì mọi rắc rối kia mới được chấm dứt. Và không ít những lần đưa người nhập viện, bờ vai của các anh dính đầy máu, vậy là phải quay về nhà tắm rửa mất rất nhiều thời gian. Trong khi, cuộc sống của anh em đa phần đều rất khó khăn. Có người “gà trống” nuôi con, có người phải chắt chiu từng đồng phụng dưỡng cha mẹ già, cũng có người đang phải chạy từng đồng để lo bệnh tật.

Ký ức về những việc làm hàng ngày, có khi còn để lại ám ảnh khó phai trong tâm trí các anh. Bởi trong những lần gặp nạn ấy, không ít người xui rủi đã vĩnh viễn ra đi. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng anh Tăng Phước Thiện vẫn còn nhớ rõ từ ánh mắt, giọng nói của một phụ nữ nhờ anh gởi gắm tới người thân trong một chiều mưa gặp nạn. Còn anh Vị cứ bị ám ảnh về một thanh niên sau khi bị tai nạn tại ngã tư Mỹ Phước. Sau khi được anh đưa đến bệnh viện, anh ta tỉnh lại rồi một hai bắt anh Vị chở về ngã tư lấy xe chứ nhất định không chịu vào bệnh viện. Nhưng khi anh Vị chở về lại nơi bị nạn, người thanh niên này đã bất tỉnh, hôn mê rồi tử vong. Các bác sĩ cho biết nạn nhân đã bị chấn thương sọ não quá nặng không thể cứu...

Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, hàng ngày, anh Vị, anh Lâm và nhiều anh em khác trong đội vẫn ngược xuôi giúp người bị nạn. Tinh thần “hiệp sĩ” của các anh còn lôi kéo nhiều anh em khác chung sức chung lòng. Từ khoảng 3 thành viên ban đầu, đến nay, toàn đội xe ôm cứu thương thị trấn Mỹ Phước đã có 25 thành viên. Họ có mặt trên tất cả điểm nóng ở các ngã ba, ngã tư trên quốc lộ 13 và nhiều điểm nóng trên các khu công nghiệp để sẵn sàng giúp người gặp nạn.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên