“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng… ”

Cập nhật: 27-04-2015 | 08:25:43

Trung tướng Lê Nam Phong sinh ra ở xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu, Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông là một trong những vị tướng gắn cả cuộc đời mình với chiến trận, từ đánh Pháp, đánh Mỹ, rồi Nam chinh, Bắc phạt trong chiến tranh biên giới cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. 60 năm đằng đẵng xa nhà, đôi chân ông đã lội qua những dòng sông trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ sông Lam, sông Hồng, sông Lô đến sông Mã oai hùng, sông Thao bát ngát, sông Đuống lững lờ... những con sông một thời đánh Pháp… Rồi 10 năm ở chiến trường Nam bộ đánh Mỹ, ông lại đến với dòng sông Cửu Long hùng vĩ, Vàm Cỏ cây trái đôi bờ và sông Bé nối dòng Đồng Nai bất khuất với biết bao ký ức oanh liệt hào hùng. Hôm nay, sắp bước qua tuổi 90, lão tướng vẫn phong độ, minh mẫn trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng đất nước trong khói lửa chiến tranh, chia cắt đôi bờ…

 - Thưa ông, bước vào mùa xuân lịch sử năm 1975, trước đà thắng lợi như chẻ tre của quân ta, Bộ Chính trị đã kịp thời hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng một lực lượng mạnh chưa từng thấy của 5 cánh quân, chia làm 5 hướng tiến về sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền. Là vị tướng dày dạn trận mạc, ông có thể phân tích thêm về nghệ thuật sử dụng lực lượng, tài thao lược, thế và lực của ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?

- Sau Chiến dịch giải phóng Đường 14 - Phước Long, Bộ Chính trị nhận định tình hình, quân ngụy dù còn đông, vũ khí hiện đại nhưng nếu Mỹ bỏ rơi thì ngụy trước sau gì cũng sụp đổ. Đến chiến thắng Buôn Ma Thuột, ta hoàn toàn đủ cơ sở nhận định, Mỹ bỏ rơi Thiệu, ngụy quân lâm vào thế hoang mang phòng ngự, tinh thần sa sút, càng đánh càng thua. Về phía ta, bộ đội càng đánh càng mạnh. Chiến thắng liên tiếp ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta tung 5 cánh quân chia làm 5 hướng áp sát Sài Gòn, thế mạnh như sóng trào, thác đổ. Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch với sự hợp đồng của các quân, binh chủng lớn chưa từng thấy; là chiến dịch có nhiều cánh quân nhất, nhiều binh chủng nhất với sự cơ động, tổ chức, chỉ huy cực kỳ tuyệt vời. Nhiều cách đánh mới đã được áp dụng trong chiến dịch này, như chiến thuật bộ binh cơ giới, đánh địch trong hành tiến... Tôi cho rằng, chiến thuật, chiến lược của ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Chiến dịch này đã hội đủ các hình thức chiến tranh, từ du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đến hợp đồng quân binh chủng quy mô hiện đại. Năm cánh quân thần tốc đánh vào Sài Gòn khiến địch không thể phòng ngự, không thể rút chạy mà phải buông súng đầu hàng. Sức mạnh đó, nghệ thuật đánh thần tốc, đầy mưu lược đó đã làm quân địch mất ý chí chống cự, góp phần giữ cho Sài Gòn không bị đổ nát, còn gần như nguyên vẹn khi ta giải phóng.

Trung tướng Lê Nam Phong (phải) và phóng viên Báo Bình Dương tại nhà riêng của ông ở Sài Gòn. Ảnh: X.THI

- Được biết ngày 29-4, trước lúc xuất quân tiến công vào nội đô Sài Gòn, đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Sư đoàn 7 do ông chỉ huy để cắm lên dinh Độc Lập ngụy quyền. Đây là một vinh dự vô cùng lớn lao, vậy cảm xúc của ông lúc đó như thế nào, thưa ông?

- Đúng vậy! Đó là vinh dự to lớn cho cá nhân tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 anh hùng. Vậy là sau bao nhiêu năm xông pha chiến trận đánh giặc cứu nước, ngày hôm ấy cùng toàn quân, toàn dân, tôi sắp được bước tới giờ phút vinh quang và thiêng liêng của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, ca vang khúc khải hoàn. Lực lượng Sư đoàn 7 của chúng tôi được tổ chức thành mũi thọc sâu, binh chủng hợp thành tiến thẳng vào nội đô tiêu diệt địch, đánh chiếm quận 1, mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập và Đài Phát thanh ngụy. Tuy nhiên, khi đơn vị chúng tôi tiêu diệt địch ở Biên Hòa, trên đường tiến vào Sài Gòn thì xe tăng không qua được cầu Ghềnh vì cầu quá hẹp và yếu. Chúng tôi buộc phải quay ra đường 1 tiếp tục hành tiến. Lúc tiến gần vào đến Sài Gòn, tôi được biết Quân đoàn 2 đã cắm cờ trước trên dinh Độc Lập, Đại đội 7 của chúng tôi đã đến sau 30 phút. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, tôi bồi hồi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người đã vĩnh biệt nhân dân ta khi miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất nhưng trong tim của Người lúc nào cũng có hình ảnh miền Nam. Chính tư tưởng của Người đã dẫn dắt nhân dân ta, quân đội ta đi đến chiến thắng hôm nay. Rồi một niềm xúc động nữa trào dâng tận đáy lòng của tôi, trong giờ phút non sông thống nhất, tôi vô cùng thương tiếc biết bao đồng đội đã anh dũng ngã xuống trước giờ toàn thắng.

- Ông là người đã đi qua nhiều cuộc chiến, hiểu rõ sự tàn ác, khốc liệt của chiến tranh, đồng thời biết rõ nhân dân ta cũng như nhân loại tiến bộ luôn mong muốn hòa bình, hạnh phúc, căm ghét chiến tranh. Hôm nay, cuộc chiến đã lùi xa vào quá khứ, nếu nhìn ở góc độ nhân văn, ông sẽ nói những gì, thưa ông?

- Tôi rất tâm đắc với lời ca trong bài hát “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền: Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…! Đúng vậy, trên đời, không dân tộc nào muốn chiến tranh cả, huống chi dân tộc ấy lại là Việt Nam, một dân tộc mà lịch sử không có được bao nhiêu thời gian sống trong thanh bình, tự chủ. Lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1946: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm, có súng thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”, chẳng qua là vì kẻ thù bức bách quá mà thôi. Dân ta yêu chuộng hòa bình, nhưng khi giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc bị đe dọa thì tất cả buộc phải đứng lên chiến đấu bảo vệ, sẵn sàng hy sinh, không mảy may sợ hãi, lùi bước trước quân thù. Ngày nay, hết chiến tranh rồi, dân tộc Việt Nam sẵn sàng giang rộng vòng tay với bạn bè trên thế giới trong hòa bình và hữu nghị.

- Các ký giả nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về chiến tranh thường xoay quanh những vấn đề: Nguyên nhân nào khiến người lính Việt Nam có sức mạnh chiến đấu, có ý chí kiên cường bất khuất trước bất kỳ đối tượng tác chiến nào; lý tưởng nào được xây đắp, tạo nên ý chí và sức mạnh chiến đấu bền vững đó…? Nhưng điều này đối với người Việt Nam thì khác. Vậy theo ông, lớp trẻ ngày nay phải làm gì để kế thừa xứng đáng hào khí của thế hệ cha ông thuở trước, thưa ông?

- Tôi là người đã biết thế nào về “một cổ hai tròng”, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến cam go, nay tuổi đã xế chiều, tôi muốn nhắn nhủ với hậu thế rằng: Hãy cùng nhau nâng niu và dốc sức giữ gìn đất nước trong độc lập, tự do và hòa bình, đặng có điều kiện chung tay vun đắp nên sự thịnh vượng. Người xưa có câu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tôi không dám nói mình đã thành danh, nhưng trong cuộc đời trận mạc, tôi không thể tính được bao nhiêu lần đã khóc đồng chí, đồng đội. Cái giá cho độc lập, tự do là không gì đo đếm được.

Muốn đảm đương được sứ mệnh lịch sử thiêng liêng là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, thế hệ trẻ ngày nay cần phải ra sức rèn luyện, học tập, tu dưỡng tình cảm và ý chí cách mạng. Phải hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của chiến tranh nhân dân cách mạng, noi gương lớp cha anh mà sẵn sàng hy sinh, chiến đấu khi Tổ quốc cần đến; luôn giữ gìn và hun đúc thêm truyền thống anh hùng bất khuất, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam chúng ta, đồng thời phải vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, đưa đất nước phát triển mạnh toàn diện. Đó là sứ mạng cao cả của thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh ngày nay.

KIẾN GIANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên