“Người đưa đò” trong kháng chiến: Cô giáo cách mạng

Cập nhật: 19-11-2014 | 08:47:32

Kỳ 1: Cô giáo cách mạng

Trong chiến tranh, hoạt động cách mạng đã khó, đem con chữ đến với người dân càng khó hơn. Thế nhưng, vượt qua rào cản của địch, người con gái Nguyễn Thị Rẽ đã dũng cảm đem chữ đến với mọi người, góp phần đánh tan giặc dốt trong nhân dân.

 Bà Nguyễn Thị Rẽ (phải) tham quan Lăng Bác và chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ lão thành cách mạng

Tuổi thơ anh dũng

Tìm về ngôi nhà của người phụ nữ một thời nổi danh Nguyễn Thị Rẽ, chúng tôi cảm nhận được sự cống hiến, hy sinh của bà qua những bộ huân, huy chương trên bệ thờ. Bà đã qua đời nhưng những gì bà làm cho quê hương, đất nước mãi mãi được mọi người khắc ghi. Lật từng trang hồi ký của bà, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Mặc dù là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhưng những việc bà làm không hề nhỏ và không giấy mực nào có thể kể hết.

Bà Nguyễn Thị Rẽ sinh năm 1927, tại làng Tân Hóa, xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên (nay là phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên). Sinh ra trong cái nôi của cách mạng, bà sớm nung nấu lòng căm thù giặc từ khi còn thơ bé. Năm 1944, chứng kiến cảnh chiến sĩ Mỹ Lộc (Tân Uyên) do ông Trần Văn Quỳ lãnh đạo chống trả sự áp bức của bọn Nhật và tay sai khiến bà càng căm thù giặc nhiều hơn. Bà hy vọng sẽ được tham gia những hoạt động đấu tranh để làm thay đổi thân phận con người và quê hương mình. Sau đó, bà tích cực tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong với nhiệm vụ đưa thư cho các anh chị trong “hội kín” để qua mắt địch. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, sau đó thực dân Pháp quay lại xâm lược miền Nam, bà một lần nữa đi theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

Kháng chiến chống Pháp thành công, đất nước lại chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ. Không an phận với cuộc sống của một giáo viên, bà cùng các đồng chí được phân công tiếp tục gầy dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Con trai bà, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1954), kể lại: “Tôi từng nghe bạn bè mẹ kể, trải qua các giai đoạn khó khăn, ác liệt những năm 1954-1959, 1969-1970… và những thời điểm cam go của cách mạng, mẹ tôi vẫn thể hiện khí tiết của người cộng sản, luôn trung thành với lý tưởng cách mạng. Trong suốt những năm đánh Mỹ, 6 lần mẹ bị bắt giam tại các nhà tù của Mỹ - Ngụy, như: Thủ Đức, Gia Định, Côn Đảo, Phú Lợi. Trong các lao tù của địch, bị địch tra tấn vô cùng dã man, nhiều lần chết đi sống lại nhưng mẹ vẫn không đầu hàng giặc. Mẹ đã chiến đấu kiên cường và chiến thắng kẻ thù để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày chiến thắng”.

 Với đức tính hiền lành, chịu khó, bà Rẽ luôn được mọi người quý mến Ảnh: T.LÝ

Nỗ lực dạy học

Ngoài cống hiến cho cách mạng, người phụ nữ kiên trung Nguyễn Thị Rẽ còn được biết đến là cô giáo, người giáo viên trong chiến trường. Học xong khóa sư phạm 6 tháng vào năm 1944, bà phụ chú ruột là thầy giáo Nguyễn Văn Trí tại trường làng Tân Hóa đứng lớp. Về sau, ở bất kỳ căn cứ, mặt trận, hay nhà tù bà đều đứng lớp dạy chữ cho mọi người. Trong hồi ký của bà có đoạn viết: “Năm 1944, chú tôi cho tôi đi học khóa sư phạm 6 tháng về trường làng dạy phụ chú tôi. Vì bây giờ, người học đông quá chú dạy không xuể, khóa học phải chia ra nhiều lớp. Chú dạy 2 lớp, tôi dạy 1 lớp”.

Đến năm 1954, ngôi trường làng bị địch phá hủy, trong xóm mọi người đứng ra xây dựng trường học, bà nhận nhiệm vụ dạy học cho con em trong toàn xã. Trong thời gian giảng dạy, bà còn làm giao liên cho khu ủy miền Đông do ông Tám Chữ phụ trách. Bị phát hiện, bà được chuyển về Hớn Quản (Bình Phước) tiếp tục dạy học ở trường Cao Thắng. Về đây dạy học được 3 tháng, bà bị bắt vì bị nghi ngờ hoạt động cách mạng. Trong lúc bị địch bắt, chúng dùng nhiều chiêu dụ dỗ nhưng không làm lay chuyển ý chí người nữ cộng sản. Bà cương quyết không khai nhận nên bị địch bắt xuống nhà tù Thủ Đức, Côn Đảo. Trong tù, bà cùng 11 chị em khác cương quyết chống lại chế độ nhà tù của địch. “Tuy sống trong căn hầm chật hẹp nhưng chị em vẫn tổ chức vui chơi, văn nghệ, học tập văn hóa. Không có giấy mực, chị em xin than do anh em đem cơm lên, rồi chia từng nhóm, phân công chị em có trình độ dạy cho chị em kém. Tinh thần chị em nhờ vậy rất thoải mái, vui vẻ, chấp nhận chịu đựng để giữ vững khí tiết chống lại chế độ độc tài quân phiệt của chúng”, bà đã viết.

Với những đóng góp cho cách mạng, bà Nguyễn Thị Rẽ đã nhận được nhiều huân, huy chương cao quý, như: Huân chương chống Pháp hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày… Bà còn vinh dự được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Khi được đưa về đất liền, chúng giam bà tại nhà tù Phú Lợi. Năm 1961, trước sức ép của dư luận trong nước, quốc tế, chính quyền Sài Gòn bắt đầu trả tự do cho chị em. Bà là một trong 2 người được thả cuối cùng vào cuối năm 1961. Trở về với thân hình đầy vết thương trong lao tù nhưng bà vẫn nung nấu ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bà tiếp tục liên lạc với những đồng chí, đồng đội nhưng một số bị bắt, một số hy sinh. Bà lên Xóm Nhà Mát (xã Long Nguyên) để tiếp tục tìm đường dây hoạt động cách mạng. Tại đây, trong lúc chờ đợi bà đã dạy học cho con vợ chồng dì Mười Sương. Bà dạy trong vòng 3 tháng, các con dì Mười Sương trong đó có Sinh, Sính, Nhớ đều biết đọc, viết. Tiếng lành đồn xa, mọi người trong xã đã đưa con đến xin được học chữ. Lúc này, mọi người đã đồng tình lập thành điểm học để bà dạy học. Ông Nguyễn Văn Nhớ (SN 1942), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên, kể lại: “Do cô Rẽ đã học phương pháp sư phạm nên dạy rất dễ hiểu. Các chị tôi học tiếp thu rất nhanh. Sau thời gian ngắn, mọi người đã đọc, viết thành thạo. Người trong làng, ai cần viết thư, đọc thư đều nhờ chúng tôi”.

Về sau, bà được đưa về làm Ủy viên Ban Tuyên huấn phụ trách giáo dục. Tiểu Ban giáo dục được thành lập, bà được phân công làm trưởng tiểu ban. Sau đó, bà làm nhiệm vụ tại Phụ nữ tỉnh, văn phòng UBND tỉnh phụ trách khối văn xã, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh, Chủ nhiệm CLB hưu trí tỉnh... Là một cán bộ, đảng viên, bà tự hào mình đã xứng đáng là đảng viên trung kiên của Đảng. Trong tù, lúc nào bà cũng đấu tranh quyết liệt, mặc dù bị địch đánh đập, khảo tra nhưng quyết một lòng theo Đảng. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, được Đảng, Nhà nước phân công nhiều trọng trách, nhưng lúc nào, ở đâu bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đọc những trang hồi ký của bà, cũng như tâm sự của những nhân chứng sống, có thể thấy trong suốt cuộc đời làm cách mạng, bà Rẽ đã góp một phần xương máu của mình vào hai cuộc kháng chiến cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, bà đã có công lớn đối với phong trào giáo dục thời kháng chiến. Bà xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Kỳ 2: Người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung

 

 T.LÝ - A.SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên