“… Sỏi đá cũng thành cơm”

Cập nhật: 06-10-2012 | 00:00:00

Đối với một người khỏe mạnh bình thường, việc làm giàu đã không hề đơn giản. Với người không may khiếm khuyết một phần thân thể thì việc phát triển kinh tế gia đình ổn định đã khó bội phần nói chi đến làm giàu. Thế nhưng với quyết tâm và nghị lực của mình, ông Lê Xuân Đảng, thương binh 3/4 ở ấp 1, xã Tân Hưng, Bến Cát đã đưa gia đình vượt qua nhiều khó khăn để bây giờ trở thành một trong những hộ được xếp vào hàng khá giàu của địa phương.

Vượt khó

Theo sau những bước chân liêu xiêu của người lính già giữa vườn cao su xanh tốt che bóng mát rượi, chúng tôi vừa đi tham quan khu vườn vừa được ông Đảng kể về “hành trình” vượt khó của mình. Chứng kiến thành quả sau nhiều năm gầy dựng dưới đôi bàn tay chai sạn, dạn dày sương gió của một người lính - thương binh mới hiểu vì sao ông được bà con ở địa phương và đồng đội cảm phục đến vậy.

 

Lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà đang chiến tranh, là người con của quê hương Thanh Hóa, như bao thanh niên cùng trang lứa, Lê Xuân Đảng khoác ba lô lên đường xông pha trận mạc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1972, tại chiến trường B5 Khe Sanh (Quảng trị), sau nhiều trận quần nhau với địch, Lê Xuân Đảng bị thương nặng buộc phải đưa về tuyến sau. Trong thời gian điều trị và dưỡng thương, anh thương binh Lê Xuân Đảng đã gặp một nữ thương binh là thanh niên xung phong Phạm Thị Thanh, người bây giờ là vợ của ông.

Cuộc sống những ngày sau khi đất nước vừa giải phóng thống nhất gặp rất nhiều khó khăn. Nơi quê nghèo ở Bắc Trung bộ, gia đình ông Đảng lại càng khó khăn chồng chất khi những đứa con lần lượt chào đời. Niềm vui vô bờ nhưng cũng là thử thách đối với đôi vợ chồng thương binh. Cuối năm 1983 theo chủ trương đi kinh tế mới, hai vợ chồng ông dẫn con cái vào Nam lập nghiệp, hai vợ chồng ông vào làm việc tại Nông trường Cao su Tân Hưng. Cao su ngày ấy không có giá như bây giờ nên cuộc sống nơi vùng đất mới vẫn bộn bề khó khăn. Vì thế, ông đành nghỉ việc để hưởng trợ cấp một lần lấy vốn đầu tư vào nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích đất. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên buổi ban đầu việc làm ăn gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc thất bại. Tuy nhiên với một người đã từng vào sinh ra tử, được tôi rèn bản lĩnh, ông không nản chí mà càng quyết tâm tạo dựng sự nghiệp nơi vùng đất mới.

Thông qua các lớp khuyến nông rồi tự mày mò học tập kinh nghiệm của những người đi trước cũng như học hỏi từ sách báo và từ… thất bại của chính mình, ông đã dần tích lũy kinh nghiệm để vận dụng vào sản xuất. Rồi đất lành đã không phụ lòng người, công việc làm ăn ngày càng ổn định, ông có của để dành và mua thêm đất đai để trồng cao su. Giờ đây, kinh tế nhà ông đã rất vững vàng, với 5 trại gà lớn khoảng 17.000 con, 5 ha cao su và cây ăn trái… Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông mạnh dạn đầu tư tu sửa, làm thêm trại, mua con giống vật nuôi, thuốc phòng trị bệnh, phân bón cho cây với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng thu các khoản được hơn 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí như vốn đầu tư, trả công lao động ông cũng còn lại được 429 triệu đồng. Ông vẫn tâm đắc với câu thơ: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Câu thơ đó chính là động lực để giúp ông đứng dậy mỗi khi thất bại trong làm ăn. Bởi theo như ông thì không phải lúc nào cây trái, chăn nuôi cũng cho thu hoạch thuận lợi, mà nó phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như thời tiết, đầu ra của sản phẩm… Một kinh nghiệm có lẽ không mới nhưng không bao giờ cũ đối với ông đó là làm nông nghiệp thì nên đa dạng các loại cây, con để có lỡ thất thu thứ này thì còn nguồn thu khác.

Niềm vui người lính già

Như một cái kết có hậu và công bằng với ông, một người thương binh giàu nghị lực. Từ những bước đi chập chững của ngày đầu làm kinh tế đến nay có thể khẳng định một điều, đôi chân ấy, con người ấy đã dạn dày kinh nghiệm, đi những bước đầy tự tin để công việc làm ăn ngày một khấm khá. Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế gia đình, với quy mô trang trại hiện có ông đã giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương với mức lương khoảng trên 4 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt hơn, hạnh phúc hơn đối với ông bây giờ có lẽ là những đứa con của ông. Ông cho biết, các con ông đều được học hành thành đạt. Một người có trình độ thạc sĩ, 3 người có trình độ đại học. Hiện các con ông đều có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Nhận xét về thương binh Lê Xuân Đảng, ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng chia sẻ: “Gia đình ông Lê Xuân Đảng là một gia đình cách mạng, một thương binh (mất sức 55%) rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, ủng hộ các quỹ của địa phương rất nhiệt tình... Là một người chịu khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính nghị lực phi thường của ông”.

Biết bao thăng trầm đã qua, những thành quả mà người thương binh Lê Xuân Đảng có được như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, lao động bằng đôi bàn tay, nghị lực, ý chí. Những nỗ lực của ông cũng đã được ghi nhận, bằng chứng là ban ngành các cấp biết tới và kịp thời động viên tuyên dương. Năm nào ông cũng được tỉnh và huyện Bến Cát trao tặng nhiều bằng khen: “Người công dân kiểu mẫu - gia đình cách mạng gương mẫu” - “Xuất sắc trong phong trào nông dân điển hình tiên tiến”… Ông cũng được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Giải phóng hạng ba. Ý chí và nghị lực của ông xứng đáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

TRÍ DŨNG - TỰ BA
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên