100 ngày làm tổng thống chưa đủ để “nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Cập nhật: 05-05-2017 | 15:54:11

Sau 100 ngày ông Donald Trump vào Nhà Trắng, báo Les Echos của Pháp đã có bài tổng kết về các chính sách kinh tế của ông tỉ phú bất động sản trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Ngay sau khi ứng cử viên Donald Trump bất ngờ thắng cử vào tháng 11-2016, các thị trường cổ phiếu Mỹ đã vọt tăng giá. Lý do là các doanh nghiệp đều tin rằng chính quyền Donald Trump sẽ ban hành một chính sách kinh tế thuận lợi hơn cho tăng trưởng, như giảm thuế doanh nghiệp, giải tỏa hệ thống kiểm soát hành chính được thiết lập sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, giúp giải phóng sức đầu tư của doanh nghiệp và tạo ra việc làm.

Khi tranh cử, ông Trump hứa hẹn các biện pháp kích thích kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng là 4%, tức là cao gấp đôi mức tăng trưởng của nhiều năm qua. Nhưng theo số liệu mới được công bố, nền kinh tế Mỹ chậm hẳn lại từ tháng 1 đến tháng 3-2017 và phát triển ở mức thấp nhất từ 3 năm nay (0.7%), do người dân Mỹ không chi tiêu mạnh như trước.

4 ngày trước khi ăn mừng 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Tổng thống Trump và cố vấn kinh tế thông báo kế hoạch "cải tổ chính sách thuế khóa", được xem là một trong ba cột trụ của chương trình kinh tế trong nhiệm kỳ vừa mở hơn ba tháng nay.

Mỹ hiện là quốc gia đánh thuế nặng nhất vào khu vực sản xuất. Để khắc phục nhược điểm trên, chính quyền Trump quyết định hạ mức thuế này từ 35% xuống còn 15%. Chủ nhân các công ty vừa và nhỏ được xem là hưởng lợi nhiều nhất trước viễn cảnh được miễn thuế lên tới 2.000 tỷ USD trong thời gian 10 năm theo như dự đoán của Trung tâm nghiên cứu Tax Foundation.

Nhưng báo Les Echos đưa ra ngay hai câu hỏi: Chính phủ Mỹ lấy đâu ra tiền để tài trợ cho khoản thất thu 2.000 tỷ trong 10 năm vừa nêu? Có thực sự các doanh nghiệp Mỹ ngoan ngoãn đóng đủ 35% thuế cho nhà nước hay không? Les Echos trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu về chính sách thuế khóa và kinh tế trụ sở tại Washington, theo đó trong số 500 tập đoàn lớn nhất tại Mỹ được hỏi, chỉ có gần một nửa (chính xác là 258) trả lời công khai về các khoản thuế khóa của họ. Trong số này, mức thuế thực sự họ phải trả trong thời gian từ 2008 đến 2015 tương đương với 21,5% mỗi năm: thấp hơn so với con số 35% vẫn thường được nói tới.


Donald Trump sau 100 ngày làm Tổng thống Mỹ.

Về khoản thất thu của chính phủ khi giảm thuế cho doanh nghiệp, Les Echos cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Trump không dễ thuyết phục quốc hội. Donald Trump có thể tặng cho các doanh nghiệp Mỹ "món quà" 2.000 tỷ USD, với điều kiện "tăng trưởng của Mỹ phải liên tục ở mức 3% một năm trong thập niên sắp tới". Nhưng GDP của Mỹ trong quý I/2017 chỉ tăng 0.7%.

Nhìn vào chi tiết kế hoạch giảm thuế của ông Trump, các chuyên gia thấy nhiều điều đáng sợ. Ưu tiên của chính quyền Trump là tạo ra việc làm, nhưng việc cải cách kinh tế ông đề nghị chưa chắc sẽ đạt mục tiêu đó vì nạn thất nghiệp hay tình trạng lực lượng lao động chưa được sử dụng hết không chủ yếu xảy ra do nhập siêu - mua nhiều hơn bán - mà do tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Khi năng suất khu vực chế biến tăng khiến một người có thể làm bằng ba thì có hai người bị đe dọa mất việc.

Thứ nữa, biện pháp đánh thuế trên hàng nhập cảng có thể gây phản ứng trả đũa từ các nước khác làm nhiều tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại khiến giới dân cử địa phương ngần ngại.

Quan trọng nhất, đề nghị cải cách thuế vụ đang được thảo luận và ngã giá sẽ chi phối mọi người, mọi thành phần sản xuất của Mỹ và mọi quốc gia đang mua bán với Mỹ.

Về phương diện kinh tế quốc tế, Tổng thống Trump đang dần nhận thấy rằng, tương tự như người tiền nhiệm Barack Obama, ông không thể đạp đổ tất cả để làm lại từ đầu. Lớn tiếng với Trung Quốc về kinh tế và thương mại, nhưng rồi, nếu có tranh chấp, chính quyền Trump sẽ phải giải quyết những bất đồng với Bắc Kinh trước một vị trọng tài là Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ngay cả việc tố cáo Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ, chính quyền Trump cũng đã phải “gài số lùi”. Đơn giản là vì cáo buộc đó không còn tính thời sự. Hơn nữa: "Lời cáo buộc đó không khác gì quyết định phóng 59 tên lửa vào căn cứ quân sự của Syria. Có nghĩa là làm ầm ĩ để rồi kết quả vẫn chẳng đi đến đâu".

Điều này cũng tương tự với việc ông Trump làm rùm beng chuyện với Canada và Mexico để đòi rút khỏi khối tự do mậu dịch Bắc Mỹ nhưng rồi mới đây lại tuyên bố quyết định ngưng rút khỏi mà chỉ đàm phán lại.

Về việc hủy Hiệp định TPP, các chuyên gia cho rằng TPP mới chỉ ở giai đoạn ký kết chứ chưa đi vào vận hành nên tác động của TPP đối với kinh tế Mỹ là chưa thể đánh giá được.

Mặc dù tỏ ra không coi trọng cái mốc 100 ngày đầu tiên, nhưng tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn cố chứng minh rằng trong giai đoạn nói trên, ông đã làm được nhiều việc hơn người tiền nhiệm. Trên Twitter, ông thanh minh: “Bất kể tôi làm được việc gì trong cái giai đoạn 100 ngày phi lý này - và tôi đã làm được rất nhiều việc - thì truyền thông vẫn hạ sát tôi”.

Nhà Trắng mở hẳn một trang thông tin về chủ đề 100 ngày và điều các sứ giả đi gặp truyền thông. Các cố vấn thân cận của Donald Trump liên tiếp có những tuyên bố ca ngợi, như tổng thống đã nhanh chóng thực hiện các cam kết.

Nếu như người ta vẫn tranh luận về tính xác đáng, theo lẽ phải hay hiệu quả của các quyết định mà Tổng thống Mỹ đưa ra, thì không một ai cho rằng ông thụ động. Trong 100 ngày qua, vị tổng thống còn “non nớt” về chính trị này đã ký 32 sắc lệnh, 22 bị vong lục và 20 tuyên bố. Ông xóa bỏ hơn 90 quy định ở cấp liên bang bị cho là kìm hãm nền kinh tế, và không quan tâm đến môi trường, bảo hiểm xã hội hoặc kỷ luật ngân hàng.

Tuy nhiên, kế hoạch tuyển dụng 15 nghìn nhân viên hải quan và cảnh sát biên phòng đã được bắt đầu, ông đã thực hiện 16 trong tổng số 18 cam kết thuộc phạm vi hành pháp, nhưng chưa có một dự luật nào của ông được bên lập pháp thông qua.

Tổng thống Mỹ không giấu giếm là ông vừa làm vừa học việc và công khai thừa nhận rằng công việc của một vị tổng thống lại nặng nề đến như vậy. Phát biểu trên Reuters hôm 29-4, ông Trump nói: “Tôi yêu cuộc sống trước đây, có nhiều thứ chờ đợi tôi. Ở đây tôi phải làm việc nhiều hơn. Tôi tưởng làm tổng thống sẽ được thoải mái hơn”.

Ông Trump than rằng ở địa vị tổng thống nước Mỹ, ông có quá ít riêng tư cho cuộc sống và đến nay vẫn đang cố làm quen với việc được mật vụ bảo vệ suốt ngày đêm và đi đâu cũng có họ kè kè cạnh bên. Chủ nhân Nhà Trắng còn tâm sự: “Quý vị trở thành bị giam hãm ngay trong tổ kén của chính mình vì quý vị được bảo vệ quá kỹ, đến nỗi quý vị muốn đi đâu một mình cũng không được”.

Mỗi khi tổng thống rời Nhà Trắng, ông thường di chuyển trên một chiếc limousine hoặc một chiếc SUV. Ông nói ông tiếc những ngày được tự mình ngồi sau tay lái: “Tôi thích lái xe nhưng bây giờ tôi không còn được tự lái nữa”.

Thực ra, cái mốc 100 ngày cũng không quan trọng và những thành công và thất bại trong giai đoạn đầu tiên này không có ảnh hưởng gì nhiều đến phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Thế nhưng, sở dĩ cái mốc này làm cho Donald Trump khó xử bởi vì chính ông đã cam kết với cử tri Mỹ - hồi tháng 10 năm ngoái, tại Gettysburg, Pennsylvania, ông đã đưa ra một “kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Trên phạm vi quốc gia, tỷ lệ được lòng dân của tân Tổng thống Mỹ vẫn dao động trong khoảng 36% và 44%, mức thấp “lịch sử” đối với một vị tổng thống trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên.

Ông Lee Edward, thuộc Trung tâm Tham vấn bảo thủ Heritage Foundation cho rằng, có hai Donald Trump: một người dễ bị kích động, loạn năng, khó hiểu qua các thông điệp trên mạng xã hội Twitter. Và một Donald Trump khác biết rõ việc mình làm... rất thông minh và cố tình làm cho mọi người hiểu sai, đánh giá thấp ông. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên