20.000 tỷ đồng và mạng sống của người bệnh!

Cập nhật: 27-12-2014 | 08:29:30

Từ ngày 1-1-2015, bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả 28 loại thuốc đặc trị mới điều trị các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư, từ mức 50 - 100% trước đây xuống còn từ 30 -50%. Đó là quy định mới vừa được Bộ Y tế ban hành. Quả thật đó có thể coi là thông tin “gây sốc” đối với người bệnh và thân nhân của họ. Bởi những loại thuốc đặc trị mới đều thuộc dạng đắt tiền, mỗi viên có giá hơn 1 triệu đồng, thậm chí có loại lên tới 4 triệu đồng/viên. Trong khi những người bệnh ung thư cần uống mỗi ngày một viên, lại phải điều trị dài ngày thì số tiền cùng chi trả là “khủng khiếp”, đặc biệt là bệnh nhân nghèo!

Có nhiều lý do mà Bộ Y tế đưa ra để lý giải cho việc bảo hiểm y tế giảm chi trả lần này. Trong đó lý do cơ bản nhất là sợ “vỡ” quỹ bảo hiểm nếu tiếp tục chi trả quá cao! Và rằng trong danh mục thuốc điều trị các loại bệnh hiểm nghèo cũng đã có tới 50 loại thuốc cũ. Những bệnh nhân nào không có điều kiện kinh phí có thể quay trở lại điều trị theo phác đồ cũ. Lại có một số ý kiến có phần “nhẫn tâm’ rằng, để điều trị cho một bệnh nhân ung thư bằng loại thuốc đắt tiền này thì cần tới 2.000 người đóng bảo hiểm y tế mới bù đắp đủ, trong khi sự sống của người bệnh cũng chẳng kéo dài được bao lâu!

Bộ Y tế cũng cho biết thêm, trước khi ban hành quy định mới về mức chi trả đã có một cuộc họp có đầy đủ các bộ, ngành, các trường đại học y dược, bệnh viện lớn, các chuyên gia đầu ngành… rồi mới đi đến thống nhất. Thống nhất cao đâu chưa thấy, nhưng qua thông tin từ báo chí cho biết, chỉ mỗi một lý do sợ “vỡ” quỹ bảo hiểm y tế thì đã thấy chưa thống nhất bao giờ. Bà Tống Thị Sông Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khi trả lời báo chí đã nói rằng, phía Bảo hiểm xã hội (cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế) sợ “vỡ” quỹ nên kiên quyết bảo vệ mức chi trả tối đa chỉ từ 30 - 50%. Trong khi đó đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại cho biết: “Quyết định, danh mục là do Bộ Y tế, đã quyết rồi thì không thể đổ lỗi cho cơ quan bảo hiểm”!

Hai cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề “đùn đẩy” nhau về trách nhiệm ra văn bản quy định danh mục thuốc và mức chi trả đã trả lời vậy và người bệnh cũng chỉ biết nghe vậy. Người bệnh cũng được biết thêm rằng, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn con số kết dư từ năm 2010 đến nay lên tới 20.000 tỷ đồng. Bởi vậy, việc cùng chi trả khi điều trị bệnh là cần thiết, nhưng cùng chi trả ở mức nào “nhân văn” nhất là điều thiết yếu mà họ rất cần. Nếu chi trả quá cao, chắc chắn thời gian sống của nhiều bệnh nhân sẽ bị “rút ngắn” bởi không còn khả năng đáp ứng!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên