27-7, nhớ ngày tri ân… !

Cập nhật: 27-07-2015 | 08:37:49

Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hội nghị công bố Ngày Thương binh toàn quốc đã được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm làm ngày thương binh toàn quốc, là dịp để đồng “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Từ năm 1955 đến nay, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Và cứ mỗi dịp 27-7, khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S thân yêu, người dân Việt Nam lại xúc động tưởng nhớ và thực hiện đợt cao điểm đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, liệt sĩ, người có công, những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc.

68 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ngoài dịp lễ tết, hàng năm vào dịp 27-7 các ban ngành, đoàn thể, địa phương lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh. Trong đó, Bình Dương là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt 100% các xã, phường, thị trấn được Bộ LĐ-TB&XH công nhận “Làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, người có công”. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.672 mẹ Việt Nam anh hùng (97 mẹ còn sống), 16.155 liệt sĩ, 3.613 thương binh các hạng, 658 bệnh binh, 4.656 người có công với cách mạng… Tri ân thế hệ đi trước, Bình Dương luôn coi việc quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng những việc làm thiết thực như tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hưởng chế độ chính sách, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người có công, gia đình chính sách. Tỉnh đã tổ chức tìm kiếm, quy tập 1.726 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; đồng thời lập 59 nhà bia tưởng niệm cấp xã và 15 tượng đài chiến thắng. Tỉnh đã đầu tư trên 158 tỷ đồng để nâng cấp và cải tạo các nghĩa trang liệt sĩ, đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng 35 nhà bia ghi tên và công trình tưởng niệm liệt sĩ… Tất những việc làm tri ân đó đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của chiến tranh.

Ai đó đã từng viết những câu thơ: Dù ai đi đông về tây/27-7 nhớ ngày thương binh/Dù ai lên thác xuống ghềnh/27-7 thương binh nhớ ngày. Vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu của mình. Chính vì thế, ngày 27-7 không chỉ là ngày để hướng đến tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, người có công mà còn là dịp để mọi người dân Việt Nam nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông, giáo dục truyền thống và tự nhắc nhở mình hãy sống cho xứng đáng với những người đã anh dũng hy sinh, không tiếc máu xương cho thái bình và sự phồn vinh của Tổ quốc hôm nay.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên