“5 không” chống dịch

Cập nhật: 06-03-2019 | 09:05:06

Dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp, tính đến thời điểm này dịch đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài heo. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng người dân, tránh tâm lý hoang mang, bảo vệ sản lượng heo sạch hiện có, ổn định thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế những thiệt hại do dịch tả heo châu Phi đối với người chăn nuôi.

Cùng với cả nước, Bình Dương đang thực hiện các giải pháp cấp bách để phòng chống dịch tả heo châu Phi. Đó là tăng cường lực lượng kiểm soát các tuyến giao thông từ các tỉnh vào; kiểm soát các cơ sở giết mổ, chế biến, chợ; kiểm soát nguồn heo vào để bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng; kiểm soát giết mổ trái phép… Cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có dấu hiệu của dịch. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt. Không thể chủ quan bởi dịch tả heo châu Phi hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, 100% đàn heo bị nhiễm virus sẽ chết. Vì vậy, giải pháp chính là kiểm soát nguồn heo và nếu phát hiện dấu hiệu của dịch, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ngay từ phạm vi nhỏ, không để lây lan ra diện rộng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thú y, có một điều phải khẳng định rằng, dù dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra trên lợn, bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh nhưng chỉ xuất hiện trên loài heo, không gây bệnh cho các loài động vật khác và đặc biệt là không lây sang người. Vì vậy, trong công tác phòng chống dịch, phải bảo đảm đề người dân không bị tâm lý hoang mang, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng “tẩy chay” thịt heo vì sợ ăn phải thịt nhiễm bệnh tả. Bên cạnh đó, cần xác định mục tiêu quan trọng nhất trong phòng chống dịch là bảo vệ đàn heo, vì nếu heo bị mắc dịch này sẽ chết hết do chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, dẫn tới không có thực phẩm để tiêu dùng; đồng thời tránh tâm lý bán “tống bán tháo” vừa có thể làm tác nhân cho dịch lây lan, vừa gây tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi. Bảo đảm rằng, người chăn nuôi khi có heo với dấu hiệu ốm phải báo cơ quan chức năng để khoanh vùng và tiêu hủy, tránh lây lan dịch bệnh…

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải “5 không” để chống dịch. Đó là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Do đó, cùng với các giải pháp cấp bách, việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt “5 không” sẽ góp phần bảo đảm cho công tác phòng chống dịch hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh này gây ra.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên