50 năm vang mãi bản hùng ca - Bài 17

Cập nhật: 01-02-2018 | 08:15:30

Bài 17: Lực lượng trong lòng địch

Công an nhân dân Việt Nam - cụm từ mỗi lần được đọc lên như một hào quang tỏa sáng đầy tự hào của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Công an nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công đi vào huyền thoại, làm nức lòng đồng bào cả nước, làm sục sôi bao trái tim tuổi trẻ xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi nói về vai trò của lực lượng an ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Đi trước về sau

Nhân vật mà chúng tôi kể trong bài viết này là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Hường (tức Hai Hường), nguyên chiến sĩ an ninh hoạt động trong lòng địch. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Hai Hường làm Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên, Trưởng Công an huyện Phú Giáo, chức vụ sau cùng trước lúc về hưu là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Sông Bé. Người phụ nữ này, sau giải phóng, trong đống hồ sơ của địch, công an ta tìm thấy hình ảnh của bà và bộ hồ sơ do địch xác lập với tiêu đề: “Tên nữ việt cộng cực kỳ nguy hiểm” …

Đại tá Hai Hường kể chuyện Mậu Thân 1968 với phóng viên Báo Bình Dương

Bà Hai Hường nay đã về hưu sống một cuộc đời giản dị bên con cháu tại phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Chúng tôi đến thăm bà Hai Hường trong những ngày cả nước đang kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Vẫn phong thái điềm đạm, đậm chất người lính an ninh, bà bắt đầu câu chuyện với chúng tôi với âm giọng nhỏ nhẹ và chậm rãi. Chúng tôi thoáng chút tò mò khi trong nhà của bà không thấy treo những huân huy chương và cả danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước phong tặng vào năm 2014. Bà không trả lời chúng tôi vì sao mà chỉ nở nụ cười rất thân thiện mời chúng tôi uống trà. Chúng tôi càng kính trọng người phụ nữ này, một chiến sĩ an ninh thời chiến đầy công tích nhưng rất bình dị và khiêm nhường.

Khi nói về sự ra đời và vai trò của lực lượng an ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, bà Hường khẳng định đây là một lực lượng cực kỳ quan trọng. Người xưa thường nói, “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù sừng sỏ, có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Vì vậy để đánh được địch thì ta phải biết rõ địch. Những nhiệm vụ thầm lặng nhưng hiểm nguy đó được giao cho lực lượng tình báo và an ninh tùy từng cấp độ khác nhau. Ở địa phương, công tác an ninh được giao nhiệm vụ tìm ra các tổ chức gián điệp cài cắm trong lực lượng của ta, tiêu diệt những kẻ đầu sỏ, ác ôn gây nợ máu với cách mạng.

Đầu những năm 60 khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, hà hơi tiếp sức cho ngụy quyền hung hăng, gom dân lập ấp, đàn áp nhân dân thì nhiệm vụ và vai trò của lực lượng an ninh càng trở nên quan trọng. Để xây dựng phong trào và giữ được phong trào, các chiến sĩ an ninh thường xuyên ra vào ấp chiến lược diệt ác phá kìm, nắm bắt địch tình, xây dựng cơ sở và vận động quần chúng ủng hộ cách mạng. Nhiệm vụ của người chiến sĩ an ninh vì thế rất nguy hiểm. Họ là những con người có lòng yêu nước nồng nàn, lập trường vững vàng, dũng cảm bất khuất, không ngại hy sinh gian khổ.

Bà kể, trước lúc chiến dịch Mậu Thân diễn ra, lúc đó bà là Trưởng ban An ninh Tân Uyên được giao nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch nắm các đối tượng tề xã, liên gia để có kế hoạch đối phó. Những kẻ bị bắt buộc cầm súng cho giặc thì an ninh đưa vào rừng giáo dục rồi cho về. Những kẻ ngoan cố quyết tâm chống phá cách mạng thì bị trừng trị nghiêm khắc. Khi chiến dịch Mậu Thân chuẩn bị diễn ra, lực lượng an ninh kịp thời nắm bắt sự bố phòng, quân số, mục tiêu của quân địch để thông tin, tham gia dẫn đường cho lực lượng quân ta nổi dậy tấn công. Bà Hường nói rằng, an ninh thời chiến là những người đi trước về sau giữa mưa bom bão đạn quân thù. Sau trận đánh, chiến sĩ an ninh còn phải nắm bắt kết quả của trận đánh và những nhận định từ phía quân địch.

Lớp bụi thời gian đã trải qua 50 năm, dù tuổi đã cao nhưng bà Hường vẫn còn nhớ rất rõ những ký ức về công tác an ninh trong thời đánh Mỹ và mùa xuân xuống đường 1968. Đó là những chiến công oanh liệt, sự thắng lợi có ý nghĩa to lớn của mùa xuân 1968 và những hy sinh mất mát cũng không nhỏ của lực lượng an ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương. Một mùa xuân thắng lợi, bi tráng mãi mãi không bao giờ quên.

An ninh Phân khu 5 bước vào giờ G

Ngày 25-10-1967, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 14 về Tổng khởi nghĩa. Ngày 15- 12-1967, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị về nhiệm vụ, phương hướng an ninh trong chiến dịch. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của lực lượng an ninh phục vụ quyết tâm của Đảng là: Hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang chính trị của quần chúng đẩy mạnh trừ gian diệt ác, đánh vào bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy tiến lên tiêu diệt các cơ quan đầu não, các tổ chức tình báo của Mỹ ngụy, các đảng phái phản động; đánh tan các cơ sở phản động của địch, góp phần xóa bỏ bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở giành chính quyền về tay nhân dân; tích cực nắm vững tình hình địch, chuẩn bị lực lượng chuyên môn để truy kích địch, bảo vệ chính quyền cách mạng sau này.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại chiến trường, giải thể các tỉnh miền Đông và Quân khu 4, thành lập 5 phân khu vành đai và 1 phân khu nội đô. Hai tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành hợp nhất thành Phân khu 5. Căn cứ Ban An ninh Phân khu 5 được chuyển về Long Nguyên về Chiến khu Đ. Phần lớn cán bộ lãnh đạo nghiệp vụ T1 được tăng cường về Phân khu 5 để tham gia chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Chí Thành (Ba Thành) Thường vụ Phân khu ủy làm Trưởng ban An ninh Phân khu 5. Đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Tám Tấn) phụ trách điệp báo của an ninh khu miền Đông được bổ sung về làm Phó ban An ninh phụ trách bảo vệ chính trị, điệp báo và trinh sát vũ trang. Đồng chí Nguyễn Văn Cống (Bảy Cống) nguyên Phó ban An ninh tỉnh được phân công làm Phó ban An ninh Phân khu 5 xuống phụ trách vùng Lái Thiêu. Sau này đồng chí đã anh dũng hy sinh khi chiến dịch mở màn.

Đêm 30-1-1968, quân và dân ta đồng loạt tấn công và nổi dậy trên khắp chiến trường. Tại TX.Thủ Dầu Một, lực lượng an ninh phối hợp với các lực lượng vũ trang chia thành nhiều mũi tấn công thành công binh, Tòa hành chính tỉnh chiếm giữ từ 1 giờ khuya đến 8 giờ sáng. Ở các trung tâm huyện lỵ Bến Cát, Tân Uyên, Lái Thiêu, Dĩ An, Phú Giáo - lực lượng an ninh bám sát địa bàn từng xã hướng dẫn quần chúng diệt ác phá kìm, phá tan nhiều ấp chiến lược bảo vệ trật tự an ninh vùng ta chiếm được. Đội an ninh vũ trang phối hợp bộ đội chủ lực tấn công một số đồn bót quanh khu vực thị trấn Tân Uyên, tấn công các vị trí địch ở Đồi Sim, dốc Bà Nghĩa… Ở Lái Thiêu lực lượng an ninh cùng lực lượng địa phương đồng loạt tấn công vào bộ máy kìm kẹp của địch từ An Thạnh đến Vĩnh Phú, tạo nên khí thế sôi nổi trên vùng giáp ranh Sài Gòn. (Còn tiếp)

Lực lượng công an nhân dân tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1945 với tên gọi là “Quốc gia tự vệ cuộc” đã tồn tại, vận động phát triển trong suốt quá trình chống Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ban đầu từ sự thành lập Ban địch tình tỉnh Thủ Dầu Một đến sự hình thành và phát triển Ban An ninh các tỉnh Bình Dương, Phước Thành, Phân khu 5, Thủ Dầu Một. Trải qua 30 năm đấu tranh, một chặng đường lịch sử đầy gian khổ hy sinh, lực lượng công an nhân dân tỉnh Bình Dương luôn phấn đấu hết sức mình góp phần làm nên chiến thắng Mậu Thân 1968, và giành lại độc lập tự do cho dân tộc và quê hương đất Thủ trong mùa xuân đại thắng năm 1975.

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên