50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 20

Cập nhật: 05-02-2018 | 08:12:59

Bài 20: Tiểu đoàn 3, nỗi khiếp sợ của Mỹ - ngụy

Bao nhiêu năm chiến tranh kéo dài gian khổ và ác liệt, nhưng với tinh thần kiên trì, bền bỉ đấu tranh, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Dĩ An cùng với miền Đông Nam bộ đã góp phần làm nên những chiến tích oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những chiến công oanh liệt đó, phải kể đến một đơn vị bộ binh đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên trang sử vẻ vang cho quê hương Dĩ An, đó là Tiểu đoàn 3 anh hùng. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, đảm nhận vai trò “mũi nhọn” trong hai đợt tấn công vào nội thành, Tiểu đoàn 3 phải 3 lần bổ sung quân số và trang bị. Tiểu đoàn đã diệt và làm bị thương nhiều sinh lực địch tại sào huyệt của Mỹ - ngụy. Đòn Mậu Thân 1968 đã kết thúc số phận của cái gọi là chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

 

Thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thanh Liêm (giữa), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 3, cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức. Ảnh: P.V

Cuối năm 1964, thực hiện kế hoạch “X” của Trung ương Cục miền Nam - Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có kế hoạch xây dựng 3 thứ quân và tổ chức thành 5 cánh trên 5 hướng ven đô Sài Gòn. Trong đó, cánh 5 gồm: Dĩ An, Bắc Thủ Đức, Bà Chiểu. Đến ngày 25-10-1967, do yêu cầu phát triển lực lượng, Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thành lập phân khu 5 bao gồm các địa bàn: Dĩ An, Bắc Thủ Đức, Bình Hòa, Lái Thiêu, Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương). Đồng thời, với việc thành lập Phân khu 5, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn 165A, thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và điều động Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 165 bổ sung cho chiến trường Dĩ An - Thủ Đức. Tại Tiểu đoàn 3 lúc bấy giờ còn thành lập Ban vận động tân binh do ông Nguyễn Văn Bảo (nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An) làm Trưởng ban và ông Nguyễn Văn Mạnh (nguyên Bí thư Huyện ủy Thủ Đức) làm Phó ban nhằm bổ sung lực lượng cho tiểu đoàn. Tiểu đoàn 3 cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức” trở thành nỗi khiếp sợ của quân đội Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam suốt trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trên hướng Đông Bắc tiến công vào Sài Gòn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An thọc sâu đánh chiếm được các chi khu cảnh sát. Địch điều Tiểu đoàn 30 biệt động từ Thủ Đức đến ứng cứu. Đến sáng 1-2, một bộ phận phát triển về khu vực Cầu Sơn. Địch mở liên tiếp nhiều cuộc phản kích giải tỏa có trực thăng vũ trang và chiến xa yểm trợ. Tiểu đoàn 3 kiên cường chiến đấu, đến tối thì rút khỏi khu vực này. Một bộ phận về bám trụ tại xóm Đáy xã Bình Quới Tây, ngày 7-2 đã anh dũng chống càn 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, diệt 1 trung đội. Vào đợt 2 của cuộc tổng tiến công, Trung đội 2, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 3 cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức đã được phân công nhiệm vụ, tổ chức đánh chặn địch ở đầu cầu Thị Nghè, các chiến sĩ của ta đã bắn cháy 4 xe tăng, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch tại sào huyệt của Mỹ - ngụy.

 

Đại tá Trần Ngọc Khưu, nguyên Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 3 cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức cho biết: “Dĩ An vốn là địa bàn giáp ranh tại phía Bắc Thủ Đức. Đây là một trong những vùng ven của Sài Gòn - Gia Định và là một trong những cửa ngõ trọng yếu của Chiến khu Đ và Chiến khu Thuận An Hòa oai hùng trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, ngay sau ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ “Tiểu đoàn 3 - cánh Dĩ An” đã được cán bộ, nhân dân trong vùng chở che, nuôi dưỡng, đùm bọc và đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Tính đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy cơ bản đã hoàn tất. Tài lực, vật lực và lực lượng ba thứ quân của thành phố cùng với lực lượng nổi dậy đều ở tư thế sẵn sàng nhập cuộc. Cuối tháng 1-1968, đồng chí Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền đã xuống Chiến khu Đ để trực tiếp chỉ đạo và thông qua kế hoạch tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Đông.

Đại tá Trần Ngọc Khưu nhớ lại: Từ bàn đạp Chiến khu Đ, các lực lượng vũ trang của Miền và Phân khu 5 gồm Trung đoàn Đồng Nai và 5 tiểu đoàn hành quân tiến công các mục tiêu. Ðêm 30 rạng ngày 31-1-1968, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh đã đồng loạt tiến công các mục tiêu quan trọng của chiến trường trọng điểm; đặc biệt các cụm biệt động đã đánh vào các mục tiêu đầu não của bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy tại sào huyệt của chúng. Các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu, dù phải vượt qua hệ thống đồn, bốt dày đặc của địch nhưng họ đã kịp vào thành phố phối hợp với lực lượng biệt động tiến công địch, điển hình như: Bộ Tổng tham mưu ngụy (Tiểu đoàn 2 Gò Môn); căn cứ Cổ Loa, Phù Ðổng (Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng) doanh trại của địch ở quận 5, quận 10, quận 11, Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài, cư xá Hỏa Xa (Tiểu đoàn 6 Bình Tân); ngã tư Hàng Xanh - cầu Rạch Sơn (Tiểu đoàn 3 Dĩ An); Cù lao Bình Quới Tây (Tiểu đoàn 4 Thủ Ðức); đồn Phú Hữu, Lý Nhơn (Ðoàn 10 Ðặc công Rừng Sác)... Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực, dân quân du kích địa phương với quy mô cấp tiểu đội, trung đội, đại đội đã kết hợp với bộ đội các phân khu tiến công vào hệ thống đồn, bốt của địch. Chỉ với súng trường, lựu đạn và mìn trái nhưng lực lượng dân quân, du kích địa phương đã tiêu diệt được một phần năm tổng số địch bị diệt của cả lực lượng ba thứ quân.

Trên hướng Đông Bắc tiến công vào Sài Gòn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An thọc sâu đánh chiếm được các chi khu cảnh sát. Địch điều Tiểu đoàn 30 biệt động từ Thủ Đức đến ứng cứu. Đến sáng 1-2, một bộ phận phát triển về khu vực Cầu Sơn. Địch mở liên tiếp nhiều cuộc phản kích giải tỏa có trực thăng vũ trang và chiến xa yểm trợ. Tiểu đoàn 3 kiên cường chiến đấu, đến tối thì rút khỏi khu vực này. Một bộ phận về bám trụ tại xóm Đáy xã Bình Quới Tây, ngày 7-2 đã anh dũng chống càn 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, diệt 1 trung đội. Vào đợt 2 của cuộc tổng tiến công, Trung đội 2, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 3 cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức đã được phân công nhiệm vụ, tổ chức đánh chặn địch ở đầu cầu Thị Nghè, các chiến sĩ của ta đã bắn cháy 4 xe tăng, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch tại sào huyệt của Mỹ - ngụy.

Nhắc tới những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 3, ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3 được nhân dân chở che, nuôi dưỡng, đùm bọc, nội bộ đoàn kết, thống nhất tạo thành sức mạnh vượt qua mọi gian khổ khó khăn và ác liệt, anh dũng chiến đấu, đọ sức với quân Mỹ, ngụy và bọn chư hầu, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, tiểu đoàn đảm nhận vai trò “mũi nhọn” trong hai đợt tấn công vào nội thành. Tiểu đoàn 3 phải 3 lần bổ sung quân số và trang bị, đã diệt và làm bị thương nhiều sinh lực địch tại sào huyệt của Mỹ -ngụy. Đòn Mậu Thân 1968, đã kết thúc số phận của cái gọi là chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975”.

Từ sau năm 1975 đến nay, Tiểu đoàn 3 tiếp tục cùng với lực lượng công an và các ban ngành, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 luôn gương mẫu thực hiện mọi chủ chương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh kỷ luật của quân đội. Với những chiến công xuất sắc trong chiến tranh, cùng những cống hiến to lớn trong hòa bình, Tiểu đoàn 3 - Cánh Dĩ An đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2015. Đây không chỉ là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - cánh Dĩ An mà còn là niềm tự hào chung của Đảng bộ và nhân dân TX.Dĩ An hôm nay. (còn tiếp)

Tổng kết trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 3 cánh Dĩ An - Bắc Thủ Đức đã lập nhiều chiến công hiển hách, với hơn 100 trận đánh lớn, nhỏ tiêu diệt và làm bị thương trên 4.000 tên địch, bắn cháy hơn 800 xe quân sự các loại, bắn rơi 15 máy bay và 22 đầu máy xe lửa… Từ 1964-1968, Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Miền khen thưởng cho tập thể và cá nhân nhiều huân, huy chương, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Trong đó có 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên