50 năm vang mãi bản hùng ca – Bài 7

Cập nhật: 20-01-2018 | 10:04:21

Bài 7: Đêm giao thừa năm ấy…

Khi quân và dân ta trên chiến trường đã sẵn sàng thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong mùa xuân 1968, Mỹ vẫn cho rằng “Việt cộng” chưa thể gượng dậy sau cuộc phản công mùa khô lần thứ hai của chúng. Mỹ đã vạch ra kế hoạch phản công chiến lược lần thứ ba nhằm giáng đòn quyết định vào lực lượng vũ trang của ta, với hướng chính là chiến trường Đông Nam bộ. Nhưng do ta giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường, nhất là mặt trận Đường 9 - Khe Sanh - Quảng Trị, buộc địch phải bỏ kế hoạch phản công mùa khô lần thứ ba, quay về đối phó với các cuộc tiến công của ta trên hướng Sài Gòn và Khe Sanh.


Nữ du kích tải đạn từ chiến khu ra chiến trường phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Do tính chất đặc biệt quan trọng của chiến dịch, để giữ được yếu tố bất ngờ trước giờ nổ súng tiến công vào các mục tiêu, nhất là những mục tiêu trọng yếu của địch trong nội ô Sài Gòn, chỉ huy các phân khu chỉ được biết nhiệm vụ cụ thể trước 48 giờ. Nhiệm vụ tổng quát và sử dụng các lực lượng của Phân khu 5 trong đợt I của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sử dụng một phần lực lượng của phân khu thọc sâu vào nội thành tiếp sức cho đặc công và biệt động trong nội thành đánh chiếm và giữ Đài Phát thanh Sài Gòn, Sứ quán Mỹ; sử dụng K2, K4 cùng đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một, đặc công của phân khu đánh chiếm Thành Công binh, Tòa Hành chính ở Phú Cường, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thị xã Thủ Dầu Một thiết lập chính quyền cách mạng; các huyện còn lại sử dụng lực lượng hiện có, đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm trên địa bàn của huyện, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ.

Các lực lượng bộ đội chủ lực Miền phối hợp với Phân khu 5 gồm có: Sư đoàn 7 có nhiệm vụ đánh diệt một bộ phận lực lượng Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ và Sư đoàn 5 ngụy đóng ở Bến Cát, Phú Giáo không cho chúng chi viện khi ta tiến công các mục tiêu trong Sài Gòn; đồng thời sử dụng Trung đoàn 1 của Sư 7 thọc sâu xuống Lái Thiêu, sẵn sàng cơ động vào nội đô hỗ trợ cho lực lượng bên trong chiếm giữ Đài Phát thanh Sài Gòn và Sứ quán Mỹ; Trung đoàn 96 có nhiệm vụ pháo kích các căn cứ địch ở Lai Khê và Phú Lợi nhằm kìm giữ lực lượng không cho chúng nống ra chi viện, sau đó phát triển xuống Lái Thiêu, bố trí trận địa ven sông Sài Gòn tập kích vào Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy thống nhất các lực lượng trên địa bàn Phân khu 5, ta đã thành lập Ban chỉ huy thống nhất do đồng chí Hoàng Cầm, đại diện Bộ chỉ huy Miền làm chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Minh Đạo, Bí thư Phân khu ủy làm chính ủy; đồng chí Bảy Môn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, chỉ huy phó; đồng chí Nguyễn Văn Trung, Phó Bí thư Phân khu ủy làm Phó Chính ủy… Trên hai hướng chính của Phân khu 5 là nội đô và thị xã Thủ Dầu Một, Bộ chỉ huy Phân khu tổ chức hai sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp các lực lượng trên từng hướng.


Quân giải phóng miền Đông Nam bộ hành quân ra chiến dịch

Đúng 0 giờ ngày 31-1-1968, tức đêm mùng hai Tết Mậu Thân, cùng với toàn miền Nam, quân dân Sông Bé và Phân khu 5 đồng loạt nổ súng tấn công và nổi dậy khắp trong địa bàn phân khu. Trên hướng đánh vào nội đô của Phân khu 5, theo kế hoạch đêm 31 rạng ngày 1-2-1968, Tiểu đoàn 3 của Dĩ An thuộc Trung đoàn Đồng Nai được tăng cường đại đội công binh của Phân khu do đồng chí Ba Hồng, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy bí mật vượt sông Sài Gòn bất ngờ tiến công đánh chiếm bót cảnh sát Hàng Xanh, mở đường tiến vào mục tiêu trong nội ô Sài Gòn. Ta làm chủ khu vực đến 2 giờ sáng. Địch điều Tiểu đoàn 30 Biệt động quân từ Thủ Đức về ứng cứu. Bộ đội ta bắn cháy một số xe và xung phong đánh giáp lá cà với địch, gây thiệt hại nặng Tiểu đoàn 30 Biệt động quân. Nhưng ta thương vong nhiều, trong đó có đồng chí Ba Hồng, Tiểu đoàn trưởng đã anh dũng hy sinh.

Tại thị xã Thủ Dầu Một, 3 giờ sáng ngày 1-2-1968, các lực lượng của ta nổ súng đánh chiếm thành công binh. Tiểu đoàn 2 có sự phối hợp của Đại đội 12,7 phân khu tấn công Ty Cảnh sát, vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1 thuộc Chiến đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh ngụy. Các mũi tấn công của các đơn vị đánh vào Thành Công binh, Ty Cảnh sát, phát triển không thuận lợi. Địch cho máy bay bắn phá dữ dội vào đội hình tiến công của ta và sử dụng một bộ phận thiết giáp ngụy đóng ở Gò Đậu lên ứng cứu cho Thành Công binh. Đến 15 giờ ta và địch nổ súng đánh giáp lá cà ác liệt kéo dài suốt gần hai giờ đồng hồ buộc địch phải rút lui.

Cũng trong đêm 31-1-1968, lực lượng vũ trang của thị xã Thủ Dầu Một, huyện Châu Thành tiến công tiêu diệt bức rút nhiều đồn bót địch như bót Nhà Hơi, tua chùa Úp Nồi, bót Bà Lụa, đồn Bến Thế, Bưng Cầu, tua ngã tư Sở Sao, kêu gọi binh lính bỏ súng về với nhân dân. Ta làm chủ tình hình ấp Chánh Trong, Lò Chén, ấp Chánh Ngoài và ở ngoại vi thị xã. Tại Tân Uyên, đầu năm 1968, địch tăng cường càn quét sâu vào căn cứ của ta nhằm ngăn chặn lực lượng vũ trang ta tấn công trong dịp tết. Thực hiện mệnh lệnh của Ban chỉ huy phân khu, đêm 31-1-1968 lực lượng vũ trang của huyện do đồng chí Huỳnh Tư, Huyện đội trưởng và đồng chí Tư Sơn, Chính trị viên chỉ huy đã tấn công các vị trí địch ở Đồi Sim, dốc Bà Nghĩa, pháo kích trụ sở ngụy quyền trong thị trấn gây cho địch nhiều thiệt hại. Được lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân xã Thái Hòa, Thạnh Phước, Bạch Đằng… nổi dậy diệt ác ôn, phá rã, phá banh nhiều ấp chiến lược. Tại Dĩ An, lực lượng vũ trang huyện cùng du kích xã Bình An, An Bình tấn công chi khu quân sự Dĩ An gây cho địch một số tổn thất. Du kích các xã Tân Hiệp, Tân Đông Hiệp kết hợp vận động quần chúng nổi dậy, bức rút đồn bót địch. Tại Lái Thiêu, lực lượng vũ trang, chính trị của huyện tập trung tấn công hai trọng điểm là thị trấn Lái Thiêu và khu phố Búng. Trong ngày đầu tiến công lực lượng ta làm chủ hoàn toàn đoạn đường 13 từ Bình Nhâm đến An Thạnh. Tại khu vực Suối Đờn xã Bình Nhâm, lực lượng của huyện chặn đánh một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 ngụy từ Lái Thiêu lên càn quét. Bộ đội, du kích lấy Suối Đờn lập tuyến chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ sáng đến chiều, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn địch. Hòa chung trong tiếng súng vang rền của quân dân Thủ Dầu Một, tại địa bàn Bến Cát, Dầu Tiếng thuộc Phân khu 1 cũng đồng loạt tấn công vào các căn cứ của địch, gây sự bất ngờ và hoang mang cho địch.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong đợt 1 Tết Mậu Thân 1968 diễn ra trên địa bàn Phân khu 5 trong điều kiện địch có ưu thế hơn hẳn ta về quân số, hỏa lực, không quân, pháo binh… Trong khi các đơn vị chủ lực của phân khu cũng như lực lượng các huyện thị, quân số, trang bị chưa đầy đủ, hạn chế về trình độ chỉ huy hiệp đồng, nhất là chưa quen tác chiến trong thành phố với chiến dịch quy mô lớn. Nhưng các lực lượng vũ trang phân khu, lực lượng vũ trang các huyện thị Sông Bé - Bình Dương chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, ác liệt, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đánh thiệt hại nhiều sinh lực địch. Tuy chưa thực hiện được những mục tiêu chủ yếu đề ra trong đợt 1, nhưng lực lượng vũ trang phân khu đã chiến đấu tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 5 đại đội, loại khỏi vòng chiến đấu 75 sĩ quan ngụy, diệt và bứt rút một số đồn bót. Nhiều nơi đã kết hợp tốt mũi đấu tranh chính trị và binh vận, vận động được một số binh lính đào rã ngũ. Góp công cùng chiến trường toàn miền gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận mở cuộc đàm phán 4 bên với ta tại Paris. (Còn tiếp)

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên