Lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Bình Dương:

70 năm những chặng đường phát triển

Cập nhật: 25-01-2018 | 09:06:58

Mừng xuân mới Mậu Tuất 2018, cán bộ chiến sĩ (CBCS) thuộc lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật (HC-KT) Công an Bình Dương cũng bước vào năm mới với tâm thế hân hoan và niềm vui nhân lên gấp bội. Trong mỗi thành tích đạt được của từng CBCS thuộc đơn vị còn có thêm ý nghĩa đặc biệt nhân sự kiện 70 năm Ngày truyền thống HC-KT Công an nhân dân (25.1.1948 - 25.1.2018)...


Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng 3 cho Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Bình Dương

Trưởng thành trong gian khó

Ra đời từ những ngày đầu của cách mạng, tuy từng thời kỳ có hệ thống tổ chức và tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ xuyên suốt của lực lượng HC-KT là bảo đảm các nhu cầu vật chất thiết yếu, kỹ thuật, khí tài... cho công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, trước yêu cầu nhiêm vụ đặt ra cho công tác CA trong tình hình mới, tại hội nghị CA toàn quốc lần thứ II, họp từ 25 đến 29-1-1948 diễn ra ở tỉnh Tuyên Quang, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng HC-KT được Đảng ủy CA Trung ương, lãnh đạo Bộ CA xác định nội dung rất cơ bản làm cơ sở cho sự phát triển của lực lượng từ đó đến nay. Với sự kiện này và để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp xứng đáng của lực lượng HC-KT CA cả nước, ngày 19-7-2012, Bộ trưởng Bộ CA đã ký quyết định lấy ngày 25-1 hàng năm là Ngày truyền thống lực lượng HC-KT CAND.

Là một bộ phận của lực lượng CA tỉnh Bình Dương và của lực lượng HC-KT CAND cả nước, trải qua các thời kỳ cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, CBCS làm công tác HC-KT CA Bình Dương đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích chiến công, góp phần quan trọng trong đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc; bảo đảm trật tự trị an, giữ gìn bình yên cuộc sống, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, công tác HC-KT lúc này thực hiện với phương châm làm tốt công tác hậu cần tại chỗ, vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất. Bằng tinh thần tự lực tự cường, lực lượng CA tỉnh (bấy giờ được gọi là Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Thủ Dầu Một, thành lập 26-8-1945) được sự giúp đỡ của nhân dân đã phải phấn đấu tự túc về lương thực, vũ khí, phương tiện chiến đấu để trừ gian diệt ác. Bộ phận văn phòng kiêm luôn nhiệm vụ quản trị, tiền thân của công tác hậu cần ngày nay. Là thời kỳ vô cùng khó khăn, công tác hậu cần chủ yếu vận động nhân dân đóng góp lương thực để nuôi quân. Các loại vũ khí còn thô sơ và chủ yếu là chiến lợi phẩm thu từ địch qua các trận chống càn, đánh phá đồn giặc. Năm 1947, Ty CA Thủ Dầu Một đã có xưởng để sản xuất và sửa chữa vũ khí trang bị cho anh em và hỗ trợ lực lượng quân sự...

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của lực lượng CAND nói chung và lực lượng hậu cần CA nói riêng ngày càng nặng nề và khó khăn hơn.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, từ cuối năm 1960 tổ chức lực lượng An ninh toàn miền Nam trong đó có CA tỉnh Bình Dương được thành lập và nhanh chóng được kiện toàn, có hệ thống từ Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, huyện. Trong tổ chức của Ban An ninh các cấp không có bộ phận hậu cần mà thành lập bộ phận sản xuất.

Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, nhưng CBCS toàn lực lượng đều phải quán triệt sâu sắc quan điểm cần kiệm, tự lực, tự cường, tham gia lao động sản xuất, tạo nguồn, tìm nguồn, khai thác tiềm lực hậu cần tại chỗ. Công tác hậu cần tập trung vào các nguồn được xác định chính bao gồm: Tổ chức thu mua, tự sản xuất, vận động nhân dân đóng góp và nguồn thu được của địch. Ban An ninh phân khu V và tỉnh tiếp tục củng cố phát triển bộ phận sửa chữa, sản xuất vũ khí để chiến đấu. Dưới mưa bom, bão đạn, thiếu trước hụt sau, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm, không ngại hy sinh gian khổ, lực lượng An ninh Bình Dương đã cùng với các lực lượng vũ trang chống trả quyết liệt nhiều trận càn quét của giặc vào vùng căn cứ, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của tỉnh, tổ chức diệt ác, phá kìm, đột nhập ấp chiến lược để vận động, xây dựng cơ sở, từng bước đưa lực lượng cách mạng tiếp cận mục tiêu cuối cùng - Thủ phủ ngụy quyền Sài gòn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 bằng Chiến dịch Hồ Minh lịch sử, kết thúc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà.

Trong từng thành tích, chiến công của toàn lực lượng CA, CBCS làm công tác hậu cần rất tự hào đã đóng góp sức mình trong bảo đảm cơ sở vật chất thiết yếu, khí tài, chăm sóc thương bệnh binh...; có đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương tích khi đối diện với kẻ thù.

Từng bước lớn mạnh

Từ sau ngày đất nước thống nhất, cùng với các lực lượng khác, Phòng Hậu cần CA tỉnh chính thức được thành lập. Cấp huyện có cán bộ làm công tác này được bố trí ở đội tham mưu tổng hợp. Với số lượng biên chế khiêm tốn, cơ sở vật chất gần như không có gì nhưng Phòng Hậu cần đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc CA tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, bảo đảm cơ sở vật chất theo cơ chế bao cấp để củng cố, phát triển lực lượng, giữ vững tình hình an ninh trật tự trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà vừa thoát khỏi chiến tranh.

Bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh Bình Dương đến nay, trước yêu cầu đặt ra cho công tác CA phải đổi mới toàn diện để đáp ứng tình hình phát triển năng động về kinh tế - xã hội của địa phương, cơ cấu tổ chức của phòng hậu cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Từ tổ chức Đảng là chi bộ cơ sở đã phát triển thành Đảng bộ cơ sở, đơn vị được tổ chức thành 8 đội, ban với quân số tăng nhiều so với trước.

Chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và chủ trương của ngành về đổi mới công tác CA, cấp ủy, lãnh đạo CBCS Phòng HC-KT CA tỉnh luôn đổi mới nhận thức từ tư duy phục vụ thụ động sang hậu cần chủ động gắn công tác hậu cần với chiến đấu, với các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CA. Đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn ngân sách do Nhà nước cấp, tích cực khai thác nguồn hỗ trợ của địa phương; phát huy vai trò hậu cần tại chỗ, chủ động giải quyết hậu cần từ cơ sở.

Tính đến nay, với công tác xây dựng cơ bản, nhiều đơn vị đã được sửa chữa nâng cấp trụ sở hoặc xây dựng trụ sở làm việc mới khang trang, đáp ứng yêu cầu công tác. Nhiều công trình có ý nghĩa đặc biệt như mô hình Nhà sàn Bác Hồ, Nhà truyền thống, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại căn cứ Ban An ninh tỉnh trong kháng chiến, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, hồ bơi, sân tennis, nhiều công trình văn hóa thể thao khác... được xây dựng để phục vụ công tác bảo tàng, giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức cách mạng, nghiệp vụ và rèn luyện thể lực cho CBCS. Hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ được quy hoạch nâng cấp từng bước hoàn thiện theo yêu cầu công tác tư pháp và thi hành án hình sự...

Công tác bảo đảm phương tiện vật chất cho các lực lượng chiến đấu cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nguồn kinh phí bộ cấp hàng năm và kinh phí địa phương hỗ trợ, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc CA tỉnh mua sắm, đầu tư trang bị các loại vật tư, vũ khí, phương tiện nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho các đơn vị chiến đấu nhất là những đơn vị nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, các đơn vị phục vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng.

Để bảo vệ sức khỏe cho CBCS, bảo đảm quân số khỏe phục vụ công tác chiến đấu, công tác y tế trong thời gian qua được tập trung cải tiến toàn diện. Ngoài việc trang bị phương tiện, máy móc hiện đại để chẩn đoán, tầm soát bệnh, đội ngũ cán bộ y tế trong đơn vị đã được đào tạo, đảm đương tốt công tác khám chữa bệnh và công tác phòng dịch trong toàn lực lượng.

Thời gian qua, tuy nhiệm vụ đặt ra cho công tác HC-KT CA tỉnh rất nhiều việc phải đảm đương với yêu cầu chất lượng cao, có khi rất đột xuất nhưng với tinh thần phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí cao, tập thể cấp ủy, lãnh đạo, CBCS Phòng HC-KT CA tỉnh qua các thời kỳ đã đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh trên cả ba mặt: Tư tưởng, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ. Đơn vị luôn triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào, cuộc vận động của Đảng và của ngành về công tác xây dựng lực lượng CAND.

Nhiều năm liền, Phòng HC-KT CA tỉnh là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của toàn lực lượng CA tỉnh. Những thành tích đặc biệt tiêu biểu đó là: Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ năm 2016, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập thể và cá nhân được Bộ CA, UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc CA tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác HC-KT...

 

VÕ MINH CHÂU (Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật CA tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên