9-11: Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Cập nhật: 09-11-2013 | 00:00:00

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và thể hiện rõ ở Luật PBGDPL; trong đó quy định lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

- Bà có thể giới thiệu đôi nét về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật?

- Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Thượng tôn pháp luật thể hiện trước hết ở tinh thần thượng tôn Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Các quy định pháp luật phải được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới, Ngày Pháp luật được xem là một trong những ngày lễ trang trọng, thiêng liêng của quốc gia. Và Ngày Pháp luật không chỉ dừng lại ở sự tôn vinh, mà quan trọng hơn là ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền; hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực cộng hưởng tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, qua đó góp phần nâng cao văn hóa pháp lý, dân trí pháp luật.

Bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp (bên phải) trả lời phỏng vấn

- Nhìn lại hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, bà có nhận xét như thế nào?

- Trong thời gian qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã và đang có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan, ban ngành và UBND các cấp đều có nhiều cố gắng trong việc tổ chức triển khai PBGDPL với nhiều hình thức và biện pháp hiệu quả, từng bước nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Làm tốt công tác PBGDPL đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội; đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh …

- Theo bà, trong hoạt động PBGDPL hiện nay, ở Bình Dương còn những mặt nào cần được khắc phục?

- Hoạt động PBGDPL ở địa bàn tỉnh vẫn còn những mặt tồn tại và hạn chế nhất định, như: một số cơ quan, tổ chức và địa phương ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như trách nhiệm tham gia công tác PBGDPL; vì vậy chưa đầu tư đúng mức về nhân lực và kinh phí. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL đạt chất lượng và hiệu quả chưa đồng đều, hình thức tuyên truyền còn khô cứng, chưa thu hút. Người dân chưa nhận thấy rõ hiểu biết pháp luật là nhằm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân nên chưa chủ động, tự giác tìm hiểu pháp luật. Về phía cơ quan Nhà nước tiếp tục nâng cao trách nhiệm tham gia hiệu quả hơn về công tác PBGDPL. Về phía người dân cũng cần hình thành nếp tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình và người thân.

Góp phần khắc phục nhược điểm này, hiện nay đã có Luật PBGDPL được ban hành và toàn xã hội cùng chung tay vào công tác PBGDPL, khi Hiến pháp và pháp luật được tôn vinh thì chắc chắn trong ý thức của mỗi người sẽ ngày càng thượng tôn pháp luật; đặc biệt sẽ nhìn nhận rằng: pháp luật không phải là điều gì áp đặt, gò bó mà là sự tự nguyện, tự giác, thể hiện rõ trong ý thức, nếp nghĩ, việc làm cụ thể của mỗi người dân, của từng cán bộ, viên chức ở mọi lúc và mọi nơi. Khi đó, việc “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ luôn được tuân thủ nghiêm túc.

- Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật và lần đầu tiên được long trọng công bố trên toàn quốc; riêng Bình Dương đã có những chuẩn bị gì để triển khai hoạt động cho ngày này?

- Năm nay là năm đầu tiên nước ta tổ chức Ngày Pháp luật trên phạm vi cả nước; riêng tại Bình Dương thì Ngày Pháp luật đã được triển khai đồng bộ và sâu rộng ở các địa phương. Các hoạt động này đều đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: báo, đài, đài truyền thanh các huyện, thị, thành phố và hệ thống loa truyền thanh ở từng xã, phường, thị trấn; công tác tuyên truyền cổ động trực quan, băng rôn, khẩu hiệu, pano… đã được thực hiện trên các đường phố; tổ chức triển lãm, tọa đàm… lồng ghép, trợ giúp pháp lý lưu động và các văn phòng luật sư đều nhận tư vấn pháp luật miễn phí. Các hoạt động này đã diễn ra trong suốt tuần lễ cao điểm, từ ngày 4 đến ngày 10-11. Và trong ngày 9-11, UBND tỉnh tổ chức mít-tinh, diễu hành. Thông qua các hoạt động này sẽ giúp người dân hiểu rõ thêm ý nghĩa của Ngày Pháp luật VN cũng như vai trò của pháp luật trong đời sống.

Với chủ đề thiết thực “ Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tôi hy vọng rằng không chỉ có Ngày Pháp luật 9-11, tuần lễ cao điểm tuyên truyền pháp luật, mà ngày nào trong năm cũng là Ngày Pháp luật, để giúp mọi người tăng thêm hiểu biết về pháp luật có liên quan đến cuộc sống của mình. Tinh thần Ngày Pháp luật chắc chắn sẽ dần lan tỏa, thấm sâu trong mỗi cá nhân, để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, để mỗi người chúng ta đều hiểu biết pháp luật, từ đó tuân thủ quy định “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Dương: Mong mọi người đều “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có gần 100 luật sư, hoạt động thường xuyên tại 29 tổ chức hành nghề luật sư và được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cung cấp dịch vụ pháp lý khác, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân… thì có thể nói rằng, đội ngũ luật sư đã góp phần rất lớn vào công cuộc PBGDPL đến người dân, giúp cho mọi người, mọi nhà ứng xử với nhau theo đúng quy định pháp luật. Và khi giữa họ xảy ra tranh chấp với nhau, các luật sư cũng tích cực giúp đỡ họ giải quyết các tra¬nh chấp, mâu thuẫn đúng theo quy định của pháp luật góp phần hình thành thói quen thượng tôn pháp luật, làm cho pháp luật được thực thi và hiển hiện trong tất cả các hoạt động thường ngày của người dân.

Chúng ta, ai cũng biết pháp luật là những xử sự bắt buộc phải tuân thủ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu không hiểu biết pháp luật thì chúng ta sẽ ứng xử không đúng quy định của pháp luật; mang lại hậu quả là sẽ gây hại cho người khác, gây hại cho chính mình. Để khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL cho mọi người dân; cần đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho hoạt động tuyên truyền pháp luật. Mặt khác, cần chú trọng nhiều hơn đến phương pháp tuyên truyền, làm sao cho người dân tự thân họ ham thích tìm hiểu pháp luật và hiểu được rằng: tuân thủ pháp luật là bảo vệ lợi ích của chính họ, tránh gây thiệt hại cho người khác. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, chúng ta cần có biện pháp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân; bởi lẽ, nhận thức pháp luật và tuân thủ pháp luật luôn đi đôi với nhau. Nếu hiểu biết pháp luật nhưng không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; thậm chí là lách luật thì hậu quả còn tệ hơn cả người “không biết luật mà vô tình vi phạm”. Do đó, chúng ta cần cố gắng đi sâu tìm hiểu các quy định của pháp luật với mong muốn mọi người đều “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

 

XUÂN LẠC – THỦY TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên