Ấm áp tính nhân văn trong “Quay đầu là bờ”

Cập nhật: 11-08-2017 | 12:06:15

“Tệ nạn ma túy là hiểm họa của xã hội. Nó gây tác hại đến sức khỏe, làm suy thoái nòi giống và nhân phẩm con người. Nó phá hoại hạnh phúc của gia đình…”. Đó là những lời cảnh báo mà tiểu phẩm “Quay đầu là bờ” của tác giả, đạo diễn Trung Hậu gửi đến khán giả Bình Dương trong các chuyến lưu diễn văn nghệ tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các trường THPT trong tỉnh.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Quay đầu là bờ” Ảnh: M.HIẾU

Mới nghe qua thì những lời cảnh báo trong tiểu phẩm “Quay đầu là bờ” không mấy xa lạ với chúng ta. Bởi ai cũng dễ dàng đọc và thuộc lòng trên những tấm băng rôn, áp phích được đặt trên các tuyến đường ở Bình Dương. Nhưng thực sự chúng vẫn rất cần thiết đối với các bạn trẻ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hiện nay khi người viết có dịp hòa mình vào những dòng cảm xúc của các nhân vật trong tiểu phẩm.

Tiểu phẩm mở đầu bằng những lời tâm sự tự đáy lòng của những con người đã sa ngã đi vào cái chết trắng. “Cuộc đời tôi đã trở nên tăm tối từ khi tôi sử dụng cái chết trắng ấy. Cái chết trắng ấy đã bào mòn thân thể tôi cũng như tình cảm gia đình tôi. Giờ đây tôi đã mất tất cả. Tôi ân hận thì cũng đã quá muộn…”. Những tâm sự ấy như những minh chứng chỉ rõ những tác hại cũng như những hệ lụy mà mỗi khi có ai đó dính vào ma túy, để muốn nhắn gửi với mọi người rằng, giờ đây họ đã nhận ra “Ma túy là nỗi ám ảnh, là hiểm họa của toàn nhân loại”. Sau những lời tâm sự ấy là câu chuyện cứu vớt cuộc đời anh công nhân bị bọn xấu lôi kéo vào con đường buôn bán và sử dụng ma túy của một tập thể ở khu nhà trọ. Qua đó, đã làm toát lên tính nhân văn ấm áp tình người của chủ nhà trọ, các đoàn thể dành cho công nhân. Bằng tình yêu thương và che chở, họ đã thức tỉnh và giúp đỡ anh công nhân làm lại cuộc đời, tiếp tục lao động, cống hiến để xây dựng quê hương đất nước.

Bằng lối diễn nhẹ nhàng với những tình tiết dí dỏm và lắng đọng của các diễn viên, tuyên truyền viên Đội Tuyên truyền & Chiếu bóng lưu động Bình Dương, tiểu phẩm đã cuốn hút người xem và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Từ đó, kêu gọi cộng đồng không nên kỳ thị mà nên dang rộng vòng tay với những người lầm đường lạc lối. Bởi động viên tạo điều kiện để người nghiện đi cai nghiện, giúp họ hòa nhập tốt với cộng đồng là góp phần xây dựng một cuộc sống lành mạnh. Cô Lê Hồng Ngọc, Bí thư Đoàn trường THPT Bến Cát, nhận xét: “Tiểu phẩm rất hay và bổ ích với các em học sinh của trường trong dịp hè này. Cuộc chiến chống tội phạm ma túy phải mang tính cộng đồng. Vì vậy mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức, đoàn thể hãy vì tương lai con em chúng ta, hãy vì thế hệ mai sau, hãy sát cánh với các ngành chức năng quyết tâm bài trừ các tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS… để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp”. “Bằng nhiều việc làm thiết thực, toàn tâm, toàn lực và những quyết tâm cao như những khẩu hiệu tuyên truyền “Quyết tâm không để người nghiện tái nghiện”; “Đưa người nghiện trở lại với cộng đồng bằng tình yêu thương che chở”; “Cộng đồng hãy chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”..., tôi tin rằng tệ nạn ma túy sẽ dần dần bị bài trừ”, tác giả, đạo diễn Trung Hậu chia sẻ.

Tiểu phẩm khép lại với hình ảnh đẹp của cả tập thể cùng quyết tâm giúp đỡ anh công nhân thoát khỏi cái chết trắng và mở ra cho khán giả, những học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước với những lời ca như những lời nhắn nhủ đầy tâm huyết: “Bạn ơi, hãy tránh xa, chất độc ma túy bám vào sẽ chẳng buông tha. Làm khổ đau gia đình, làm tan nát cửa nhà. Bạn ơi xin chớ quên hoa anh túc đẹp lại là loài hoa giết người dần mòn, bạn ơi hãy lánh xa...”.

 

 THỤC VĂN

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
ma túy

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên