"Ăn đi, chết tao đền”

Cập nhật: 24-10-2011 | 00:00:00

Tôi lấy cái lá sen non, đặt vô đó nào chuối sống, rau răm, hún lủi, bông điên điển, bông súng, mấy lát bần non... sau đó gắp một miếng cá lóc nướng và mấy miếng mắm sống bỏ vô rồi cuốn lại... Cha mẹ ơi, giờ nhớ lại, nước bọt còn tứa ra đầy các chân răng.

Cuối tuần, thằng bạn ở chung phòng trọ nổi hứng rủ: “Về nhà tao chơi không, nhớ bà già quá!”. Đã quen với những cơn hứng bất tử của hắn nhưng tôi vẫn vặn lại: “Nhớ bà già hay nhớ ai?”. Hắn cười cười: “Nhớ mấy con mắm!”.

Vậy là hai thằng lên xe máy, nhằm hướng miền Tây trực chỉ.

Quê hắn ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Qua cầu Mỹ Thuận, bạn tôi cho xe quẹo phải về hướng Sa Đéc. “Ê mày, sao gọi Nha Mân?”- tôi hỏi hắn khi thấy bảng chữ bên đường. Hắn lắc đầu: “Biết chết liền!”.

Miền Tây thì tôi cũng đã về đôi ba lần nhưng đây là lần đầu tôi về Nha Mân, vùng đất nổi tiếng với câu thơ: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Tôi nghĩ bụng, chắc là nói quá chớ con gái miền Tây nơi nào mà chả đẹp. “Nè, con gái làng này đâu hết mà tao hỏng thấy cô nào hết vậy?”. Tôi lại thắc mắc. Thằng bạn tôi cho xe chạy chậm lại để tránh cái ổ gà: “Đàn ông xứ khác tới rước hết rồi”.

  Con gái miền Tây đẹp như sông nước, sản vật miền Tây...

Chúng tôi về tới nhà bạn mới hơn 5 giờ chiều. Trời sắp tắt nắng. Bà mẹ già gần tám mươi tuổi của bạn lụm cụm vô bếp đặt nồi cơm và bảo mấy đứa cháu bắt gà làm thịt nhưng bạn tôi ngăn lại: “Khỏi làm gà má ơi, con ăn mắm”. Lúc đó, bà chị thứ bảy của thằng bạn cũng vừa về tới. Chị làm ở Đài truyền hình Vĩnh Long. Vừa nghe vậy, chị bảo: “Ừ, có mắm ngon lắm, chị mới đi làm phim tài liệu ở miệt Thứ, người ta cho mấy hủ”.

Thằng bạn kéo tay tôi: “Đi hái rau về ăn mắm”. Hai đứa tuột quần dài, cởi trần xách rổ ra mé rạch. Đang con nước rằm, mấy cây điên điển bị chìm gần lút ngọn, nhưng phần ló khỏi mặt nước đầy bông. Tôi mê quá, vừa bứt bông vừa ngân nga câu hát mà thằng bạn hay hát “ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê, chồng xa em khó mà về...”.

Tôi đang ê a chợt im bặt. Phía bên kia rạch, có một cô gái rất trẻ đang khoát nước rửa chân. Khi ngẩng lên, trông thấy chúng tôi, cô bé cười: “Anh Tuấn mới về hả?”. Bạn tôi cũng mừng rỡ: “Ừ, tụi anh mới về. Bữa nay Bé Năm có đi hái bông súng không?”. Cô bé gật đầu: “Để lát em đem qua cho...”. Trong lúc bạn tôi nói chuyện thì tôi cứ đứng ngẩn ra nhìn cô bé. Trời ơi, đúng là người ta nói đâu có sai. Tôi quay sang nói nhỏ với bạn: “Tao thấy con gái Nha Mân rồi. Đẹp kinh dị luôn”. Thằng bạn lườm tôi: “Bé Năm mới có mười bảy tuổi thôi nghen, đừng có lộn xộn. Đi!”.

Tôi lại theo thằng bạn đi cặp mé rạch để hái rau, lâu lâu lại ngoái cổ nhìn về phía Bé Năm. Chẳng mấy chốc mà đã được một rổ đầy: bông điên điển, bông lục bình, lá sen non, đọt chiết, kèo nèo, chuối sống, ớt hiểm... Hai đứa tôi vô tới nhà thì Bé Năm cũng chống xuồng mang bông súng và đủ thứ rau thơm ở vườn nhà cô bé. Đặc biệt có cả mấy trái bần non. Cô bé phụ lặt rau rồi bày lên một mâm đầy. Phía trên cùng là những lát bần chua xắt mỏng.

Bữa cơm chiều có mấy con cá lóc nướng và một tô mắm sống. Thằng bạn tôi bưng tô mắm lên ngửi rồi ngắm nghía hồi lâu. “Không phải mắm cá linh, cũng không phải mắm cá sặc. Mắm gì mà lạ vậy chị?”- hắn hỏi bà chị đang ngồi xới cơm. “Mắm cá lưỡi trâu đó, em ăn thử coi. Cái này ở miệt U Minh Thượng mới có”.

Tôi vốn dễ ăn nhưng thiệt tình là cái món mắm sống thì rất ngại vì sợ... không vệ sinh, an toàn. Vì vậy, trong lúc thằng bạn ngấu nghiến thì tôi lại ngần ngừ chưa dám đụng đũa. “Ăn thử đi em. Cái này là món đặc sản, người ta làm kỹ lắm. Mà chị đã cho rất nhiều tỏi, ớt nên con mắm chín lắm rồi”. Thằng bạn tôi nhồm nhoàm nhai: “Ăn đi mày. Mai mốt về Sài Gòn, có thèm cũng không có mà ăn”.

Tôi lấy cái lá sen non, đặt vô đó nào chuối sống, rau răm, hún lủi, bông điên điển, bông súng, mấy lát bần non... sau đó gắp một miếng cá lóc nướng và mấy miếng mắm sống bỏ vô rồi cuốn lại. Thấy tôi vẫn chần chừ chưa chịu ăn, thằng bạn cười: “Ăn đi, chết tao đền”.

 Tôi đưa cuốn rau lên miệng cắn một miếng, nhai chầm chậm, chầm chậm... Cha mẹ ơi, giờ nhớ lại, nước bọt còn tứa ra đầy các chân răng. Lá sen chan chát, bần non chua chua; bông súng, điên điển giòn giòn; các loại rau thì thật thơm... Nhưng cái vị mắm mới lạ. Thịt cá hơi dai nhưng rất ngọt, xương rất mềm, cộng với mùi của thính, của khóm...

“Làm mắm cá lưỡi trâu cũng công phu lắm..."

Tôi làm liên tục mấy cuốn, sau đó mới từ từ gắp mắm kẹp rau ăn với cơm. Bà mẹ già của thằng bạn ngồi ngắm con ăn, thấy chén đứa nào sắp hết cơm là xới liền. Mâm rau hoành tráng thế mà hết veo, nồi cơm cũng cạn, tô mắm trộn đã hết, cá lóc nướng cũng không còn... Tôi quất no bụng, đến nỗi tối đó cứ nơm nớp lo không biết cái bụng của mình có bị làm sao không. May quá, tôi vẫn bình an vô sự.

 Bữa cơm sáng hôm sau, tôi lại đòi ăn mắm. Chị Bảy lấy hủ mắm ra cho tôi coi. Những con mắm cá lưỡi trâu chỉ to bằng ngón chân cái có màu xam xám, mình bọc đầy thính vàng ươm, phảng phất mùi thơm. Điều đặc biệt là mắm cá lưỡi trâu rất khô ráo, không trộn lẫn nước sền sệt như mắm cá linh, cá sặc hoặc cá lóc...

Chị Bảy lấy một vốc tỏi đập dập rồi lột vỏ bằm nhuyễn với ớt, sau đó chị vắt thêm chanh vào tô tỏi ớt trộn đều. Chị lấy từng con mắm ra xé nhỏ  “cho thấm gia vị và dễ ăn”. Thấy chị trộn mắm mà không bỏ đường như cách người miền Tây hay làm, tôi thắc mắc thì chị bảo: “Chị nghe kể, người ta trộn mắm với nước khóm khi làm rồi nên không cần bỏ đường mà mắm vẫn ngọt dịu, lại rất thơm... Em thử xem, mắm vừa ăn lắm, không cần nêm nếm nữa, chỉ thêm tỏi ớt là được”.

Rồi chị kể, lúc mới nghe nói về “cái sự ngon” của mắm cá lưỡi trâu ở miệt Thứ, U Minh Thượng, chị không tin. Mắm cá rô, sặc, trê, lóc thì có, chứ ai đời lại làm mắm cá lưỡi trâu? Loại cá này có mùi hăng hắc rất khó chịu, trước nay chỉ làm thức ăn cho gia súc hoặc xay ra làm mồi cho cá hoặc làm phân bón. Vậy mà khi được thưởng thức rồi thì cứ nhớ mãi, mỗi lần nhớ là một lần thèm, nghe nhắc tới thì cái bụng như có trăm ngàn con kiến bò...

Trưa hôm đó, cho tôi xem mấy đoạn phim vừa làm, chị Bảy vừa giảng giải: “Làm mắm cá lưỡi trâu cũng công phu lắm. Quan trọng nhất là khâu rửa cá ban đầu phải cho sạch vảy. Em biết rồi đó, vảy cá lưỡi trâu nhỏ xíu mà dính sát vô thịt nên phải chà rửa rất kỹ thì mới sạch. Nếu không, con mắm bị xù xì, khó ăn, mất ngon. Chị nghe người ta bảo đựng cá trong cái rổ tre rồi lấy lá sả chà nhè nhẹ cho đến khi sạch vảy... Từ lúc làm đến lúc ăn được phải mất trên ba tháng. Mắm cá lưỡi trâu có thể dùng nấu lẩu mắm; chưng với thịt và hột vịt như các thứ mắm khác nhưng chị thấy độc chiêu nhất vẫn là ăn mắm sống”.

Chiều đó khi trở lại Sài Gòn, tôi nói nhỏ với chị Bảy: “Còn lại bao nhiêu, chị cho tụi em xách lên trển ăn đi”. Dĩ nhiên là yêu cầu đó được chấp thuận. Chị Bảy còn dặn, có nhờ người mua mắm thì phải chọn mắm của chị hai ở ấp Xẻo Kè, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang thì mới là mắm ngon.

Rời Nha Mân, tôi về Sài Gòn với cái đầu óc vừa được “mở mang” thêm với tên một loại mắm ngon đến tê lòng. Không chỉ vậy, mà rất nhiều đêm liền tôi đã tương tư bóng hình một cô thôn nữ đang đứng khoát nước rửa chân bên cầu. Đôi chân trắng nõn nổi rõ giữa làn nước ngầu đỏ phù sa cứ ám ảnh tôi như một thứ bùa mê...

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên