Hướng tới Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Sông Bé - Bình Dương (1.12.1976 - 1.12.2016):

Ân tình với Báo Sông Bé - Bình Dương: Bài 2

Cập nhật: 28-11-2016 | 08:52:25

Bài 2: Về một cộng tác viên - độc giả trung thành

Tôi luôn dành cho ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ cách mạng lão thành ở phường Phú Cường, TP.TDM một tình cảm chân thành, sự ngưỡng mộ thật sâu sắc. Ở ông toát lên sự minh triết của con người “Tây học” từ thời Pháp thuộc. Nay đã 101 tuổi nhưng ông vẫn đọc báo hàng ngày, trong đó luôn có báo Bình Dương…

Ông Nguyễn Hậu Tài bên những trang báo Sông Bé cũ

Tờ báo Sông Bé mà ông Hậu Tài vẫn còn lưu giữ

Không còn nghe rõ nữa nên cuộc nói chuyện giữa hai bác cháu chúng tôi phải là cuộc… bút đàm! Đúng hơn là tôi viết - chữ thật to, còn ông thì nói. Tới nhà, câu đầu tiên của ông luôn luôn dành cho tôi là: “Chào nhà báo Quỳnh Như!”. Rồi ông nhắc đừng để bác nói câu: “Lâu quá mới gặp cháu!”. Y như vậy, một tình cảm từ năm 2000 đến nay. Tức là năm tôi mới về làm Báo Bình Dương. Cũng y như vậy những kiến thức, cách nói chuyện khúc chiết, rành mạch cho từng vấn đề. Ông nói về lịch sử Đảng bộ Sông Bé - Bình Dương, nói về nhân chứng đi qua hai cuộc chiến tranh, nói về truyền thông với tất cả sự chân thật, hiểu biết sâu rộng của một người luôn tìm tòi, học hỏi.

Lần mới đây nhất để nghe ông nói về một thời làm cộng tác cho Báo Sông Bé sau đó là Báo Bình Dương, ông kể; tôi thường viết về Bác Hồ, về xây dựng Đảng. Bởi đó là niềm đam mê, là công việc và tìm hiểu của tôi trong suốt thời tuổi trẻ. Quá phong phú, không thể nói hết về nhân cách, phẩm chất và đạo đức của Người. Thế nên tôi rất cảm ơn báo Sông Bé hồi đó và báo Bình Dương sau này luôn dành cho tôi một tình cảm trân trọng, đăng tải những ý kiến, bài viết của tôi một cách trang trọng.

Viết nhiều và cũng được nhiều nhà báo viết về mình là ông Nguyễn Hậu Tài. Tôi nói đùa rằng, hầu như dịp Quốc khánh 2-9 năm nào phóng viên Báo Bình Dương cũng phỏng vấn bác? Ông cười và nói là bởi bản thân tôi cũng như những tư liệu, kiến thức của tôi gắn liền với dịp lễ trọng thể này. Hàng năm, ông vẫn đều đặn tổ chức giỗ Bác Hồ để tập trung đông đủ những cán bộ cách mạng nghỉ hưu, đương chức. Ngày còn khỏe mạnh, ông và bà tự tổ chức giỗ. Sau này, người bạn đời mất đi, sức khỏe của ông yếu hơn thì ông giao lại việc này cho con cháu làm nhưng cũng trân trọng, ấm cúng…

Trong nhiều bài viết về mình, ông Nguyễn Hậu Tài nhớ nhất là sự “ví von” rằng ông là một báo cáo viên về lịch sử Đảng đặc biệt! Bởi, bản thân ông là một nhân chứng sống, đi qua nhiều biến cố lịch sử nên “cứ chuyện thật mà nói cũng đủ phong phú rồi!”. Vẫn nguyên vẹn tình cảm dành cho tờ báo Đảng của tỉnh nhà, ông Nguyễn Hậu Tài luôn tìm đọc bài của những người theo ông là “viết có nét!”. Mỗi lần gặp tôi, ông vẫn hỏi thăm từng người từ lãnh đạo đến phóng viên đã từng gặp gỡ, phỏng vấn ông. Báo chí của Đảng bộ địa phương luôn là một kênh thông tin chính thống trong một rừng thông tin đúng, sai, thật, giả của ngày nay.

Và ông nhắc nhở, làm báo là một nghề luôn cần được trau dồi về bản lĩnh, đạo đức, tư tưởng để không đi chệch hướng. Dù rằng, khoảng cách giữa đúng, sai thật sự rất mong manh…

 Bài 3: Duyên làm báo của một thầy thuốc

QUỲNH NHƯ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên