Ăn uống an toàn trong những ngày tết

Cập nhật: 06-02-2013 | 00:00:00

(BDO) Trong những ngày tết, chúng ta đi thăm họ hàng, ông bà cô bác, thăm bạn bè, ở đâu cũng chúc mừng sức khỏe đầu năm, rồi sau đó mời ăn uống vui vẻ, thưởng thức những món ngon. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận trong cách ăn uống và bảo quản thực phẩm vệ sinh, có thể gây hại đến sức khỏe. Vậy để việc ăn uống trong những ngày tết an toàn, bác sĩ Từ Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bình Dương cho biết:

Ăn uống là một trong những hoạt động cần thiết nhất đối với sự sống của con người. Thực phẩm, nước uống sau khi được đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất dinh dưỡng và năng lượng để duy trì sự sống, làm cơ sở cho sự phát triển về thể lực và trí tuệ. Nếu ăn uống không hợp vệ sinh thì có thể dẫn đến nhiều loại bệnh tật. Trước hết là các bệnh đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, giun sán, ngộ độc cấp và sau nữa là các bệnh nhiễm độc mãn tính, ung thư. Vệ sinh trong ăn uống là phương pháp ăn uống hợp lý, khoa học để tạo điều kiện tốt nhất cho tình trạng sức khỏe con người.

 Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe (Ảnh minh họa). Người Việt Nam ta có truyền thống coi trọng sự ăn uống và đã nâng nó lên thành một thứ văn hóa, đó là văn hóa ẩm thực. Ăn uống hợp vệ sinh trước hết là ăn chín, uống sôi. Thức ăn đã nấu chín, nước đã đun sôi thì không còn chứa vi trùng gây bệnh. Thức ăn nấu chín là thức ăn đã được đun nóng làm cho nhiệt độ phần lỏi bên trong thực phẩm tăng lên tới trên 73 độ C trong vòng 5 phút. Hiện nay, ở nước ta còn tồn tại một số tập quán ăn uống không hợp vệ sinh như ăn gỏi cá, gỏi thịt, tiết canh mà không có sự đảm bảo về vệ sinh thực phẩm thì vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Nói chung, ăn rau sống là tốt vì rau sống là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ có lợi cho cơ thể nhưng chỉ nên ăn sống khi nó là rau sạch. Nếu ăn rau sống được bón bằng phân tươi hay tưới bằng nước bẩn thì rất dễ bị mắc các loại bệnh truyền nhiểm đường ruột. Ngoài ra, khi ăn hoa quả, rau sống cần lưu ý rằng, một số nơi người ta lạm dụng hóa chất trừ sâu, chất kích thích không đúng tiêu chuẩn quy định nên có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, để đảm bảo an toàn, nên ngâm vào nước một thời gian, sau đó rửa sạch và gọt vỏ hoa quả trước khi ăn.

Khi mua thực phẩm phải chọn loại thực phẩm còn tươi vì những loại thực phẩm như thịt, cá khi đã bị ôi, ươn thì rất dễ gây ngộ độc thực phẩm. Tốt nhất là nên mua ở những nơi mình đã mua quen và đáng tin cậy. Thịt, cá khi mua phải còn chắc thịt, màu tươi, không có mùi hôi, mùi lạ, không nhũn, nhớt. Nếu là hàng đông lạnh thì khi mua phải cứng như đá. Nếu là hạt ngũ cốc thì không được mốc hay có sâu. Cũng cần tránh mua những loại thức ăn được nhuộm phẩm màu lòe loẹt, thức ăn quá hạn sử dụng ghi trên nhãn.

Thức ăn thừa trong ba ngày tết là điều không thể tránh khỏi. Cho nên chúng ta cần phải bảo quản tốt thức ăn thừa chưa ăn hết, đặc biệt là các món chế biến từ thịt, cá rất dễ và nhanh bị ôi thiu trong khí hậu nóng ẩm của nước ta. Nhiều vụ ngộ độc hàng loạt đã xảy ra vào thời gian lễ hội, ma chay, cưới xin. Đôi khi nhìn bề ngoài chưa thấy ôi thiu nhưng vi trùng trong không khí, từ ruồi, côn trùng, gián, chuột, chó mèo và tay người đã lan sang thực phẩm và phát triển rất nhanh nhờ các chất dinh dưỡng có trong đó. Vì vậy, thức ăn phải được che đậy cẩn thận không để bụi bay vào và các loại côn trùng, động vật tiếp xúc được. Tốt nhất là ăn ngay thức ăn khi vừa nấu xong. Nếu phải để lại lần sau thì nên để vào tủ lạnh và trước khi ăn phải hâm lại thật kỹ.

Ngoài ra, người chế biến thức ăn phải thực hiện tốt các quy định về vệ sinh trong chế biến thực phẩm như phải giữ sạch các dụng cụ chế biến, rửa sạch thực phẩm bằng nguồn nước an toàn, không để dụng cụ chế biến thức ăn chín và thức ăn sống lẫn lộn. Khi pha chế thức ăn phải để lên bàn cao, không pha chế trên mặt đất, nền nhà, lá cây… Phải rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi vào nấu nướng và sau mỗi lần đi đại, tiểu tiện.

Việc chọn lựa thực phẩm, bảo quản thức ăn an toàn và ăn uống hợp lý, có như vậy mới mang lại cho mình và gia đình một cái Tết an toàn, vui và trọn vẹn hạnh phúc.

 Biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm thường có những biểu hiện thông qua các triệu chứng xảy ra sau khi ăn uống như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê môi, tiêu chảy... Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.

T.Phương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên