Anh Trần Minh Dũng: Làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu

Cập nhật: 15-01-2013 | 00:00:00
Chuyện làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu (NCBC) không phải là hiếm, nhưng câu chuyện của anh Trần Minh Dũng (ngụ 3/6 đường 30-4, khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, lại là chuyện hiếm...

 Nhìn dáng vẻ bề ngoài, cộng với cái tuổi 35 của anh, tôi không nghĩ anh chính là ông chủ của nhiều trang trại NCBC lấy thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh kể, anh vào “nghiệp” NCBC khá tình cờ. Trước đây, anh chỉ nuôi gà, năm 2002 ông chú ở Đài Loan về “mách nước” NCBC đem lại hiệu quả cao nên anh nuôi thử. Sau đó, anh nhờ ông chú lấy giúp 500 quả trứng bồ câu giống Pháp về ấp nuôi thử. Từ đó đến nay, anh mê luôn “cái nghiệp” NCBC lấy thịt.    Anh Trần Minh Dũng bên chuồng chim bồ câu của gia đình

Mặc dù khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi và cố gắng không ngừng theo thời  gian nên anh đã thành công với mô hình NCBC. Anh cho biết, qua gần 10 năm, anh đã mở rộng nhiều trang trại NCBC tại khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, khu vực phường Bình Chuẩn và cả khu vực Nhị Bình (Hóc Môn, TP.HCM). Hiện nay, anh đang sở hữu trên 3.000 cặp bồ câu thịt và bồ câu giống. Mỗi chuồng trại khoảng 1.000 cặp, trên diện tích chừng 100m2, nếu trừ hết chi phí, anh lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Với 3 trại hơn 3.000 cặp chim bồ câu, mỗi năm anh thu về trên 200 triệu đồng.

Theo anh Dũng, chuồng trại NCBC khá đơn giản. Để thực hiện chuồng trại nuôi khoảng 1.000 cặp chim bồ câu, chỉ cần diện tích khoảng 100m2. Nếu tính cả chi phí đầu tư chuồng trại, giống, chi phí thức ăn thì mỗi chuồng trại cần khoảng 400 triệu đồng vốn ban đầu. Nếu muốn nuôi thử 100 cặp thì chi phí đầu tư ban đầu càng thấp. Với 100 cặp chim bồ câu, mỗi tháng chi phí thức ăn gồm bắp, cám con cò, đậu xanh, gạo lức hết khoảng 1,5 triệu đồng, sau 4 - 5 tháng là có thể lấy lại vốn. Chuồng trại NCBC cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. “Cái lợi của việc NCBC là nhanh hoàn vốn, ít rủi ro về dịch bệnh”, anh Dũng nói.

Mới đây, anh Dũng còn nhập thêm giống bồ câu mới có tên Tytan của Thái Lan. Đặc tính của giống mới này là siêu thịt, trọng lượng xuất chuồng đạt từ 600 - 900g/con. Hiện nay, trang trại bồ câu của anh cung cấp bồ câu thịt cho nhiều nhà hàng như Dìn Ký, Phương Nam và một số nhà hàng ở TP.HCM. Mỗi tháng trung bình một nhà hàng tiêu thụ 300 cặp bồ câu, nên trang trại của anh luôn trong tình trạng không đủ bồ câu để bán. “Ý nguyện của tôi và gia đình là san sẻ với bà con nông dân thích mô hình này. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật nuôi, khâu chọn giống, cung cấp giống và cả bao tiêu đầu ra cho bà con”, anh Dũng khẳng định. 

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1762
Quay lên trên