Bảo đảm an toàn thực phẩm: Trách nhiệm của cả cộng đồng 

Cập nhật: 15-04-2015 | 10:12:58

Rau, thịt là 2 loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Rau, thịt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu được sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Cũng bởi lẽ đó, thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm nay, Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn của 2 loại thực phẩm này. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm ATTP từ nơi sản xuất, kinh doanh đến tay người tiêu dùng không phải dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng…

Rau, thịt là 2 loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình nên cần bảo đảm an toàn. Ảnh: H.THUẬN

Nói rau, thịt là 2 loại thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là bởi qua thanh, kiểm tra thường phát hiện tồn dư chất bảo vệ thực vật nitrat trên rau hay tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt, rồi rau, thịt nhiễm vi sinh… Trong khi đó, nếu rau, thịt không bảo đảm ATTP có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh đường ruột, những bệnh mãn tính, tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Mới đây, tại cuộc họp BCĐ ATTP tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện những trường hợp vi phạm phải xử phạt thật nghiêm và mạnh. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2014, sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện 3 đợt giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các đoàn giám sát đã lấy và phân tích 370 mẫu rau ăn lá, trái cây; 282 mẫu thịt gia súc, gia cầm và 160 mẫu thủy sản. Kết quả phân tích các mẫu rau ăn lá, trái cây có 24 mẫu nhiễm E.coli; thịt gia súc, gia cầm có 169 mẫu nhiễm vi sinh, 6 mẫu thịt gà có dư lượng bột sắt, 3 mẫu thịt heo dương tính với chất cấm Salbutamol; thủy sản có 18 mẫu nhiễm vi sinh, 34 mẫu khô bị nhiễm Trichlorfon. Đánh giá về công tác giám sát rau, thịt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tỷ lệ nhiễm vi sinh trên các mẫu rau giảm, chứng tỏ các hộ trồng rau đã ý thức được việc dùng phân hữu cơ ủ kỹ trước khi sử dụng và cũng đã có ý thức, chấp hành khá tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Đối với thủy sản, tình hình nhiễm vi sinh trên các mẫu thủy sản tươi sống tăng cao. Điều đó chứng tỏ, việc kinh doanh thủy sản tại các chợ chưa bảo đảm vệ sinh ATTP. Theo đánh giá của BCĐ ATTP tỉnh, trong những năm qua, tại Bình Dương, công tác bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản luôn được quan tâm và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt ô nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, gây bức xúc trong xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến sự phát triển sản xuất, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về ATTP, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về ATTP rau, thịt trên cả nước; từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rau, thịt có thể mang đến, BCĐ liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cũng như BCĐ ATTP tỉnh đều lấy chủ đề Tháng hành động ATTP năm nay là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu mà Tháng hành động hướng đến, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng phải chung tay góp sức, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP nói chung và rau, thịt nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, Tháng hành động ATTP năm nay là đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm nói chung, rau, thịt nói riêng.

Dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyến tỉnh và huyện tổ chức kiểm tra, giám sát ô nhiễm thực phẩm đối với ngành hàng thực phẩm theo phân cấp quản lý. Qua đó, sẽ tiến hành lấy mẫu đánh giá, kiểm tra truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.  

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên