Bà Phạm Thị Hà Vân, Phó Trưởng phòng Tư pháp TX.Dĩ An: “Cầu nối” đưa pháp luật đến với người lao động

Cập nhật: 05-04-2016 | 08:23:04

Hơn 17 năm công tác trong lĩnh vực tư pháp, bà Phạm Thị Hà Vân, Phó Trưởng phòng Tư pháp TX.Dĩ An đã có nhiều đóng góp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương. Đặc biệt, bà Vân còn được biết đến là “chuyên gia” gỡ rối cho những người dân gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Giúp dân “gỡ rối”

Chúng tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh bà Vân trong các buổi tuyên truyền pháp luật cho công nhân, học sinh… Tại đây, với cách nói chuyện dí dỏm và thân mật, bà Vân luôn biết cách lôi cuốn người nghe.

Tại các buổi tuyên truyền pháp luật, để lôi cuốn người nghe, bà Vân thường chọn những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, sau đó bà đặt ra những câu hỏi để người dân lựa chọn đáp án. Nếu người nào chọn đúng đáp án thì sẽ có phần thưởng. Đồng thời sau mỗi đáp án, bà sẽ giải thích thêm về đáp án đó cho người dân hiểu thêm. Bên cạnh đó, bà cùng với Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TX.Dĩ An xây dựng các tình huống pháp lý thường gặp trong thực tế, giúp người dân nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật. Nhờ vậy mà trong các buổi tuyên truyền pháp luật của bà luôn thu hút nhiều người tham dự và tràn ngập tiếng cười.


Bà Phạm Thị Hà Vân
(thứ tư từ phải qua) trong một buổi tuyên truyền pháp luật cho sinh viên

Nói về bí quyết tuyên truyền pháp luật của mình, bà Vân chia sẻ: “Làm công tác tuyên truyền pháp luật vừa dễ vừa khó. Các văn bản pháp luật rất xơ cứng, khó hiểu. Trong khi đó, các đối tượng được tuyên truyền có trình độ học vấn khác nhau và có nhu cầu tìm hiểu khác nhau. Như sinh viên, học sinh cần tìm hiểu về quy định vay vốn, quy định thi cử, sức khỏe sinh sản. Còn người lao động thì cần biết về Luật Lao động, bảo hiểm xã hội… Vì vậy, người tuyên truyền phải biết chọn lựa nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng”.

Ngoài vai trò là tuyên truyền viên, bà Vân còn giúp người dân “gỡ rối” các vấn đề liên quan đến pháp luật. Bà kể: “Cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn H. (ngụ KP Đông Tân, phường Tân Đông Hiệp) đến Phòng Tư pháp nhờ trợ giúp pháp lý. Theo trình bày của ông H., lúc trước do ông sử dụng 4 tên và 3 năm sinh khác nhau nên giờ gây ảnh hưởng đến các quyền lợi và nghĩa vụ của ông. Mặc dù, ông H. đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng nhưng gặp nhiều vướng mắc nên chưa thống nhất tên tuổi được. Thấy vậy, tôi cùng với lãnh đạo Phòng Tư pháp làm văn bản kiến nghị gửi lên Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp đề nghị chỉnh sửa tên tuổi cho ông H. Sau đó, Cục Hộtịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời chấp nhận đề nghị của phòng. Sau khi nhận được kết quả trên, ông H. mừng lắm vì ông đã chờ ngày này rất lâu. Thấy ông vui, chúng tôi cũng vui theo!”.

Không những thế, bà Vân từng giúp nhiều gia đình hàn gắn lại trước nguy cơ đổ vỡ. Bà Vân nhớ lại: “Trong thời gian làm công tác hòa giải, tôi từng gặp nhiều gia đình đứng trước cảnh ngộ ly tán nhờ tôi tư vấn hướng giải quyết. Vừa với tư cách là người phụ nữ đã có gia đình vừa là một hòa giải viên, tôi tìm mọi cách thuyết phục họ. Tôi chủ yếu nắm bắt tâm lý của họ vừa lý giải, đặc biệt là sự thiệt thòi mà con cái của họ phải gánh chịu. Cũng có nhiều trường hợp nhờ tôi “gỡ rối” mà gia đình đầm ấm trở lại. Mỗi khi gặp tôi, họ rất vui. Nhưng có khi cũng thất bại vì không phải trường hợp nào cũng “gỡ rối” được…”, bà Vân cho biết.

Hết mình vì công việc

Tại Phòng Tư pháp TX.Dĩ An, bà Vân phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, tổng hợp báo cáo, theo dõi hoạt động của tư pháp địa phương, bổ trợ tư pháp, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và hòa giải ở cơ sở. Bà cho biết để hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo giao, bà thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của cơ quan Nhà nước cấp trên để tham mưu cho thủ trưởng cơ quan, đồng thời tham mưu đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo về hoạt động liên quan đến công tác tư pháp, vì vậy, bà đã có nhiều kiến nghị giúp cải thiện công tác tư pháp.

Điển hình vào năm 2012, được sự phân công của lãnh đạo Phòng Tư pháp và Chủ tịch UBND thị xã về việc tham mưu báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, bà đã mạnh dạn đưa ra ý kiến đề xuất với lãnh đạo Phòng Tư pháp và Chủ tịch UBND thị xã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh góp ý sửa đổi quy định có liên quan đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với bất động sản. Cụ thể tại Điều 29 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ về giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất có quy định như sau: UBND cấp tỉnh thông báo thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện thông báo thu hồi đất ngay sau khi giới thiệu địa điểm đầu tư (Khoản 2) và cho phép chủ đầu tư tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư… Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư phổ biến kế hoạch khảo sát, đo đạc cho người sử dụng đất trong khu vực dự án và yêu cầu người sử dụng đất tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất để lập dự án đầu tư… (Khoản 3).

Với những đóng góp trong thời gian qua, bà Phạm Thị Hà Vân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp từ năm 2008-2012; được UBND tỉnh 2 lần tuyên dương Điển hình thi đua yêu nước (2006-2010) và (2010-2015). Trong 17 năm công tác tại Phòng Tư pháp TX.Dĩ An, bà liên tục đạt danh hiệu Phụ nữ 2 giỏi (giỏi việc nước, đảm việc nhà) và nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở…

Như vậy, khi chưa có quyết định thu hồi đất mà lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp thì chưa có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu người sử dụng đất tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện việc khảo sát, đo đạc, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thống kê số liệu để lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án đầu tư. Vì vậy, xét thấy cần thay đổi, đảo ngược quy trình thực hiện theo thứ tự sau: Giới thiệu địa điểm, thông báo thu hồi đất; ban hành quyết định thu hồi đất; tổ chức khảo sát, đo đạc hiện trạng đất; lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình phê duyệt.

Đề xuất trên của bà Vân đã được lãnh đạo Phòng Tư pháp và Chủ tịch UBND thị xã chấp thuận, thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đưa vào nội dung góp ý sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trong phạm vi cả nước. Sau khi đề xuất trên được UBND tỉnh trình lên Thủ tướng Chính phủ để được xem xét sửa đổi và bổ sung lại quy định trên.

“Làm công tác tuyên truyền pháp luật vừa dễ vừa khó. Các văn bản pháp luật rất xơ cứng, khó hiểu. Trong khi đó, các đối tượng được tuyên truyền có trình độ học vấn khác nhau và có nhu cầu tìm hiểu khác nhau. Như sinh viên, học sinh cần tìm hiểu về quy định vay vốn, quy định thi cử, sức khỏe sinh sản. Còn người lao động thì cần biết về Luật Lao động, bảo hiểm xã hội… Vì vậy, người tuyên truyền phải biết chọn lựa nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng…”, bà Phạm Thị Hà Vân chia sẻ.

 

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên