Ở CLB Hưu trí tôi đang sinh hoạt nhiều người đi khám bệnh được bác sĩ chỉ định điều trị bằng xạ trị. Có người nói nên xạ trị vì không đau đớn như phẫu thuật nhưng có người lại nói tia xạ rất độc. Có đúng là xạ trị rất độc cho cơ thể?
HOÀNG CHÍNH DƯ (TX.Dĩ An, Bình Dương)
ThS-BS Lê Như Sơn trả lời: Tùy theo loại ung thư và giai đoạn ung thư để thầy thuốc chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch trị liệu... Xạ trị là phương pháp được dùng khá phổ biến trong điều trị các loại u đặc ở não, vú, cổ tử cung, vòm họng, da… và có tác dụng tốt trong diệt tế bào ung thư, làm teo nhỏ khối u. Tuy nhiên, trong quá trình đó, xạ trị cũng làm tổn thương cả tế bào lành quanh khối u dù sau đó tế bào lành có thể hồi phục nhưng vẫn hay gặp những tổn thương, hoại tử phần mềm, xương vùng xạ trị, nhất là vùng hàm mặt, vú… Các tổn thương có thể xảy ra ngay sau khi xạ trị, có khi muộn. Nhiều trường hợp ung thư vùng cổ, hàm mặt 2, 3 năm sau mới thấy đau xương hàm, loét miệng, lưỡi, má. Không ít trường hợp ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt bệnh nhân mặc dù khối u có thể không tái phát. Tuy vậy, vẫn cần xạ trị vì cái lợi vẫn cần hơn.