Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới

Cập nhật: 27-08-2010 | 00:00:00

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 1.150 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong. Điều đáng mừng là so với cùng kỳ năm 2009 thì dịch bệnh giảm khoảng 29%. Tuy nhiên, dịch SXH vẫn đáng lo ngại do bệnh nguy hiểm, có thể trở nặng bất ngờ và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trong khi đó, bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiên lượng, dịch bệnh SXH tiếp tục tăng trong thời gian tới.

- Bác sĩ có thể đánh giá tình hình SXH năm 2010?

- So với cùng kỳ năm 2009 thì số ca mắc bệnh SXH giảm khoảng 29%. Nhưng số ca xảy ra trong tháng 7-2010 (312 ca) tăng nhiều hơn so với tháng 6-2010 (116 ca) và so với tháng 7 cùng kỳ năm 2009 cũng tăng 23 ca. Đến tháng 8, mỗi tuần có khoảng 100 ca mắc bệnh SXH. Trong đó đáng ngại là đã có 1 ca tử vong xảy ra ở độ tuổi dưới 15 ở Phú Giáo. Địa bàn có số ca SXH nhiều vẫn là TX.TDM, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên.  Trong thời gian tới SXH sẽ tiếp tục gia tăng do có mưa nhiều.

 

Khi nghi ngờ SXH, người bệnh cần đến khám và điều trị tại cơ sở y tế có đủ trang thiết bị

- Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây SXH?

- SXH là bệnh do virut gây ra và do muỗi vằn truyền từ người này sang người khác. Muỗi vằn đẻ trứng trong lu, hồ chứa nước hoặc trong các vật phế thải bị đọng nước, trứng nở thành lăng quăng, sau đó phát triển thành muỗi. Muỗi vằn có thể truyền bệnh SXH trong phạm vi 100m xung quanh nơi đẻ trứng. SXH xảy ra quanh năm và gia tăng cao vào mùa mưa. Người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh SXH và gây dịch. SXH nguy hiểm vì có thể trở nặng bất ngờ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

- Khi nào thì người bệnh nghĩ mình bị SXH, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân cần nghĩ ngay đến SXH khi có các dấu hiệu: sốt cao đột ngột từ 39 - 40 độ, liên tục, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhưng sau đó sốt lại. Xuất huyết, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói, đi cầu ra máu, đau bụng.

- Bác sĩ cho biết, khi bị SXH, người bệnh cần làm gì?

- Nếu bị SXH nhẹ có thể được khám, chữa trị tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện khi đã sốt từ 2 - 7 ngày và có các dấu hiệu: bứt rứt, vật vã hoặc li bì, mệt mỏi, lờ đờ; bàn tay, bàn chân lạnh, vã mồ hôi; tiểu ít; đau bụng, nôn ói nhiều hoặc đi cầu ra máu; da đổi màu, môi bầm tím lại.

- Để phòng chống dịch, trung tâm đã có những hoạt động gì, thưa bác sĩ?

- Diệt lăng quăng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống SXH, vì vậy chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ bướm, áp phích tại các nơi công cộng; cộng tác viên hàng tháng giám sát hộ gia đình nhắc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, ký cam kết hộ gia đình không có lăng quăng... Trung tâm cũng tiến hành xử lý các ổ dịch nhỏ. Tính đến hết tháng 7, chúng tôi đã phát hiện 132, trong đó xử lý 102 ổ dịch nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi còn mở chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diện rộng chủ động phòng chống dịch ở những địa bàn nóng.  

- Vậy bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân trong việc phòng chống SXH?

- SXH song hành với ô nhiễm môi trường. Vì vậy nó xảy ra nhiều ở những vùng đô thị hóa nhanh nhưng không được quy hoạch, khu nhà ở chật chội, xả rác bừa bãi, nước đọng nhiều... Vì vậy tại cộng đồng và xung quanh nhà, người dân cùng nhau dọn rác trên kênh rạch, khai thông dòng chảy; dọn dẹp và tiêu hủy các vật đọng nước, các nơi đọng nước, nhất là các vật chứa nước cặn như chén bể, gáo dừa, vỏ xe, hộp nhựa, lon bia...

Còn tại gia đình thì hạn chế tối đa việc trữ nước, nếu phải trữ nước phải sử dụng dụng cụ chứa nước có nắp đậy kín; thường xuyên rửa và thay nước các ly nước cúng, bình cắm hoa, chân chạn mỗi 7 ngày/lần; thường xuyên quét dọn rác, lá cây tại ô văng, mắng xối, không để ứ đọng nước; thả cá 7 màu vào các chậu trồng cây kiểng bằng nước như chậu sen, súng, hòn non bộ... Để diệt muỗi trong nhà và quanh nhà cần vệ sinh nhà cửa thông thoáng, phát quang bụi rậm quanh nhà; sử dụng các phương tiện diệt, tránh muỗi như nhang muỗi, thuốc xịt muỗi, thuốc thoa chống muỗi...

THU THẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên