Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh: “Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng...”

Cập nhật: 01-12-2016 | 08:12:11

Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2016 được chọn là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch HIV/ AIDS tại Việt Nam”. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm PC HIV/AIDS một số nội dung liên quan…

 - Từ năm 2014, Ủy ban Quốc gia PC AIDS và PC tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia PC HIV/AIDS là “Hướng tới mục tiêu 90- 90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Tại sao năm 2016, Việt Nam lại tiếp tục chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, thưa BS?

- Năm 2014, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia PC AIDS và PC tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hiệp quốc đã đề ra. Mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc PC HIV/AIDS của Việt Nam. Nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, như vậy công tác giám sát và xét nghiệm của chúng ta đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.

Để biết tình trạng sức khỏe của mình, người nghi ngờ nhiễm HIV nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm máu, tư vấn (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Như vậy, nếu đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hiệp quốc đề ra. Mục tiêu này đã được duy trì liên tục từ năm 2014 đến nay.

- Xin BS cho biết rõ hơn về những kết quả đạt được trong công tác PC HIV/ AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Công tác PC HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là từ khi Trung tâm PC HIV/ AIDS tỉnh chính thức được thành lập vào ngày 1-6-2010 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng của đại dịch HIV và đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư.

Tính đến hết tháng 10- 2016, qua các số liệu giám sát cho thấy đại dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 100% huyện, thị, thành phố và 97,8% xã, phường, thị trấn. Bình Dương đã phát hiện 3.653 người nhiễm HIV, trong đó có 1.711 người ở giai đoạn AIDS và 615 người tử vong do HIV/ AIDS. Bình Dương cũng đã triển khai nhiều mô hình mới nhằm đơn giản hóa, phân cấp điều trị ARV và đưa xét nghiệm HIV xuống cộng đồng, tiến đến đạt mục tiêu không có người nhiễm HIV mới, không có người tử vong do HIV/AIDS và không có phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS…

Từ việc phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền đến việc củng cố hệ thống tổ chức ở các cơ sở y tế huyện, thị đã góp phần đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trong sứ mệnh PC HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, để công tác PC HIV/AIDS đạt được những kết quả ngày càng cao hơn, cần truyền thông cho người nhiễm HIV hiểu rõ vai trò quan trọng của BHYT và phải phấn đấu đạt 100% bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT để bảo đảm được duy trì điều trị ổn định và suốt đời vì sau năm 2017 khi các dự án ngừng viện trợ các dịch vụ về HIV không còn được cung cấp miễn phí như hiện nay và bệnh nhân phải tự chi trả cho các chi phí điều trị của mình.

- Hết năm 2016, kinh phí hoạt động PC HIV/ AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ bị cắt giảm. Điều này có ảnh hưởng đến công tác PC HIV/ AIDS. Để ứng phó với sự thiếu hụt này, Bình Dương đã có sự chủ động từ bây giờ như thế nào, thưa BS?

- Việc thiếu hụt kinh phí sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động PC HIV/AIDS, chẳng hạn: không đủ kinh phí để làm công tác truyền thông, dẫn đến việc lây nhiễm HIV/AIDS khó kiểm soát; thiếu nguồn thuốc ARV sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và bệnh nhân sẽ phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn.

Bình Dương đã và đang nỗ lực để khắc phục tình hình này. Giải pháp mà tỉnh Bình Dương đưa ra để bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động PC HIV là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho PC HIV/AIDS từ ngân sách, xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, huy động sự đóng góp kinh phí từ các tổ chức, cá nhân. Tiêu biểu là trong thời gian qua đã xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính cho hoạt động PC HIV/ AIDS và đã được UBND phê duyệt ngày 19-8-2016. Đã phối hợp với BHXH tỉnh để tiến tới ký hợp đồng thanh toán chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/ AIDS thông qua BHYT; xây dựng được kế hoạch chuyển giao các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ các dự án nước ngoài tài trợ và vận động được sự đồng thuận của các tổ chức, các ban ngành, đoàn thể liên quan trên nguyên tắc sẽ thực hiện chuyển giao toàn bộ các hoạt động cho địa phương quản lý và tiếp tục duy trì các hoạt động do dự án hỗ trợ bằng nguồn lực của địa phương từ ngày 1-1-2017.

Phương hướng tất cả các hoạt động đều được tiếp tục triển khai tại các đơn vị đã thụ hưởng dự án như Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung Tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Trung tâm Y tế TX.Dĩ An. Trong đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh làm đầu mối chính để tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh triển khai thực hiện tại các đơn vị trong toàn tỉnh.

- Xin cảm ơn BS!

Nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Thực hiện kế hoạch triển khai hoạt động Tháng hành động quốc gia PC HIV/AIDS, Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh thiết kế những mẫu tờ rơi, tạp chí, sách, poster, áp phích quảng cáo cung cấp cho các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phát bao cao su miễn phí; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện Spot cổ động, các phim, phóng sự ngắn, các buổi tọa đàm; phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng cụm pano, khẩu hiệu, treo băng rôn, truyền thông lưu động tại địa phương.

Một trong những hoạt động không thể thiếu trong Tháng hành động đó là việc giới thiệu, quảng bá các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS, điều trị Methadone sẵn có tại địa phương, dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Dịp này, các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể còn phối hợp tổ chức lễ mít-tinh và diễu hành tại 70 xã, phường trên địa bàn tỉnh.

 

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên