Bác sĩ “quay lưng” với bệnh viện công – Kỳ 1

Cập nhật: 15-09-2017 | 10:37:23

Kỳ 1: Vì sao bác sĩ “rũ áo ra đi”?

Bệnh nhân đông, bác sĩ (BS) ít nên việc thăm, khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Chờ lâu, lo lắng, bệnh nhân gây khó dễ cho BS, BS thì một người “gánh” công việc của nhiều người nên mệt mỏi. Thế nhưng, việc tuyển dụng thêm BS không hề dễ dàng do cơ chế. Mặt khác, BV đang phải đối mặt với việc đồng loạt BS “rũ áo ra đi” vì những lý do “chính đáng”.

“Thóc ở đâu bồ câu ở đó!”

Câu chuyện 42 BS xin nghỉ việc tại BV Đa khoa tỉnh trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đang khiến dư luận rất quan tâm. Phân tích về việc này, không ít người cho rằng, lý do mà những BS dứt áo ra đi, “đầu quân” cho các bệnh viện tư, hay tự mở phòng khám được cho là điều kiện công tác tại BV công thu nhập không như ý muốn. Theo đơn xin nghỉ việc của một số BS trong năm 2016, chúng tôi tìm hiểu đều có những lý do rất “chính đáng” như sức khỏe yếu, vì gia đình và đi học… Thế nhưng khi được duyệt đơn nghỉ việc, các BS ấy “khỏe lại” và “đầu quân” cho BV tư.

Trao đổi với BS T.Đ.T., trước đây là BS khoa Sản BV Đa khoa tỉnh đã nghỉ việc hơn 1 năm, anh cho biết, hiện công việc của anh ở nơi mới rất tốt. Hỏi về lý do nghỉ việc, anh tâm sự, anh công tác tại BV Đa khoa tỉnh 13 năm nhưng tất cả thu nhập, kể cả tiền mổ khoảng 13-15 triệu/đồng/tháng. Mức lương đó chỉ bằng 1/4 lương anh đang có tại BV Quốc tế Hạnh Phúc (TX.Thuận An). Lương thấp không đủ để gia đình có cuộc sống khấm khá. Mặc dù so với các ngành nghề khác trong hệ thống mức lương Nhà nước, mức lương đó được coi là lương “khủng”.

Còn đối với BS T.X.H. với thâm niêm hơn 15 năm nhưng mức lương chưa tới 15 triệu đồng/tháng, trong khi đó lương tuyển dụng tại BV Đa khoa Châu Thành (TP.Thủ Dầu Một) lên đến 45 triệu đồng/tháng. Chính mức phù lao hậu hĩnh đã “kéo” BS T.X.H. rời khỏi BV công sang BV tư công tác được hơn 1 năm.


16 giờ chiều ngày 9-9 tại phòng khám khoa Sản BV Đa khoa tỉnh còn nhiều bệnh nhân chờ đợi

Bên cạnh các BS có kinh nghiệm, có trình độ sau đại học, BS nội trú, chuyên khoa I, thạc sĩ “cao chạy xa bay” khỏi BV công thì cũng có nhiều BS là những người đang giữ chức trưởng, phó các khoa cũng tìm đường “tẩu thoát”. Những con người này đã từng thuộc diện được chú trọng đào tạo, hỗ trợ cho đi học nhằm nâng cao chuyên môn để làm nòng cốt trong khám, chữa bệnh tại BV Đa khoa tỉnh. Thế nhưng khi “đủ lông đủ cánh” họ lại “bay xa”.

Chỉ tay về xấp đơn xin nghỉ việc của các BS, BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh thở dài, năm 2016, BV có 5 BS là trưởng, phó các khoa xin nghỉ việc. Đây là những BS giỏi được BV tạo mọi điều kiện cho đi học, thăng chức để “giữ chân” nhưng cuối cùng không giữ được. Mỗi người một lý do xin nghỉ nhưng không hẳn nghỉ luôn mà chuyển từ BV công sang BV tư. BS Tân cũng khẳng định, với thời buổi hiện nay, khi Nhà nước khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế thì sẽ có sự xuất hiện của nhiều BV tư. BV tư, khám dịch vụ, mức thu viện phí cao thì lương cho BS cũng sẽ cao. “Thóc ở đâu bồ câu ở đó”, cũng là quy luật chung nên BV công có muốn giữ BS cũng rất khó, bởi Nhà nước đâu phải muốn tăng lương là tăng.

“Không đủ thời gian tái tạo chất xám, sức khỏe”

Đó là câu nói của rất nhiều BS tâm sự với chúng tôi về môi trường làm việc tại BV Đa khoa tỉnh. Trung bình mỗi ngày BV Đa khoa tỉnh tiếp nhận 1.500-2.000 lượt người khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú từ 1.400-1.600 người. Thế nhưng, hiện nay các khoa của BV đều thiếu BS trầm trọng. Một BS phải làm việc thay cho 2 đến 3 BS. Như vậy, họ không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo chất xám, sức khỏe để đủ minh mẫn chăm sóc, chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Trong căn phòng chật hẹp tại khoa Sản ngày 9-9, mặc dù đã 16 giờ chiều nhưng rất nhiều bệnh nhân đang ngồi chờ BS khám. Nhìn bệnh nhân mà BS P.V.D. lắc đầu và thở dài một cách mệt mỏi. BS vừa mới tham gia một ca mổ lấy thai chưa được nghỉ ngơi đã phải ngồi thăm, khám cho bệnh nhân. BS P.V.D. tâm sự, một BS khoa Sản một ngày có thể phải khám cho 50 bệnh nhân; mổ, đỡ sinh khoảng 15-25 ca. Sau một ngày làm việc, đầu óc, cơ thể mệt mỏi về đến nhà chỉ nằm với nằm vì “cạn sức”. “Ngày một, ngày hai có thể được chứ làm việc liên tục với cường độ, mức độ như vậy, chúng tôi sợ sẽ không đủ sức khỏe theo nghề. Mà cái nghề này “sảy một ly, đi một dặm”, BS sơ suất sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân”, BS P.V.D. nói.

Làm một phép so sánh nhỏ, BS T.Đ.T. (công tác tại BV Quốc tế Hạnh Phúc) phân tích, nếu trước đây làm tại BV Đa khoa tỉnh, mỗi ngày anh thăm khám 50-70 bệnh nhân thì hiện nay anh chỉ khám cho khoảng 20 người. Mặt khác, phòng khám, phòng sanh, phòng mổ tại đây rộng, thoáng chứ không chật hẹp như ở BV Đa khoa tỉnh. Ở đây, BS còn được tiếp cận những máy móc hiện đại, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Không nói về thu nhập chỉ riêng cái khoản làm việc nhàn, môi trường làm việc tốt thì mọi người đã cảm thấy thoải mái.

Theo lời BS T.Đ.T., chúng tôi đi một vòng quanh BV Đa khoa tỉnh để khảo sát, thật sự số lượng bệnh nhân quá đông nên làm BV dường như nhỏ lại. Nhiều khoa không đủ giường bệnh, bệnh nhân phải nằm bên ngoài hành lang. Nếu thật sự so sánh môi trường làm việc giữa BV công và tư có lẽ BV công tỉnh sẽ “thua”. Mặt khác, đối với BV tư, nếu bệnh quá nặng, ca khó điều trị họ không tiếp nhận, hoặc chuyển tuyến sang BV tỉnh. Đối với BV tỉnh không thể cứ chuyển hết lên tuyến trên mà phải tìm cách điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân bệnh nặng, nhiều dạng bệnh tại BV tỉnh cũng đã gây áp lực cho BS.


Bệnh nhân đông, phòng khám chật hẹp gây áp lực cho BS BV Đa khoa tỉnh

Tâm sự về áp lực công việc, các BS nói, nhiều BS phải căng mình để làm việc hết công suất. Trực suốt 12 giờ nhưng hiếm khi ngày hôm sau họ được nghỉ ngơi hoàn toàn mà vẫn phải gồng mình làm việc vì các bệnh viện công đều quá tải. Sự quá tải này sẽ dẫn đến các sai sót của BS. Bên cạnh đó, các BS làm việc trong những môi trường độc hại hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chế độ bảo hộ, bảo hiểm lại không tương xứng khiến họ trở thành đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Đó cũng là lý do các BS đã “rũ áo ra đi”.

Không có người bảo vệ

Một điều khi trao đổi với những BS đang làm việc tại BV Đa khoa tỉnh, cũng như các BS đã rời đi khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, đó là sự an toàn cho BS. Mới đây, tại khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh, chỉ vì muốn BS quan tâm hơn đối với người nhà mình, nhiều gia đình bệnh nhân dọa nạt, thậm chí đánh BS.

Bác sĩ Lê Xuân Toán, BS điều trị tại khoa Cấp cứu, trưởng kíp trực cho biết, khoa Cấp cứu của BV Đa khoa tỉnh, mỗi ngày tiếp nhận 200-300 bệnh nhân, với 15 giường, 45 băng ca nhưng vẫn phải tăng cường thêm để bệnh nhân có chỗ nằm. Thế nhưng một ca trực hiện nay của khoa Cấp cứu chỉ có 3-4 BS. Trong lúc sinh tử nhiều người không giữ được bình tĩnh, ai cũng muốn người nhà phải được cấp cứu, đó là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, y khoa cũng có giới hạn, BS không thể hô biến để một bệnh nhân quá nặng có thể qua khỏi cơn nguy kịch. Chính sự đòi hỏi quá mức và vô lý của nhiều người nhà bệnh nhân đã khiến các y BS bị áp lực dữ dội về mặt tinh thần.

Y khoa có những nguyên tắc riêng, chẳng hạn nếu không phải là cấp cứu hàng loạt thì sẽ ưu tiên cho người bệnh nặng trước. Điều này không mấy khi người nhà bệnh nhân hiểu được để tôn trọng công việc đang làm của “giới áo trắng”. Hậu quả là mỗi ngày làm việc đối với các BS giống như một lần bị “tra tấn” về mặt tinh thần.

Thế nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có những biện pháp mạnh mẽ nào được đưa ra để bảo vệ BS. Mặc dù, BV tỉnh đã có làm việc với Công an tỉnh, Công an phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) để có cách can thiệp, hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được “tín hiệu”.

THIÊN LÝ

Kỳ 2: Tâm tình người “ở lại”

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên