Bắc Tân Uyên: Kinh tế phát triển đúng hướng

Cập nhật: 07-01-2015 | 08:08:38

Huyện Bắc Tân Uyên được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014. Mặc dù mới thành lập nhưng kinh tế của huyện đã phát triển đúng hướng, tạo tiền đề để huyện phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo.

Nông nghiệp tiếp tục đóng góp lớn

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, là một huyện mới thành lập, Bắc Tân Uyên lấy nông nghiệp là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế, trong đó cao su là cây trồng chủ lực của người dân từ lâu nay. Thời gian gần đây, do giá mủ cao su thấp nên kinh tế của huyện gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được những kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch, phát triển theo đúng định hướng nông - lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ với mức tăng trưởng khá, đạt và vượt chỉ tiêu HĐND huyện đề ra, góp phần ổn định đời sống của người dân. Theo đó, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,14% (Nghị quyết HĐND huyện là 11 - 12%); cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm 47,59%, công nghiệp 29,51%, dịch vụ 22,9%; thu nhập bình quân đầu người 36,2 triệu đồng, đạt 100% Nghị quyết HĐND huyện. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 trên địa bàn huyện ước thực hiện 526 tỷ 500 triệu đồng, đạt 113% dự toán tỉnh giao và đạt 106% dự toán HĐND huyện đã điều chỉnh.

Cam, một trong những loại cây ăn quả chủ lực của huyện Bắc Tân Uyên.

Ảnh: P.AN

Trong giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện hiện nay, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 85,23%; cùng với cây cao su, cây ăn quả cũng là cây trồng chủ lực của huyện, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Những năm qua người dân trong huyện đã tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây có múi. Trong tổng số 28.000 ha đất nông nghiệp của toàn huyện có khoảng 1.200 ha đất trồng cây có múi, nằm rải rác dọc sông Đồng Nai, sông Bé; tập trung nhiều ở xã Hiếu Liêm (600 ha) với các loại cây trồng như cam, quýt, bưởi cho người trồng thu nhập cao.

Bên cạnh nông nghiệp, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, thu nhập bình quân của xã viên đạt 42 triệu đồng/năm; 7 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt..; 109 trang trại, chủ yếu tập trung ở các xã phía bắc (trong đó có 55 trang trại trồng cây lâu năm, 51 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp). Tình hình sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã và tổ hợp tác tương đối ổn định.

Ông Lâm Thành Thắm, chủ vườn cây có múi ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm cho biết, trên diện tích 50 ha ông trồng cam và quýt, hiện có 13 ha đang cho thu hoạch, bình quân mỗi vụ thu được từ 30 - 40 tấn; sau khi trừ chi phí ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Việc trồng cây ăn trái có múi này đã cho gia đình ông thu nhập cao, ổn định đời sống.

Huyện Bắc Tân Uyên đang hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm làm ra trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giúp bà con chuyên tâm đầu tư, sản xuất. Bên cạnh việc phát triển vườn cây, huyện sẽ gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhà vườn trong tương lai. Theo lãnh đạo huyện, trong thời gian tới Bắc Tân Uyên sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chuyển giao, ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất; đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án nông nghiệp, dự án khoa học công nghệ đang được triển khai. Huyện cũng sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vùng cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm; thường xuyên mở các lớp tập huấn về khuyến nông...

Tập trung đầu tư xây dựng cơ bản

Nhằm tạo đà phát triển kinh tế, mang lại bộ mặt mới cho vùng quê vốn thuần nông, Bắc Tân Uyên đang tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển giao thông. Một số dự án mang tính động lực phát triển của huyện được khẩn trương triển khai và cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Cụ thể như Trung tâm Hành chính huyện đã hoàn thành xong quy hoạch chi tiết 1/500, sẵn sàng bàn giao 50 ha đất sạch cho đơn vị thi công; khởi công công trình mở rộng đường giao thông đoạn từ cầu Tân Lợi đến ngã ba Tân Thành, Phòng khám Đa khoa Tân Thành và nhiều công trình kết cấu hạ tầng khác được khởi công mới, hoàn thành và đã đưa vào sử dụng.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Bắc Tân Uyên. Trong ảnh: Đường ĐH411 thuộc dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đang được nâng cấp. Ảnh: P.AN

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp cho biết, dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi Tân Thành có tổng mức đầu tư hơn 764 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, cùng với đường ĐT746, ĐT747B là những tuyến đường huyết mạch, mang tầm kết nối đến các vùng kinh tế mở rộng, tạo động lực phát triển kinh tế của huyện. Hiện nay, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo đúng tiến độ đề ra.

Trong năm 2014, tổng số dự án đầu tư trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên là 51 dự án. Huyện đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, công trình khởi công mới. Việc thực hiện giải ngân vốn cũng được huyện thực hiện theo kế hoạch và bảo đảm tiến độ thi công các công trình; theo đó ước đến cuối năm 2014 thực hiện giải ngân được 123 tỷ 389 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Huyện cũng đang tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025.

Bên cạnh việc hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng Khu tái định cư huyện Bắc Tân Uyên, đẩy nhanh tiến độ dự án Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, trong thời gian tới huyện sẽ chủ động phối hợp với các sở ngành tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nâng cấp đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến giáp đường ĐT747B, đường ĐT747B đoạn từ cầu Bình Cơ đến ngã ba Cổng Xanh; tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi Tân Thành. Ngoài ra, huyện lên kế hoạch duy tu, dặm vá, nâng cấp các tuyến đường do huyện quản lý; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các xã hoàn thành việc thi công công trình giao thông nông thôn năm 2015.

Hy vọng, sự phát triển kinh tế đúng định hướng sẽ mang lại cho huyện Bắc Tân Uyên bộ mặt mới, khang trang, giàu đẹp.

Năm 2015, huyện Bắc Tân Uyên đề ra chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11 - 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 - 40 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm nghiệp 46,20%, công nghiệp 30,24%, dịch vụ 23,56%. Tổng thu ngân sách 602 tỷ 861 triệu đồng. Giảm 37 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên