Bắc Tân Uyên: Quy hoạch phù hợp để phát triển bền vững

Cập nhật: 31-05-2016 | 09:45:31

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Với nền tảng về quỹ đất cũng như vị trí địa lý, huyện Bắc Tân Uyên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhằm sớm hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. 


 Huyện Bắc Tân Uyên đang nỗ lực phát huy thế mạnh để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khu công nghiệp Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: H.PHẠM

Định hình đô thị

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 với 6 quận và 4 huyện, trong đó đô thị Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên được quy hoạch theo mô hình “đô thị vệ tinh” mật độ thấp. Mặt khác, theo Quyết định số 177/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm huyện Bắc Tân Uyên, đô thị Tân Thành với vị trí gần các Khu công nghiệp (KCN) Đất Cuốc, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP II mở rộng… là tiền đề rất quan trọng để tạo động lực thúc đẩy đô thị này trở thành khu đô thị dịch vụ, hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Huyện Bắc Tân Uyên có quỹ đất nông nghiệp lớn, có khả năng chuyển đổi sang đất KCN để hình thành các KCN tập trung. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 KCN và 1 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 828 ha. Đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ bổ sung các KCN mới là Tân Lập I diện tích 200 ha, Việt Nam - Singapore III diện tích 1.000 ha. Vì vậy, sau năm 2020, tổng diện tích các KCN - đô thị được quy hoạch trên địa bàn huyện lên đến khoảng 2.028 ha với 5 KCN và 1 cụm công nghiệp.

Ngoài ra, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 với tổng chiều dài 197,6km đi qua 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Long An. Đây là trục đường huyết mạch hướng Đông - Tây của tỉnh Bình Dương và huyện Bắc Tân Uyên. Đường vành đai 4 dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025 và sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Phát huy lợi thế để phát triển

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 đặt mục tiêu cụ thể với tốc độ gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2021- 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/ năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt bình quân 19 - 21%/năm; tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt bình quân 30%. Đến năm 2020, 100% xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bắc Tân Uyên phấn đấu 100% khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn môi trường; 100% khu dân cư mới xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo quyết định đã phê duyệt.

Về công nghiệp, mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 của huyện Bắc Tân Uyên là tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 11 - 13%/năm; giai đoạn 2021- 2025, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 18 - 20%/năm. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng…

Bên cạnh đó, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển các nông sản, thực phẩm có thế mạnh ở địa phương như cao su, cây ăn trái, các sản phẩm thịt, sữa, trứng gia cầm... Về chuyển dịch cơ cấu giữa đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện giảm xuống còn 75% vào năm 2020 và tiếp tục giảm còn 70% vào năm 2025. Ngược lại, tỷ trọng đất phi nông nghiệp tăng từ 18,4% năm 2015 lên 25% năm 2020 và tiếp tục tăng lên 30% vào năm 2025.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Tân Uyên, quy hoạch là cơ sở, định hướng để các ban, ngành của huyện lập kế hoạch phát triển ngành chi tiết trong giai đoạn 5 năm, hàng năm. Mặt khác, đây là cơ sở cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quyết định đầu tư vốn vào địa bàn huyện. Qua đó, góp phần vào việc phát triển kinh tế huyện nhà với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang và sẽ diễn ra nhanh chóng trên địa bàn huyện nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung.

Tại phiên họp của UBND tỉnh về xem xét quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch nhằm phát huy những lợi thế của huyện, tạo điều kiện cho Bắc Tân Uyên phát triển. Tuy nhiên, quy hoạch phải phù hợp với thực tế địa phương. Để quy hoạch đạt hiệu quả, đơn vị tư vấn cần phải bám sát các chương trình hành động của Tỉnh ủy để xác định những giải pháp, danh mục ưu tiên đầu tư phát triển; cùng với đó rà soát, tính toán các chỉ tiêu phải có tính khả thi. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, do đó cần xem xét lại mục tiêu phát triển đô thị sinh thái. Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch cho cả giai đoạn phát triển cần đánh giá kỹ, xác định mục tiêu, giải pháp trong thực hiện quy hoạch, hạn chế việc xáo trộn để ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, sớm hoàn thiện quy hoạch để UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên