Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em:

Bài 2: Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước

Cập nhật: 19-05-2017 | 09:13:48

Trước tình trạng tai nạn đuối nước (TNĐN) liên tục xảy ra trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế số trẻ em tử vong vì đuối nước. Trong đó, công tác nâng cao kỹ năng bơi lội và ứng cứu khi xảy ra TNĐN được đặc biệt quan tâm.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục

Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Hiện nay, môi trường sống của trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là TNĐN luôn chực chờ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và các em chưa hiểu rõ được mối nguy hiểm của TNĐN. Vì vậy, một trong những giải pháp hàng đầu là tăng cường tuyên truyền về phòng, chống TNĐN cho trẻ em và phụ huynh trên phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt chú ý tới việc tuyên truyền giáo dục về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, các quy định của Nhà nước về phòng, chống TNĐN cho trẻ em. Đồng thời, sở còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ như các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn… nhằm giúp các em được an toàn khi vui chơi”.

Theo mục tiêu Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống TNĐN cho trẻ em sẽ góp phần giảm tối thiểu 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015 và ít nhất 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ngoài ra, qua công tác tuyên truyền vận động sẽ có 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy và 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai dạy bơi an toàn cho trẻ em.

Trong khi đó bà Nguyễn Kim Duyên, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo TX.Tân Uyên, cho biết: “Nhằm chấm dứt những tai nạn đáng tiếc do đuối nước, phòng đã có văn bản đề nghị hiệu trưởng các trường tăng cường giáo dục, tuyên truyền, triển khai quán triệt có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các cấp chính quyền về phòng, chống TNĐN cho trẻ em và học sinh đến tận giáo viên, phụ huynh và học sinh trong giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Thông qua bản tin nội bộ, nhà trường thường xuyên đăng tải và thông tin các vụ TNĐN, những khu vực nguy hiểm có thể xảy ra TNĐN tại địa phương để học sinh nâng cao tinh thần cảnh giác. Giáo viên còn thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được tự ý đi chơi, đi tắm tại các hồ nước, sông… có nguy cơ xảy ra TNĐN. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh thông báo thời gian các hoạt động liên quan đến việc điều động học sinh nhằm giám sát chặt chẽ các em”.

Nâng cao kỹ năng bơi lội cho trẻ em

Ông Phạm Anh Dũng, Phó phòng Chính trị - Tư tưởng và Pháp chế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống TNĐN cho học sinh. Một trong những giải pháp chủ yếu là đưa môn bơi lội vào chương trình học của các em. Theo đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà mỗi trường có thể đưa môn bơi lội vào tiết học thể dục tự chọn hoặc chương trình ngoại khóa phù hợp với yêu cầu của sở. Thời gian qua, nhiều trường học đã thực hiện tốt việc phổ cập bơi cho học sinh. Kết quả cho thấy hiện nay có khoảng 70% đến 80% học sinh tiểu học ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TX.Bến Cát cơ bản biết bơi. Với mục tiêu hướng đến 100% học sinh lớp 6 trên địa bàn tỉnh có được kỹ năng nổi trên mặt nước, sở tiếp tục khuyến khích các trường học, đặc biệt các trường ở vùng sâu, vùng xa đưa môn bơi vào tiết học thể dục”.

Việc trang bị kỹ năng bơi lội và ứng cứu khi gặp bị đuối nước là hết sức quan trọng. Trong ảnh: Học sinh được huấn luyện viên huấn luyện kỹ năng cứu người bị đuối nước

Tương tự, bà Nguyễn Thanh Trúc cũng cho biết: “Nhằm giúp trẻ em “nổi” được trên nước, sở đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể phát động phong trào học bơi, dạy bơi, đặc biệt là tại một số địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước. Đồng thời, sở còn phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Tại các xã khó khăn thì được trang bị hồ bơi di động, huấn luyện các kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu… Sắp tới đây, sở sẽ mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cuối khóa, các em sẽ được sát hạch và cấp chứng chỉ hoàn thành xong khóa bơi. Ngoài ra, nhằm tạo thêm sân chơi cho trẻ em vào dịp hè, sở còn tổ chức cuộc thi bơi lội cho các em, qua đó khuyến khích phong trào bơi lội cho trẻ em”.

Khi gặp nạn nhân đuối nước, phải bình tĩnh xử lý

Theo nhận định của các chuyên gia, khi gặp các sự cố dưới nước, nạn nhân thường bị hoảng loạn, uống nhiều nước và gần như không thể tự mình xử lý được. Điều này càng khó khăn đối với người không thường xuyên làm việc dưới nước hay không phải lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp. Nếu chúng ta bình tĩnh và biết cách xử lý thì có thể cứu được nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Sau đây là một số kỹ thuật có thể áp dụng để xử lý khi gặp nạn nhân bị tai nạn, sự cố dưới nước. Đầu tiên, khi nạn nhân không ở quá xa bờ, dòng chảy không mạnh, người cứu không biết bơi thì có thể sử dụng sào, gậy dài, hoặc ném các vật có thể nổi như can, thùng, phao tới vị trí nạn nhân để kéo nạn nhân vào bờ.

Nếu nạn nhân ở xa bờ thì nhất thiết người xuống cứu nạn nhân phải biết bơi. Trước khi tiến hành các hoạt động cứu giúp nạn nhân, người cứu cần phải chắc chắn rằng mình an toàn và tự tin. Nên có từ 2 người trở nên khi tiến hành ứng cứu. Khi gặp nạn nhân cần hô to để mọi người xung quanh biết tới hỗ trợ. Sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, nếu nạn nhân bất tỉnh cần tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu. Đặt người bị nạn nằm nơi bằng phẳng, thoáng mát. Kiểm tra tình trạng nạn nhân xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực, sử dụng tai để nghe hơi thở nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân không còn thở, cần tiến hành hỗ trợ hô hấp cho nạn nhân. Đặt nạn nhân nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng, làm thông thoáng đường thở cho nạn nhân bằng cách móc hết đờm, dị vật trong miệng nạn nhân ra ngoài. Người cứu tiếp cận từ phía chân nạn nhân, quỳ xuống ngang đùi, sử dụng gốc bàn tay đặt vào vị trí thượng vị (phía dưới xương ức, trên rốn) sử dụng lực của cơ thể ép, đẩy dị vật, nước trong đường thở ra ngoài. Sau khi đã làm thông thoáng đường thở, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Duyên cho biết: “Xác định việc dạy bơi cho học sinh là hết sức quan trọng, phòng đã tham mưu với UBND TX.Tân Uyên về việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TX.Tân Uyên. Theo đó, phòng phối hợp với nhà trường tích cực vận động phụ huynh đăng ký cho con em tham gia các lớp tập bơi. Qua đó, trường Tiểu học Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) đã tổ chức được các buổi học ngoại khóa về kỹ năng bơi lội và ứng cứu TNĐN cho phụ huynh và học sinh. Tiếp theo, trường Trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy cũng thực hiện. Sắp tới đây, các trường học gần sông Đồng Nai cũng sẽ triển khai thực hiện. Ngoài ra, phòng đang có chủ trương sẽ tổ chức các cuộc thi bơi lội nhằm đưa phong trào bơi lội phát triển sâu rộng trong học sinh”.

 NGUYỄN HẬU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên