Bài giải gợi ý đề văn THPT Quốc gia 2017

Cập nhật: 22-06-2017 | 11:45:49
BÀI GIẢI GỢI Ý
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:  Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ để có sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn khiến người thấu cảm hiểu được những suy nghĩ của người khác, cảm được những cảm xúc của người khác, tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Câu 3:  Hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích là những biểu hiện sống động của sự thấu cảm, nói lên sự cảm thông, ý muốn sẻ chia của họ trước nỗi buồn, nỗi đau của người khác.
Câu 4:  Em rất đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Bởi vì khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng có sự quan tâm, cảm thông cũng như có ý muốn chung vui, sẻ chia nỗi buồn của người khác (một trong những biểu hiện của lòng trắc ẩn).
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu chung
- Đảm bảo đúng yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận (có thể theo kiểu diễn dịch, quy nạp hoặc tổng phân hợp,…).
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
- Câu này kiểm tra năng lực viết một đoạn văn nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải kết hợp được những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một trong những gợi ý cụ thể:
Yêu cầu cụ thể:
Thấu cảm là khả năng hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn cảm xúc, suy nghĩ của một ai đó. Thấu cảm là một sự thông cảm sâu sắc với tha nhân, có một ý nghĩa lớn lao đối với con người và cuộc sống. Khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng nhận biết được một cách thấu đáo hoàn cảnh, suy nghĩ của người khác.
Trên cơ sở đó, người ta hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác trong hoàn cảnh cụ thể. Sự hiểu biết ấy sẽ khơi nguồn cho sự cảm thông, sẻ chia nỗi buồn…. của người khác. Điều này sẽ góp phần nói lên bản chất tốt đẹp của con người và giúp cho cuộc sống xã hội có một diện mạo nhân ái, lành mạnh.
Vì trong xã hội đó, người với người có quan hệ tương thân tương ái như Tố Hữu đã từng hình dung: Có gì đẹp trên đời hơn thế - Người yêu người, sống để yêu nhau. Khi người ta không có sự thấu cảm, con người dễ trở nên lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm. Nếu thiếu sự thấu cảm đôi khi chúng ta có những sự giận dữ vô lý. Sự giận dữ không đúng là một hình thức tự hành hạ mình bằng những cảm giác khó chịu.
Người ta dễ rơi vào sự ích kỷ và không biết quan tâm đến niềm vui cũng như nỗi buồn của người chung quanh. Khi đó, con người dễ trở nên xấu xa và cuộc sống xã hội cũng vì thế dễ trở nên tồi tệ, người với người dễ trở thành dã thú và đầy thù hằn với nhau… Thiếu sự thấu cảm, người ta sẽ dễ có suy nghĩ và thái độ cực đoan đối với người khác. Thế giới vẫn còn đầy những cuộc chiến tranh man rợ chính vì thiếu sự thấu cảm đó.
Vì vậy, sống trên đời cần có một tấm lòng, cần có sự thấu cảm. Mỗi người đừng để cái tôi của mình lấn át những tình cảm tốt đẹp. Nếu mỗi người đều biết tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ và cảm thông chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều hữu ích cho xã hội và thế giới loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Câu 2 (5,0 điểm)
Yêu cầu chung
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
MỞ BÀI:
- Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
- Khái quát về hoàn cảnh sáng tác và nội dung của tác phẩm.
- Dẫn yêu cầu của đề.
THÂN BÀI:
            Bằng lời trò chuyện tâm tình với một nhân vật đối thoại tưởng tượng, tác giả đã diễn tả khái niệm Đất nước theo cách riêng của mình:
                                  Đất là nơi anh đến trường
                                  Nước là nơi em tắm
                                  Đất nước là nơi ta hò hẹn
                                  Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
                                  Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
                                  Nước là nơi con cá ngư ong móng nước biển khơi
                                  Thời gian đằng đẵng
                                  Không gian mênh mông
                                  Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ         
Đất nước không chỉ được cảm nhận trong không gian hùng vĩ, mênh mông của rừng, của bể, mà còn được cảm nhận bởi không gian sinh hoạt bình thường của mỗi người, không gian của tình yêu đôi lứa, của nỗi nhớ thương.
Ý niệm về đất nước được gợi ra từ việc chiết tự hai yếu tố hợp thành là đất và nước cùng những liên tưởng được gợi ra từ đó. Sử dụng lối chiết tự, trò chơi ngôn ngữ rất thông minh của người Việt, tác giả gợi ra một quan niệm mang những đặc điểm riêng của dân tộc, đất nước.
Đất nước gắn bó sâu sắc với kỉ niệm ấu thơ êm đềm. Đất là con đường đến trường, nước là dòng sông tuổi thơ. Đất mở ra cho anh một chân trời rộng mở kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng. Lớn lên, đất nước là nơi “anh” và “em” hò hẹn, để rồi “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Câu thơ lấy ý từ bài ca dao: “Khăn thương nhớ ai - Khăn rơi xuống đất - Khăn thương nhớ ai - Khăn vắt trên vai”. Với họ, đất nước chính là nơi bắt đầu của tình yêu đôi lứa, là không gian để họ gửi vào trong đó bao nỗi nhớ, niềm thương.
Đất nước còn là không gian rộng lớn, kì vĩ của núi rộng, sông dài. Hình ảnh “con chim phượng hoàng” - “con cá ngư ông” là những hình ảnh mượn từ dân ca Huế. Đất nước bình dị, quen thuộc nhưng đôi lúc cũng rộng lớn, kì vĩ và tráng lệ vô cùng, nhất là đối với những người đi xa.
Đất nước còn gắn liền với “không gian mênh mông” và “thời gian đằng đẵng”, là nơi sinh tồn của bao thế hệ nối tiếp nhau. Từ láy “đằng đẵng” gợi một chuỗi thời gian dài. Dù là bất kì lúc nào, đất nước cũng là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, nơi họ gắn bó, đoàn tụ.
Tiếp tục mạch suy tưởng, tác giả tiếp tục cảm nhận về đất nước với một huyền thoại đẹp của dân tộc:
                                  Đất là nơi chim về
                                  Nước là nơi rồng ở
                                  Lạc Long Quân và Âu Cơ
                                  Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Bốn câu thơ mở ra một cội nguồn cao quý của dân tộc, mỗi chúng ta đều mang trong mình một dòng máu, là sự kết tinh vĩ đại của cha rồng và mẹ tiên. Câu thơ gợi nhắc truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”.
 Hình ảnh bọc trứng với hai chữ “đồng bào” vang lên sao mà thiết tha, xúc động. Như một lời nhắn nhủ sâu sắc: mỗi chúng ta, dù ở đâu trên khắp mọi miền đất nước, trong 54 dân tộc, thì cũng là anh em ruột thịt, cùng nở ra từ bọc trăm trứng, phải luôn yêu thương, gắn bó, san sẻ cùng nhau, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.
                                  Hằng năm ăn đâu làm đâu
                                  Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Từ nhỏ, mỗi ai trong chúng ta cũng từng được dạy:
                                  “Dù ai đi ngược về xuôi
                                  Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Đoạn thơ gợi nhớ một phong tục đáng quý của nhân dân: Hằng năm, dù bôn ba ở tận chốn nào, người dân Việt Nam cũng hướng về đất Tổ, để nhớ về nguồn cội, về dòng giống Rồng Tiên của mình. Hình ảnh “cúi đầu” không chỉ là cử chỉ, mà còn là thái độ thành kính, tình cảm thiêng liêng của các thế hệ con cháu đối với tiền nhân: những người có công dựng nước và mở nước.
Dùng một thần thoại tiêu biểu và một truyền thống lâu đời, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi được hồn thiêng sông núi của Tổ quốc một cách trang trọng, thiêng liêng.
Nhắc đến quá khứ, để khẳng định, và cũng để nhắc nhở:
                                  Những ai đã khuất
                                  Những ai bây giờ
                                  Yêu nhau và sinh con đẻ cái
                                  Gánh vác phần người đi trước để lại
                                  Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Quá khứ, hiện tại, tương lai đã gắn kết trong một ý thức cộng đồng bền chặt, là nguồn sức mạnh và cũng là phẩm chất tâm hồn dân tộc đã. Thời gian lịch sử, không gian văn hoá hoà quyện. Đất nước giờ đây là sự nối tiếp của các thế hệ, gắn liền với sự kế thừa, biết ơn đến sự hi sinh của “những ai đã khuất”, với trách nhiệm của những người ở lại, tiếp tục “gánh vác phần người đi trước để lại”, cũng là gắn liền với sự răn dạy đối với thế hệ mai sau.
Bình luận:
Trong thơ xưa, để nói về đất nước, Lý Thường Kiệt phải dùng đến “đế cư”, “thiên thư”. Đến “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu mượn “Một mối xa thư đồ sộ” và “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa” để trang trọng hóa đất nước . Và với quan niệm “Đất nước của Nhân Dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra một cội nguồn bình dị của đất nước, thân thuộc mà thiêng liêng.

KẾT LUẬN: Những vần thơ rất đẹp trong Đất nước đã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục toả sáng, giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc. Trong thời đại mới, những giá trị của ngày hôm qua góp phần khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, tình cảm cho mỗi con người trong khát vọng đưa Đất nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X