Bản hùng ca sống mãi!

Cập nhật: 29-08-2014 | 12:06:58

Bia lưu niệm sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945 là nơi ghi dấu ngày hơn 5 vạn quần chúng nhân dân trong tỉnh rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Tại đây, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”...

Lời kể từ lịch sử

Đã 69 năm trôi qua kể từ ngày hơn 5 vạn quần chúng nhân dân tiến lên giành chính quyền, đánh dấu sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương, thời khắc lịch sử ngày 25-8-1945 vẫn là một bản hùng ca sống mãi. Như một thói quen, trong những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm đến “địa chỉ đỏ” - ông Nguyễn Hậu Tài, một trong những nhân chứng lịch sử còn lại của ngày 25-8 hào hùng. Nhà ông nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, TP.TDM. Ngôi nhà vẫn không khác xưa là mấy nhưng chủ nhà đã khác xưa nhiều. Ông Tài tuy vẫn minh mẫn nhưng không còn khỏe mạnh, tay đã chậm, mắt đã mờ và tai nghe lễnh đãng… Cũng phải, bởi ông đã sắp tròn 100 tuổi.

Bia lưu niệm sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945 

Vậy nhưng gặp chúng tôi, ông mừng lắm. Chúng tôi cũng chỉ muốn nhân dịp này đến thăm chứ không dám hỏi chuyện bởi ký ức xưa dội về dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người già. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, ông bảo: “Lâu lâu, tụi con nhớ xuống thăm ông. Ông nhớ gì sẽ nói nấy…”. Nói đoạn, ông bắt đầu kể về sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945, được xem là ngày hội đổi đời của người dân Thủ Dầu Một.

Rạng sáng ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của hơn 5 vạn quần chúng nhân dân (khoảng 2 vạn của thị xã và 3 vạn của các huyện) kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Rừng cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng thanh niên tiền phong lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng bay dọc theo 2 phố chợ, mọi người hô vang khẩu hiệu: Chính quyền về tay Việt Minh, Việt Nam độc lập muôn năm, đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm… Hơn 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng bán vũ trang họp thành sức mạnh tổng hợp của cuộc tổng khởi nghĩa. Tại cuộc mít- tinh, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”... Đáp lại là cả rừng cờ đỏ sao vàng phất phới sóng trào cùng tiếng hô như sấm dậy của nhân dân: “Việt Nam độc lập muôn năm”... Sau cuộc mít- tinh, 5 vạn đồng bào cả tỉnh diễu hành trên khắp đường phố, hô vang khẩu hiệu cách mạng, phân công chiếm công sở, cơ quan còn lại, bắt tay sai phản động. Đến chiều cùng ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ Dầu Một kết thúc thắng lợi cùng với Sài Gòn và một số tỉnh khác.

Ông Nguyễn Hậu Tài xúc động: “Bao năm lầm than, khổ đau nên sau khi nghe đọc diễn văn thì không có niềm vui sướng nào bằng. Càng vui sướng hơn khi hàng vạn đồng bào, có cả người Kinh, Hoa kiều, dân tộc ít người… cùng chung một tấm lòng, một niềm vui mừng ngày đất nước độc lập…”.

Chuẩn bị lực lượng, nắm bắt thời cơ

Để có được thắng lợi hoàn toàn trong ngày giành chính quyền khi ấy là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, đón và nắm bắt thời cơ. Theo tài liệu lịch sử, khoảng tháng 5-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các cơ sở khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Từ đó đến tháng 8-1945 là bước phát triển nhảy vọt của phong trào quần chúng ở Thủ Dầu Một với Hội Cứu quốc, công nhân, nông dân và các đội tự vệ được thành lập. Hầu hết nhân dân lao động đều tham gia trong đoàn thể quần chúng. Còn cán bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh thì sôi nổi diễn thuyết về chủ trương của Đảng, của Việt Minh…

Ông Nguyễn Hậu Tài (phải),một nhân chứng lịch sử ngày 25-8-1945 trong ngày tổ chức giỗ Bác Hồ năm 2013.  Ảnh: CÔNG LUẬN

Ở Thủ Dầu Một, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong tháng 7 và đầu tháng 8. Đội tự vệ ra đời ở Lò Chén Phú Cường và Đội Thanh niên tiền phong Chánh Hiệp, Phú Hòa là những đơn vị hoạt động rất mạnh, có đến vài trăm người, được trang bị hơn 10 khẩu súng lấy được của Nhật. Song song đó, công tác binh vận được xúc tiến trong đội cảnh sát, đại đội cộng hòa vệ binh nên nhiều binh sĩ, hạ sĩ quan đã sẵn sàng quay đầu ủng hộ. Hầu hết công chức ở quận và tỉnh đều ngả về phía Việt Minh. Một số người ở tầng lớp trên cũng tìm cách liên lạc với cách mạng. Thanh niên tiền phong ở nội ô thị xã (đây là một tổ chức quần chúng hợp pháp, công khai hoạt động do Đảng ta lãnh đạo nhằm tập hợp thanh niên các tầng lớp tham gia sinh hoạt, giáo dục tinh thần yêu nước trong đông đảo thanh niên) tổ chức sinh hoạt văn hóa, dự mít- tinh chính trị, tập luyện võ thuật, diễu hành… Họ còn phân công đội viên canh giữ đường phố, dán truyền đơn… Đội tự vệ, Thanh niên tiền phong chính là những lực lượng nòng cốt để tiến tới giành chính quyền.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tình thế cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một đã chín muồi. Ngày 17 và 18-8-1945, Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa. Đêm 23-8, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một họp mở rộng tại chợ Bưng Cầu kiểm điểm lại lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm trưởng ban, quyết định dời trụ sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén (Phú Cường) để chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ. Trên thực tế, trong những ngày 23, 24-8, lực lượng cách mạng đã làm chủ tình hình. Khí thế cách mạng như triều dâng, thác đổ.

Chiều ngày 24-8, một tổ tự vệ đến cắm cờ trên dinh Chánh Tham biện. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đến Nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh đi về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa cướp chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho giờ hành động đã định vào ngày hôm sau. Và ngày 25-8, ngày hội đổi đời đã đến, người dân đồng loạt tiến lên giành chính quyền một cách nhanh chóng, đưa Cách mạng Tháng Tám của tỉnh Thủ Dầu Một thắng lợi, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, đưa chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên