Bản lĩnh Tư Tâm- Bài 2

Cập nhật: 13-04-2015 | 08:33:08

Bài 2: Trở thành người chỉ huy tài ba

Khi nói về những khó khăn, gian khổ trong suốt thời gian tham gia kháng chiến của mình, ông Tư Tâm vẫn kể cho chúng tôi nghe bằng một giọng nói rất nhẹ nhàng như thể đó là một điều tất yếu. Nhưng khi nói về diễn biến của những trận đánh công đồn, tập kích, giọng nói của ông lại trở nên dứt khoát, mạnh mẽ, khiến chúng tôi như thấy hình ảnh người chỉ huy xuất sắc năm nào đầy uy nghiêm nhưng cũng rất gần gũi hiện về.

Ông Nguyễn Hữu Tâm (thứ 2 từ trái qua) kể lại những trận đánh mà ông làm chỉ huy trong gần 40 năm công tác trong quân ngũ

Qua từng câu chuyện, chúng tôi được biết, để có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong chiến đấu, ông đã phải rèn luyện cho mình một nghị lực lớn lao, niềm khát khao chiến đấu vì hòa bình tự do của dân tộc. Tháng 11-1972 từ xưởng quân giới, ông được Huyện đội Bến Cát điều ra làm Đại đội trưởng, Chính trị viên C61 thuộc Huyện đội Bến Cát. Từ cán bộ cơ quan ra làm nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo một đơn vị quân đội đánh giặc, lúc đầu ông còn gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn nhất định. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ông Tư Tâm không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện để cùng đồng đội tạo nên những chiến thắng quan trọng. Là chỉ huy trưởng, để giành chiến thắng, tiêu diệt địch hiệu quả, giảm thiểu thương vong cho lực lượng ta, ông Tư Tâm đã phải luôn suy nghĩ cách đánh sáng tạo trong mỗi trận để có cách đánh hay, hiệu quả.

Từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1975, ông đã lãnh đạo chỉ huy C61 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Chỉ trong 2 năm 1972 và 1974, ông đã trực tiếp tổ chức đánh địch trên 200 trận, từ chống càn, công đồn, tập kích, phục kích, đột phá ấp chiến lược, cải trang diệt ác, phá kìm…, tiêu diệt hơn 600 tên địch, đánh chìm 1 chiếc tàu, phá hỏng hơn 100 xe tăng, xe ủi, thu trên 300 khẩu súng các loại; có hơn 10 trận đánh tiêu diệt gọn cấp trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận tập kích vào 1 trung đội Trinh sát Sư 5 ở Bến Tượng, Lai Hưng vào ngày 22-6-1973 là trận đánh mà ông luôn khắc ghi trong lòng từng chi tiết. Bấy giờ, địch đang mở đường chia cắt lực lượng của ta nhằm tiến hành lấn chiếm. Lúc này, ông là Chính trị viên Đại đội 61, chỉ huy trưởng trận đánh. Lực lượng ta khi đó chỉ có 18 đồng chí lại rất khó khăn về vũ khí, khí tài. Qua công tác trinh sát, nắm rõ địa hình, ông quyết định dùng bộc phá để tiêu diệt đồn địch. Ứng dụng nghề “sở trường” là bào chế mìn, ông chỉ đạo chế tạo mìn, đục quả đạn lấy thuốc, tận dụng các hộp cá mòi, hộp sữa để làm đạn pháo. Không những trực tiếp chế tạo, sau khi phân công từng bộ phận, ông còn trực tiếp bò vào trận địa, cách địch chỉ khoảng 5m để đặt mìn. Chính nhờ sự can đảm, sáng tạo của ông, từ những tiếng mìn nổ đầu tiên, địch đã bị bất ngờ, hoảng loạn, không kịp trở tay. Ta tập trung hỏa lực tiêu diệt cả một trung đội địch chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút. Lực lượng ta được bảo toàn đồng thời thu được 37 súng.

Chỉ trong 2 năm 1972 và 1974, ông đã trực tiếp tổ chức đánh địch trên 200 trận, từ chống càn, công đồn, tập kích, phục kích, đột phá ấp chiến lược, cải trang diệt ác, phá kìm…, tiêu diệt hơn 600 tên địch, đánh chìm 1 chiếc tàu, phá hỏng hơn 100 xe tăng, xe ủi, thu trên 300 khẩu súng các loại; có hơn 10 trận đánh tiêu diệt gọn cấp trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí

 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, ông đóng vai trò dẫn đường cho các đơn vị quân đội chủ lực chặn đánh các cánh quân của địch, đánh địch tại các đồn bốt như Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Tân Định, Thới Hòa, Mỹ Phước để giải phóng hoàn toàn Bến Cát. Ông nói: “Đó chính là những tháng ngày mà tôi sẽ luôn ghi nhớ. Bản thân tôi cùng với 1 trung đội của C61 và 5 xã đội trưởng được một trung đoàn của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 xác nhận là hoàn thành tốt nhiệm vụ, kết thúc chiến tranh giải phóng quê hương Bến Cát, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục được cử làm Đại đội trưởng C61 tham gia thêm 100 trận đánh thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Sau gần 40 năm công tác trong quân đội, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, năm 2003 ông chính thức nghỉ hưu. Ông hóm hỉnh nói: “40 năm trong quân đội, ngoài nhiều huân, huy, chương, bằng khen được Nhà nước trao tặng thì “bộ sưu tập” đắt giá nhất của tôi và luôn luôn bên tôi là những dấu vết của 9 lần bị thương. Qua 9 lần này, tôi đã nếm thử các loại vũ khí của địch từ máy bay, tàu chiến, xe tăng đến bộ binh”. Tuy nghỉ hưu, mang thương tật 64% với hạng thương binh 2/4 nhưng ông vẫn tích cực tham gia vào các tổ chức đoàn thể tại địa phương như Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc… Hiện ông đang là Trưởng ban liên lạc lực lượng vũ trang TX.Bến Cát với nhiệm vụ phối hợp cùng địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho các cựu chiến binh.

Chia tay ra về, siết chặt bàn tay ông chúng tôi có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ trong người chiến sĩ cách mạng này. Nhưng hơn hết, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc tình yêu quê hương đất nước, khát khao xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển trong tâm hồn của một người cựu chiến binh đầy quả cảm này.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, ông Tư Tâm đóng vai trò dẫn đường cho các đơn vị quân đội chủ lực chặn đánh các cánh quân của địch, đánh địch tại các đồn bốt như Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Tân Định, Thới Hòa, Mỹ Phước để giải phóng hoàn toàn Bến Cát. Ông nói: “Đó chính là những tháng ngày mà tôi sẽ luôn ghi nhớ. Bản thân tôi cùng với 1 trung đội của C61 và 5 xã đội trưởng được một trung đoàn của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 xác nhận là hoàn thành tốt nhiệm vụ, kết thúc chiến tranh giải phóng quê hương Bến Cát, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên