Bàn về việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm

Cập nhật: 04-07-2019 | 09:49:44

Quốc hội đang thảo luận về việc điều chỉnh, bổ sung Bộ luật Lao động, trong đó có vấn đề tăng giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Làm thêm nhiều giờ là nhu cầu của cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, tuy nhiên nếu tăng ca liên tục, NLĐ sẽ không có thời gian tái tạo sức lao động. Do đó cần mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ giữa người sử dụng lao động và NLĐ.


Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam cho NLĐ tăng ca theo thỏa thuận giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp

Nhu cầu từ cả 2 phía

Trong suốt thời gian Quốc hội họp lấy ý kiến điều chỉnh, bổ sung Bộ luật Lao động về vấn đề tăng giờ làm thêm đi đến các doanh nghiệp (DN), khu trọ đông công nhân, chúng tôi đều nghe những ý kiến về vấn đề này. Đa số đều muốn được tăng ca để có thêm thu nhập, bởi tiền lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH Phú Xuân (TP.Thủ Dầu Một) đã làm việc tại Công ty Phú Xuân được 5 năm. Nếu tính lương, thâm niên không tăng ca, mỗi tháng chị nhận được hơn 4,5 triệu đồng. Các khoản chi phí phòng trọ, ăn uống, tiền gửi về nhờ ông bà nội chăm con đã hết mất tiền lương của chị. Không còn cách nào khác chị đành đăng ký tăng ca liên tục để có thêm tiền lo cho cuộc sống. Cả lương và tăng ca 2 - 3 giờ/ngày, tiền lương của chị hơn 8 triệu đồng/tháng.

Đối với các DN, việc tăng giờ làm, đặc biệt là ở những ngành dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử... sẽ giúp bảo đảm tiến độ công việc. Do đó, hiện nay, nhiều DN vẫn cho NLĐ tăng ca khi có đơn hàng nhiều và gấp. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động, họ sẽ thỏa thuận với NLĐ và tạo điều kiện cho NLĐ đăng ký làm thêm đầu tháng, hoặc đầu tuần để sắp xếp nhân sự. Theo bà Phạm Thị Duyên, Trưởng phòng cấp cao sản xuất Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, nhu cầu làm thêm giờ xuất phát từ cả hai phía chủ DN và NLĐ. DN không ép NLĐ tăng ca mà do NLĐ chủ động đăng ký. Những khi có đơn hàng gấp cho NLĐ tăng ca là giải pháp “cứu cánh” để hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ.

Thỏa thuận để tránh xảy ra mâu thuẫn

Mặc dù có nhiều ý kiến đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm cho NLĐ, tuy nhiên, cũng có không ít công nhân còn băn khoăn, lo ngại, bởi nếu luật cho phép tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm sẽ khiến DN “có cớ” ép công nhân làm thêm giờ nhiều hơn mà không lo ngại bị cơ quan chức năng xử phạt. Bên cạnh đó, vấn đề thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cũng là điều được nhiều công nhân quan tâm. Đối với những người làm công tác quản lý, chăm lo đời sống NLĐ cho rằng, tăng giờ làm thêm liệu sức khỏe của NLĐ có bảo đảm; quyền tự quyết của NLĐ nếu như họ không có nhu cầu mà bị chủ DN ép buộc do đã có quy định tăng giờ làm thêm thì mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa NLĐ và DN rất dễ xảy ra.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty Bowker Việt Nam (TX.Thuận An), DN không nhất thiết đề nghị NLĐ tăng ca mà nên tạo điều kiện để họ làm theo dây chuyền, giao khoán sản phẩm. Nếu như NLĐ hoàn thành đơn hàng trong khoản thời gian ngắn sẽ không phải tăng ca mà vẫn nhận được lương, thưởng cao. Có như vậy, NLĐ sẽ năng động hơn trong công việc; đồng thời họ có mức lương cao, thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói, tăng giờ làm thêm, tăng thu nhập là tất yếu. Tuy nhiên, làm thêm giờ không nên là quy định bắt buộc, điều này cần được thể hiện trong hợp đồng lao động cũng như các thỏa thuận lao động giữa NLĐ và chủ DN, đặc biệt phải có cách tính giờ làm thêm theo thu nhập lũy tiến. Nếu NLĐ càng tăng ca nhiều thì tiền lương của họ càng được nâng cao chứ không áp dụng chung một mức tiền lương chung. Luật cũng nên xây dựng mức lương đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho NLĐ để họ không còn nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết việc làm thêm giờ quá nhiều sẽ gây ra hệ lụy lớn vì NLĐ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, không có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, giao lưu và học tập. Nhưng nếu không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong khi nhu cầu làm thêm có thực từ hai phía thì DN vẫn tổ chức làm thêm và thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về NLĐ. Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa theo phương án của Chính phủ trình tại Điều 108 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần được đặt trong mối tương quan giữa thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phải hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước để bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên