Báo chí Cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước- Bài cuối 

Cập nhật: 19-06-2015 | 08:35:10

Bài cuối: Báo chí đa phương tiện - sự lựa chọn tất yếu

Thời đại công nghệ số phát triển bùng nổ đã tác động một cách m ạnh mẽ đến nền báo chí trên toàn thế giới cũng như báo chí Việt Nam. Thuật ngữ truyền thông đa phương tiện, tòa soạn hội tụ đã không còn xa lạ như những năm trước đây , nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức vận hành cho mô hình này lại đang là một vấn đề thách thức các cơ quan báo chí, nhất là các báo Đảng địa phương. Tuy còn gặp nhiều khó khăn tr ong quá trình triển khai mô hình nhưng có thể thấy rõ báo chí đ a phương tiện là một sự lựa chọn tất yếu.

 

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tại hội thảo “Báo Đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện”, do Báo Bình Dương đăng cai tổ chức

 

Thay đổi là tất yếu

Không nằm ngoài dòng chảy của báo chí thế giới, ở nước ta các cơ quan báo chí đang từng bước có những thay đổi lớn trong cách làm báo truyền thống của mình. Báo in, báo hình, báo nói trước đây chỉ chuyên biệt một loại hình nhưng nay đã có sự tích hợp thêm nhiều loại hình để đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong kỷ nguyên công nghệ số. Chẳng hạn như VOV, VTV trước đây chỉ phát sóng nhưng nay đã có thêm truyền hình chạy trên nền internet hay như một số tờ báo lớn khác cũng đã sử dụng nền tảng internet làm chủ đạo để chuyển hướng sang truyền thông đa phương tiện.

Tại hội thảo “Báo Đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện” do Báo Bình Dương tổ chức với sự có mặt của 7 đơn vị báo chí trong khu vực miền Đông Nam bộ mới đây cho thấy, tất cả các cơ quan báo chí đều dẫn chứng lý thuyết về xu hướng tất yếu của việc phát triển truyền thông đa phương tiện trên thế giới nói chung và báo Đảng địa phương cũng không thể nằm ngoài “quỹ đạo” đó. Tuy nhiên, để hiện thực hóa loại hình truyền thông này thành công mỹ mãn thì lại chưa có đơn vị nào làm được. Riêng Báo Bình Dương là cơ quan báo Đảng địa phương đưa vào thực hiện mô hình truyền thông đa phương tiện sớm nhất trong khu vực, chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ nhưng đó cũng chỉ mới là những bước đi đầu tiên. Trong khi các báo Đảng địa phương vẫn còn “mò mẫm” từng bước đi thì truyền thông thế giới lại thay đổi rất nhanh.

Báo Bình Dương bước đầu thực hiện truyền thông đa phương tiện

Từ chỗ chỉ có duy nhất tờ báo giấy, hiện nay Báo Bình Dương đã có thêm báo điện tử với 3 phiên bản tiếng Việt, Anh, Hoa và trên nền tảng đó chuyển tải tất cả thông tin thông qua các dạng khác nhau như văn tự, ảnh tĩnh, ảnh động, âm thanh infographic (đồ họa thông tin)… Từ tháng 10- 2014, Báo Bình Dương đã tổ chức tòa soạn theo mô hình hội tụ. Với mô hình này, thông tin sẽ được tòa soạn chủ động phân phối theo các phương tiện khác nhau để công chúng tiếp cận nhanh nhất, chất lượng nhất, đầy đủ nhất. Do đó, không gian nơi làm việc của tòa soạn cũng được thay đổi nhằm tăng hiệu quả công việc trong quá trình trao đổi, xử lý thông tin. Việc quản lý tập trung sẽ bảo đảm được những thông tin nhất quán để đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau.

 

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus mới đây nhận xét: “Hiện nay, nói đến báo chí phải là báo chí đa nền tảng. Tức là người dùng có thể đọc báo mọi lúc, mọi nơi và không nhất thiết phải vào trang của bạn để đọc mà đọc trên nền tảng hoặc ứng dụng thứ 3 như News Feed của Facebook chẳng hạn. Báo chí luôn gắn với xu hướng công nghệ và nếu am tường về xu thế công nghệ, áp dụng tối đa những tính năng, phần mềm của công nghệ mới thì các tòa báo hiện đại (không chỉ là hội tụ, không chỉ là điện tử) mới có thể bắt kịp được”.

Một dẫn chứng khác, đầu năm 2015, ông Dean Baquet, Tổng Biên tập tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, The New York Times, đã gửi cho các nhân viên của mình một bức thư ngỏ bình luận khó khăn của ngành báo chí ngày nay, khi phải thích ứng với cách truyền thông mới. Bức thư dành cho nhân viên có nội dung với ý nghĩa tìm hướng cho tương lai của tờ báo đã cho thấy những chuyển biến rất nhanh của báo chí hiện đại. Tờ báo này cũng đã mạnh dạn cắt giảm hơn 100 nhân sự, trong đó có rất nhiều nhà báo giỏi và biên tập viên xuất sắc. Thay vào đó, họ tuyển mới và những người mới tuyển là những người trẻ, năng động hơn, dám thử những sáng kiến mới hơn, đặc biệt về multimedia (đa phương tiện).

Chỉ ra xu hướng báo chí trong thời gian tới, nhà báo Khắc Văn, Báo Sài Gòn Giải phóng nhận định: “Báo nói vẫn phát triển, truyền hình đi ngang, báo giấy đi xuống, báo online và mobile phát triển mạnh. Việc đưa tin tới công chúng không còn là độc quyền của báo chí. Mạng xã hội, các cổng thông tin, website bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng cập nhật thông tin nhanh hơn. Trên nhiều website, mạng xã hội còn có những bài nhận định, bình luận sắc sảo, thu hút bạn đọc”.

Con người là nhân tố hàng đầu

Trở lại với báo Đảng địa phương, những khó khăn, thách thức khi bước vào cuộc “cách mạng” báo chí bắt đầu từ con người đến cơ sở hạ tầng… Đến với hội thảo “Báo Đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện”, tham luận của lãnh đạo Báo Bình Phước cho biết, điểm yếu nhất khi bước vào mô hình đa phương tiện của cơ quan này là vấn đề nhân lực và đầu tư trang thiết bị. Hiện kỹ năng và trình độ tác nghiệp của phóng viên chưa tương xứng với quá trình áp dụng mô hình truyền thông đa phương tiện, chưa sử dụng thành thạo các công nghệ hỗ trợ. Còn với Báo Đồng Nai, khó khăn vẫn lặp lại đầu tiên ở khâu nhân sự mặc dù trong những năm qua báo này luôn quan tâm, khuyến khích các cán bộ, phóng viên học tập làm báo đa phương tiện. Tuy vậy, báo vẫn chưa phát huy được thế mạnh, việc thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện còn ít, một số kỹ năng còn yếu như đồ họa… Bên cạnh đó, Báo Đồng Nai cũng còn gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để thực hiện mô hình truyền thông hiện đại. Báo Tây Ninh - một trong những tờ báo ra đời sớm nhất ở miền Đông Nam bộ hiện cũng chưa thể xây dựng theo hướng truyền thông đa phương tiện. Nguyên nhân được đại diện cơ quan này cho biết là cơ sở vật chất còn hạn chế, hệ thống hạ tầng mạng không đồng bộ, trong những năm trước chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế thừa trẻ, am hiểu công nghệ…

Nhìn chung, hệ thống báo Đảng địa phương trên cả nước khá chậm trong đổi mới chiến lược để bắt kịp với xu thế báo chí hiện đại. Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu ở nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về xu thế mới; còn nặng về tư duy bao cấp; ngại đổi mới, không muốn xáo trộn; chưa đủ tự tin… Chia sẻ ý kiến tại hội thảo nói trên, nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Một nguyên nhân quan trọng hàng đầu trong việc chuyển đổi mô hình báo chí truyền thống sang truyền thông đa phương tiện là phải có sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các địa phương. Có như vậy, các báo Đảng địa phương mới mạnh dạn và nhanh chóng chuyển mình được”.

Một thách thức liên quan đến tư duy của đội ngũ làm báo đối với việc hướng tới truyền thông đa phương tiện, xây dựng tòa soạn hội tụ cũng là bước cản. Thực tế cho thấy, hội tụ đôi khi chỉ ở mặt hình thức, không gian nhưng tư duy còn khoảng cách, gọi một cách nôm na là “hội tụ chỗ ngồi mà chưa hội tụ cái đầu”. Nói về quản lý sự thay đổi trong làm báo hiện đại, nhà báo Khắc Văn nhấn mạnh cụm từ: “Cần dũng cảm và quyết liệt”!

Vùng đất miền Đông Nam bộ là một khu vực năng động nhất cả nước trong nhiều lĩnh vực. Thực tế này càng đòi hỏi sự đổi mới mạnh hơn, nhanh hơn của hệ thống báo Đảng trong khu vực, qua đó phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, chung tay góp sức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Không tiến lên đổi mới sẽ đồng nghĩa với tụt hậu!

TRUNG ĐỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên