Báo chí phải có tính nhân văn

Cập nhật: 21-04-2015 | 17:20:01

(BDO) Đó là phát biểu của nhà báo Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương tại Hội thảo “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” do Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương vừa tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4), hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)…

 

Nhà báo Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Dương chia sẻ tại hội thảo

Báo chí phải tôn trọng sự thật

Với chủ đề “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm”, hội thảo đã mổ xẻ, bàn luận nhiều vấn đề nóng hổi của báo chí trong thời đại ngày nay. Một trong những nội dung thú vị được nhiều nhà báo bàn thảo chính là “sự thật trong báo chí”. Người cầm bút phải làm thế nào để thể hiện đúng sự thật?

Cho rằng trong báo chí, các yếu tố “sự thật” – “bản lĩnh” và “trách nhiệm” có sự khác nhau, nhà báo Lý Xuân Trí, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương đã chia sẻ những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp. Đã có lúc anh phải trăn trở tìm cách thể hiện một tác phẩm báo chí, làm sao vừa tôn trọng sự thật thu thập được từ nhân dân nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương. Nhà báo Tân Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương cũng đã bày tỏ băn khoăn trước việc một số tờ báo đăng tin sai sự thật, một số nhà báo hiện nay vẫn còn dễ dãi trong việc khai thác nguồn tin.

Ở góc độ này, nhà báo lão thành Nguyễn Xuân Vinh cho rằng “Việc tôn trọng sự thật là cần thiết trong báo chí. Tuy nhiên, phải xác định rằng mọi sự thật đều có giới hạn. Chân lý ở nước này nhưng không phải chân lý ở nước khác”. Từ đó, đồng chí nhắc nhở thế hệ nhà báo trẻ, muốn viết gì cũng phải tìm hiểu đối tượng là ai, phải tìm ra phương thức thể hiện phù hợp để truyền tải có hiệu quả đến đối tượng mà mình hướng tới. Chẳng hạn, với đối tượng là công nhân thì chủ đề và văn phong thể hiện phải như thế nào cho phù hợp. Khi đưa thông tin lên báo chí, người viết phải cân nhắc đến cả tính hiệu quả cũng như sự tác động của thông tin đối với công chúng.

Báo chí phải có tính nhân văn

Đối với bất kỳ ngành nghề nào, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng phải được đặt lên hàng đầu, bởi đây chính là thước đo giá trị của việc hành nghề chân chính. Nhìn lại quá trình phát triển, có thể khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của cuộc sống, từ đó đấu tranh loại bỏ những nhân tố xấu trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến giá trị chân – thiện – mỹ… Tuy nhiên, những năm gần đây do xu hướng phát triển ồ ạt của các mạng xã hội, báo điện tử… đã và đang xuất hiện cách làm báo rất đáng lo ngại gây hoang mang trong dư luận.

Trước quan ngại của nhiều nhà báo xung quanh vấn đề một số tờ báo mạng hiện nay khai thác đời tư cá nhân hoặc đưa những thông tin sai lệch để giật gân, câu khách mà không lường đến hậu quả, nhà báo Nguyễn Xuân Vinh cho rằng: “Đội ngũ nhà báo trong quá trình tác nghiệp ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Ngòi bút của người viết phải có tính nhân văn. Khi viết báo phải suy nghĩ đến hiệu quả, đến cái “hậu” về sau, nhà báo không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí”.

Nói về cách đưa tin nhằm đảm bảo tính nhân văn của báo chí, nhà báo Huỳnh Minh Dân, Báo Bình Dương cho biết: “Trong thời gian qua, Báo Bình Dương chủ trương hạn chế tối đa việc đưa tin về các mảng tình, tiền, tù, tội hoặc đưa hình ảnh những đối tượng phạm pháp để minh họa cho bài viết thì tòa soạn đã chủ động che mặt hay viết tắt tên họ để họ sau khi mãn hạn tù làm lại cuộc đời. Đây là những việc làm rất nhỏ nhưng thể hiện tính nhân, thể hiện đạo đức của người làm báo trong từng tác phẩm. Ngoài ra, Báo Bình Dương còn tăng cường những bài viết giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, những gương người tốt việc tốt, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật… nhằm nhân rộng những điển hình này đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, đạo đức của những người làm báo chân chính”.

Báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Do đó, trước nguy cơ báo chí đang đánh mất công chúng vì chạy theo lợi nhuận với những thông tin sai lệch, giật gân, vô cảm thì công tác quản lý báo chí cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, đội ngũ làm báo cũng cần nâng trình độ chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức.

Nhấn mạnh điều này, ông Bùi Hữu Toàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương cho rằng: “Người làm báo phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị. Có như vậy mới có được tinh thần  “truyền thống” – “bản lĩnh” và “trách nhiệm” trong công tác báo chí”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên