Bảo đảm an toàn PCCC tại nơi tập trung đông người

Cập nhật: 23-01-2017 | 09:11:40

Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tăng, khiến cho các siêu thị, trung tâm thương mại... trở nên quá tải dẫn đến mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Bên cạnh việc kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC, Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng cháy và sẵn sàng chữa cháy có hiệu quả.

 Mối lo từ chợ truyền thống

Thống kê của Cục Cảnh sát PC&CC và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 129 vụ cháy chợ và trung tâm thương mại, làm chết và bị thương 12 người, thiệt hại trực tiếp về tài sản ước tính khoảng 892 tỷ đồng. Trong đó có 18 vụ cháy lớn, gây thiệt hại trực tiếp về vật chất lên tới gần 773 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện có 59 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thuộc diện quản lý về PCCC. Kết quả kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh cho thấy; các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã mở hồ sơ quản lý công tác PCCC, ban hành nội quy, quy định PCCC. Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, việc chấp hành quy định của Nhànước trong công tác PCCC được thực hiện ngay từkhi thiết kếvàxây dựng công trình, hệthống PCCC được thiết kếlắp đặt đồng bộ. Trong khi đó, các chợ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu nên chưa có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC; cơ sở vật chất tại các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC chưa đầy đủ, không đáp ứng được các yêu cầu khi có cháy, nổ xảy ra.

Cảnh sát PC&CC kiểm tra an toàn PCCC tại nơi vui chơi giải trí
tập trung đông người trên địa bàn TX.Dĩ An

Một thực trạng đáng báo động trong công tác PCCC là phần lớn các hộkinh doanh buôn bán trong chợmặc dù đã được tuyên truyền phổbiến nội quy, quy định vềPCCC nhưng vẫn còn coi nhẹ công tác PCCC, vi phạm các nội quy, quy định vềPCCC. Qua kiểm tra thực tế tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết đều trong tình trạng quátải nên các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, thay đổi công năng sử dụng công trình, tàng trữ các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Cùng với đó, các chợ dự trữ khối lượng hàng hóa lớn, dẫn tới việc tiểu thương sắp xếp bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi vàđường, cửa, hành lang thoát nạn. Tại nhiều chợ, các hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nylon và chất dễ cháy khác làm cản trở lối thoát nạn và giao thông phục vụ xe chữa cháy, đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tiểu thương duy trì thói quen thắp hương hàng ngày, đốt vàng mã ngay tại nơi buôn bán, sử dụng ngọn lửa trần trong khuôn viên chợ, không bảo đảm an toàn về PCCC.

Theo thống kê của Cảnh sát PC&CC tỉnh, hơn 70% các vụ cháy hàng năm trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân là do chập điện. Trong số 129 vụ cháy chợ và trung tâm thương mại xảy ra trong 5 năm qua có 65 vụ cháy là do chập điện. Qua kiểm tra thực tế tại các chợ trên địa bàn cho thấy, hệthống điện tại các chợ đã quátải, hệthống dây dẫn điện được sử dụng lâu năm đã xuống cấp. Tại các quầy hàng có hiện tượng câu móc điện trái phép, đấu nối thêm các thiết bị điện, hàng hóa sắp xếp không bảo đảm khoảng cách an toàn vềPCCC nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao.

Tại một số chợ, nguồn nước chữa cháy không bảo đảm đủ lượng nước dự trữ để chữa cháy, có chợ không có bể nước dự trữ chữa cháy. Trong chợ đã trang bị các loại bình chữa cháy xách tay nhưng chưa bảo đảm về số lượng cần thiết khi có sự cố cháy cháy, nổ xảy ra; nhiều bình đã hỏng và hết khí không sử dụng được.

Cần hoàn thiện các giải pháp an toàn

Theo chỉ đạo của tỉnh, dịp tết và lễ hội Rằm tháng Giêng, tại các chợ, trung tâm thương mai, khu vực tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh sẽ quá tải về người và hàng hóa. Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, khu vực tổ chức lễ hội cần quan tâm, lưu ý việc sử dụng điện, tránh quá tải dẫn đến chạm, chập phát sinh cháy; lưu ý việc sử dụng ngọn lửa trần trong thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã. Không được sắp xếp hàng hóa gần các thiết bị điện; cấm hút thuốc trong khu vực chợ. Các điểm giữ xe, bãi xe gần chợ, trong chợ phải bảo đảm an toàn về PCCC vì trong xe có nhiều xăng, có nguy cơ cháy cao do có nhiều người ra vào, gây mất an toàn về PCCC.

Thời gian qua, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của cơ quan chức năng cũng còn rất nhiều rào cản, khiến người dân không mấy mặn mà. Hiện vẫn còn nhiều chợ, trung tâm thương mại chưa tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130 của Chính phủ, hoặc đã mua tham gia bảo hiểm nhưng chưa đúng loại hình bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.

Có một thực tế là, lực lượng Cảnh sát PC&CC chỉ có chức năng quản lý nhà nước về PCCC, còn việc cấp phép kinh doanh, hoạt động cho các cơ sở lại thuộc về thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc chính quyền sở tại. Khi phát hiện ra những sai phạm, không bảo đảm an toàn về PCCC, Cảnh sát PC&CC chỉ được phép kiến nghị với các chủ cơ sở và chính quyền sở tại trong việc điều chỉnh, bổ sung những quy định về an toàn PCCC.

Bảo đảm an toàn về PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, ban quản lý chợ mà còn là của toàn dân nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước và của chính người dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, công ty, doanh nghiệp trực tiếp quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần tổ chức thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC đối với các hộ kinh doanh trong việc chấp hành các quy định PCCC. Các đơn vị ngành chức năng cần dành một phần kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên tuyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, mua sắm bổ sung phương tiện chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy.

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn, đặc biệt là kiểm tra đột xuất để phát hiện và khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót về PCCC, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện gây cháy, nổ. Đồng thời, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị củng cố lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng và trang bị phương tiện chữa cháy đầy đủ theo quy định, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn kịp thời, có hiệu quả.

 Đại tá Vũ Thanh Tâm, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy: Khi phát hiện cháy phải báo ngay Cảnh sát PC&CC 114

Cao điểm Tết Nguyên đán và lễ hội Rằm tháng Giêng tại các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nơi tổ chức lễ hội luôn tập trung đông người, hàng hóa dẫn đến mất an toàn về PCCC. Dù đã được trang bị kiến thức an toàn PCCC cùng với trang thiết bị tại chỗ nhưng những người được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC, người đứng đầu cơ sở phải thường xuyên nhắc nhở, thông báo cho mọi người lưu ý và chấp hành các quy định an toàn PCCC.

Cảnh sát PC&CC tỉnh đã bố trí lực lượng, phương tiện tại tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, hoặc cháy nổ hãy báo ngay cho Cảnh sát PC&CC, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc gọi trực tiếp cho Cảnh sát PC&CC qua số điện thoại quen thuộc 114.

 

TÔN THẤT SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên