Bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng phục vụ năm học mới

Cập nhật: 07-05-2016 | 08:27:13

Bảo đảm cân đối cung ứng đủ các loại sách giáo khoa (SGK), tập vở, dụng cụ học sinh; giảm giá bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập từ 10 - 15% so với giá thị trường; tổ chức hệ thống phân phối phủ rộng khắp địa bàn tỉnh... là mục tiêu của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường trong năm học mới 2016-2017.

 Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa tại một điểm bán hàng ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.HUỲNH

 Chuẩn bị đầy đủ mặt hàng

Mặc dù năm học 2015-2016 chưa kết thúc nhưng kế hoạch tham gia bình ổn thị trường SGK, tập, dụng cụ học sinh đã được 3 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn là Công ty Cổ phần Văn hóa và Thương mại Bình Dương, Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.Hồ Chí Minh (Fahasa) chuẩn bị chu đáo.

Năm 2015, 3 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường (từ tháng 4-2015 đến hết 30-11-2015) đã dự trữ và tổ chức bán hàng bình ổn tại 120 điểm đại lý, nhà sách và trường học trên địa bàn tỉnh với tổng doanh thu 59,3 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch.

Tại Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương, theo ghi nhận mới đây, lượng hàng đã được tập kết về kho. Bà Đỗ Thị Nữ, Phó Trưởng phòng Kinh doanh của công ty cho biết, từ đầu tháng 4 đơn vị đã có sự chuẩn bị về nguồn hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của học sinh trong tỉnh. Năm nay, lượng hàng hóa phục vụ năm học mới được công ty tăng lên 20% so với năm trước. Đến cuối tháng 4, công ty đã nhập về tổng cộng trên 1,8 triệu quyển SGK các cấp, hàng trăm ngàn tập học sinh các loại và hàng ngàn đơn vị dụng cụ học tập với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng (đạt xấp xỉ kế hoạch vay vốn ưu đãi của tỉnh). Các sản phẩm này đang được bán ra qua hệ thống các cửa hàng, đại lý trong cả tỉnh với giá thấp hơn giá thị trường 10% đối với SGK và 15% đối với tập vở. Như vậy đến thời điểm này, về cơ bản công ty đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng bình ổn cho thị trường.

Theo ông Hoàng Thế Vũ, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Văn hóa và Thương mại Bình Dương, sau khi lên kế hoạch tính toán các yếu tố tăng thêm, năm nay đơn vị dự trù tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng để dự trữ lượng hàng phục vụ năm học mới; trong đó riêng các mặt hàng bình ổn là SGK, tập, dụng cụ học sinh chiếm gần 15 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cũng tăng từ 7 điểm lên 15 điểm. Hiện tại, hàng hóa đã về đến kho, công ty đã chạy chương trình và sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của phụ huynh, học sinh trong những ngày tới đây.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến nay trên cơ sở báo cáo và nhu cầu sử dụng vốn của 3 doanh nghiệp nói trên, tỉnh đã thống nhất hỗ trợ vốn vay chương trình bình ổn cho 2 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi lãi suất 0% với số tiền là 23 tỷ đồng. Năm nay, các đơn vị đảm nhận việc tổ chức hệ thống phân phối tại 124 điểm bán, tăng 4 điểm bán so với niên học 2015- 2016; trong đó mở rộng điểm bán về vùng xa. Như vậy, lượng hàng tham gia bình ổn phục vụ mùa khai giảng năm học 2016- 2017 cơ bản phục vụ tốt cho học sinh mua sắm sách, tập và dụng cụ với giá cả phù hợp.

Sớm khắc phục những bất cập

Có thể thấy, việc chủ động cung ứng SGK, tập cho thị trường cùng việc giảm giá bán của các công ty, nhà sách trên địa bàn tỉnh đã được triển khai khá hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra và nhận được sự đồng tình của người dân. Với giá bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% đã góp phần giúp các hộ nghèo vùng nông thôn, công nhân các khu công nghiệp tiết kiệm được phần nào chi phí trong sinh hoạt gia đình. Tuy vậy, theo nhiều phụ huynh, chương trình bình ổn SGK vẫn còn một số hạn chế cần điều chỉnh để hiệu quả chương trình đạt cao hơn trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, phụ huynh một học sinh lớp 1/4 trường Tiểu học Chánh Mỹ (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) cho hay, nhờ có chương trình bình ổn chị có thể đưa con mua sắm bất cứ thời điểm nào mà không lo giá cả tăng lên. Tuy nhiên, đến mùa khai trường phụ huynh đi mua bổ sung SGK thường khó tìm được loại sách nhà trường yêu cầu. “Tôi mong muốn các ngành chức năng, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng SGK nên khảo sát và nắm chắc nhu cầu thị trường để tránh tình trạng thiếu một vài đầu SGK gây khó cho phụ huynh khi đi mua sách bổ sung”, chị Yến nói. Còn chị Nguyễn Thị Hải, ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, việc giảm giá của các công ty, nhà sách đã góp phần giảm gánh nặng cho nhiều gia đình. Thế nhưng, việc phải bỏ đi những quyển SGK đã mua do không phù hợp chương trình gây lãng phí cho xã hội. Năm trước, ngay từ đầu hè, chị đã đi mua trọn bộ SGK, sách tham khảo, sách bổ trợ lớp 1 theo chương trình chung của Nhà xuất bản Giáo dục, nhưng đến khi khai trường nhà trường lại yêu cầu mua loại SGK khác. Chị mong muốn ngành giáo dục cân nhắc chọn SGK nào để vừa đáp ứng việc cung cấp kiến thức cho học sinh vừa tiết kiệm chi phí cho phụ huynh một cách tốt nhất.

 TRÚC HUỲNH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên