Bảo đảm hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị

Cập nhật: 24-10-2015 | 08:25:05

Nhờ vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế địa phương, kết hợp với việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, phong trào quần chúng vào việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn gắn với chỉnh trang đô thị, đến nay bộ mặt đô thị Bình Dương đã thay đổi. Kết quả này là động lực quan trọng để Bình Dương tiếp tục phấn đấu xây dựng và trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

 Đô thị hóa nông thôn

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bình Dương luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Bằng nhiều nguồn vốn như hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), ngân sách, huy động… Bình Dương tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông trên địa bàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhiều công trình hoàn thành đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn 1), ĐT744, ĐT741, cầu Thạnh Hội, cầu Phú Long, cầu Ông Cộ… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7.421km đường bộ, mật độ 2,75km/km2; tỷ lệ nhựa hóa đối với đường quốc lộ là 100%, đường tỉnh đạt 99,6%, đường huyện đạt 80,85%, đường đô thị đạt 87,76%, đường chuyên dùng đạt 51,82%.

Bình Dương đang nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao. Ảnh: DUY CHÍ

Trong giai đoạn 2010- 2014, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp cùng hưởng ứng thực hiện phong trào giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị (GTNT - CTĐT) và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn này toàn tỉnh đã thực hiện được 2.102 công trình với tổng chiều dài 1.249km, tổng vốn đầu tư 1.530 tỷ đồng; trong đó giá trị huy động từ nhân dân bằng tiền mặt, giá trị hiến đất và công trình kiến trúc là 211,79 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quy mô, chất lượng đầu tư các công trình GTNT - CTĐT từng bước được nâng lên; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa chiếm 47,6% đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu đô thị hóa nông thôn, cải tạo bộ mặt các đô thị cũ. Kết quả này cũng tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển KT-XH khu vực nông thôn; tăng cường việc kết nối giữa nông thôn với thành thị, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cách làm sáng tạo thì địa phương nào cũng có, nhưng kết hợp giữa phát triển phong trào xây dựng GTNT gắn với CTĐT thì chỉ có ở Bình Dương. Nhờ cách làm này mà các đô thị cũ được chỉnh trang tốt, Bình Dương không còn là vùng sâu, vùng xa.

Tiến tới đô thị văn minh, hiện đại

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sự phát triển mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Bình Dương được cả nước biết đến và có nhiều địa phương đến nghiên cứu học tập mô hình, kinh nghiệm xây dựng và phát triển của Bình Dương trong thời gian qua. Cũng cần phải nói rằng, thấy được thành công của Bình Dương cũng phải biết gánh nặng của địa phương. Đó là tốc độ tăng dân số cơ học mỗi năm trên 10%; mỗi năm Bình Dương phải xây mới khoảng 36 trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 36.000 học sinh đầu cấp; cùng với đó là các vấn đề khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, nhà ở, môi trường, giao thông… Dự báo và giải quyết tốt các vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển.

Quy hoạch phát triển giao thông công cộng của Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu đã nêu rõ: Giao thông là bước đột phá đi đầu để phát triển đô thị, lấy phương tiện giao thông công cộng hiện đại làm nòng cốt để thay thế dần phương tiện cá nhân vừa tiết kiệm tiền của nhân dân, phòng ngừa tai nạn vừa là nền tảng hình thành văn minh đô thị, tiến tới đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Theo đó, Bình Dương sẽ hạn chế phát triển một số phương tiện giao thông công cộng như taxi, đồng thời mở ra nhiều loại hình giao thông công cộng mới như hình thành các bến cảng, trạm giao thông đường thủy để khai thác lợi thế thiên nhiên từ hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai. Hiện nay, xe buýt nhanh đô thị do Công ty Becamex Tokyu vận hành đã từng bước nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhờ những ưu điểm vượt trội như: An toàn, văn minh, sạch đẹp, giá cả hợp lý, giờ đi và đến trên tuyến chính xác, ổn định.

Với hệ thống đường giao thông được quy hoạch đồng bộ, thuận lợi cả trong giao thông đối nội và giao thông đối ngoại, Bình Dương nhanh chóng phát huy thế mạnh đầu tư, tăng tốc phát triển khi hệ thống metro Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội mới để các đô thị phía nam của tỉnh giáp ranh TP.Hồ Chí Minh, cùng chùm đô thị vệ tinh xung quanh đô thị Thủ Dầu Một cùng phát triển…

Ông Phạm Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), cho biết Bình Dương đi đầu trong kiến tạo đô thị văn minh, hiện đại nên phải chấp nhận vượt qua nhiều khó khăn thách thức phía trước như: Để có điện, viễn thông cho Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, Becamex IDC phải chấp nhận phương thức hợp tác đầu tư và cùng nhau khai thác với các doanh nghiệp chủ quản. Nhờ vậy, Bình Dương mới phát triển nhanh và đồng bộ như hiện nay.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại là mở ra không gian sống và làm việc cho đội ngũ doanh nhân, chuyên gia và người lao động. Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) được giao nhiệm vụ phát triển không gian sống lý tưởng tại Thành phố mới Bình Dương để đáp ứng yêu cầu của các gia đình doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia như cao ốc TDC Plaza, khu biệt thư Dragon Hill cùng với khoảng 20.000 căn hộ tại các khu nhà ở đô thị đáp ứng yêu cầu “an cư lạc nghiệp” của đội ngũ lao động đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Đoàn Văn Thuận, Tổng Giám đốc Becamex TDC, cho biết từ chủ trương đúng của tỉnh và sự hỗ trợ của công ty mẹ là Becamex IDC, đến nay Thành phố mới Bình Dương đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Các cao ốc, khu dân cư cao cấp đã dần kín chỗ, các khu dịch vụ cũng đang trên đà phát triển cùng với các trường quốc tế thu hút đông sinh viên đến học tập, nghiên cứu. Bình Dương đang định hình và nhanh chóng trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong thời gian không xa.

 Theo Dự thảo văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh, trong 5 năm tới, Bình Dương sẽ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; bên cạnh đó tập trung nâng cấp các tuyến đường quốc gia, đầu tư các tuyến đường chính đô thị, kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn. Bình Dương cũng sẽ thực hiện từng bước ngầm hóa hệ thống điện trung, hạ thế khu vực đô thị tập trung phía nam; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, giáo dục và y tế; đồng thời rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình bảo đảm cho việc nâng cấp đô thị đạt chuẩn đô thị loại 1, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020...

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên