Bảo đảm một xã hội thượng tôn pháp luật

Cập nhật: 16-05-2017 | 07:44:25

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình an ninh trật tự vừa diễn ra hôm qua (15-5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) mà đặc biệt các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm một xã hội công bằng, minh bạch, một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội không có tội phạm đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong kinh tế thị trường, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, một trách nhiệm rất lớn đối với các lực lượng chức năng”.

Phát triển KT-XH phải gắn kết với giữ vững QP-AN và phòng chống tội phạm. Đây là những mặt hoạt động cơ bản của mỗi quốc gia, dân tộc có độc lập, chủ quyền. Mỗi lĩnh vực tuy có mục đích, cách thức hoạt động và quy luật vận hành riêng, nhưng có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Đẩy mạnh phát triển KT-XH, tăng cường củng cố QP-AN và phòng chống tội phạm là hai nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt, luôn đồng hành cùng nhau. Sự gắn kết giữa KT-XH và QP-AN, phòng chống tội phạm là quy luật tất yếu khách quan của sự phát triển bền vững cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta, do nắm vững quy luật và biết thừa kế kinh nghiệm của lịch sử, Đảng ta đã thực hiện sự kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN, phòng chống tội phạm một cách nhất quán bằng những chủ trương sáng tạo, phù hợp với từng thời kỳ của cách mạng. Trong thời kđổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, KT-XH phát triển không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế để tăng cường tiềm lực QP-AN, phòng chống tội phạm, mà còn tạo cơ sở chính trị - xã hội thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 của Đảng cũng nêu rõ: “Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Những năm gần đây, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong nước đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả nhiều chương trình QP-AN gắn kết với phòng chống tội phạm hiệu quả, nhưng đây đó vẫn còn xảy ra những vụ việc phức tạp. Tại hội nghị trực tuyến về tình hình an ninh trật tự diễn ra hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ một số loại tội phạm, một số địa bàn có tình hình diễn biến phức tạp, trong đó có những vụ việc nổi cộm mà dư luận báo chí đã phản ánh, như: Tội phạm có tổ chức, tội phạm có vũ khí nóng, tội phạm ma túy, phá rừng, khai thác cát trái phép, xâm hại tình dục trẻ em, bán hàng đa cấp, tội phạm mạng, đối tượng phản động kích động người dân biểu tình gây rối…

Nhận diện các loại tội phạm là để có biện pháp xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm một xã hội công bằng, minh bạch và thượng tôn pháp luật...

 

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên