Bảo hiểm thất nghiệp: Nóng... nhưng không sốt!

Cập nhật: 12-03-2012 | 00:00:00

Năm 2011, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thanh toán 150 tỷ đồng cho 43.000 trường hợp lao động đăng ký hưởng BHTN, tăng 10.000 trường hợp so với năm 2010. Và 2 tháng đầu năm 2012, lao động lại tiếp tục đổ xô đến các cơ quan giải quyết BHTN, do vậy BHTN tăng, thế nhưng cơ quan bảo hiểm, cho biết đây là chuyện bình thường...  Doanh nghiệp phải tạo điều kiện làm việc tốt và tiền lương để giữ chân công nhân

Nóng...

Ngày 6-3 vừa qua, dù không phải là ngày đầu tuần nhưng phòng giải quyết chế độ BHTN của Trung tâm Giới thiệu việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, TX.Thuận An rất đông, người lao động chen chút nhau đăng ký làm thủ tục để hưởng BHTN. Trong vai người đi xin làm thủ tục đăng ký, nhiều công nhân nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đến bàn số 1 của quầy nhanh chóng nhận hồ sơ và đăng ký. Nếu chậm trễ có thể kéo dài cả ngày cũng chưa làm thủ tục được.

Trong căn phòng rộng lớn được bố trí nhiều bàn ghế để công nhân ngồi điền mẫu đăng ký, loay hoay tìm chỗ trống để ngồi nhưng vẫn không có. Lúc đó, có một công nhân đang điền mẫu thông tin vào hồ sơ có tên Trần Thị Thanh nhìn sang chúng tôi và nói: “Tôi làm việc tại Công ty TNHH Đông Hưng, Khu công nghiệp Sóng Thần (TX.Dĩ An), do không hài lòng với công việc của công ty cũ, tôi chuyển sang làm ở doanh nghiệp khác, nên xin thôi việc và xin được hưởng BHTN”. Thanh nhẩm tính, nếu bảo hiểm thanh toán 60% bình quân lương đóng BHTN, thì số tiền Thanh được hưởng trợ cấp 3 tháng thất nghiệp gần 5 triệu  đồng. Số tiền này cũng đủ xoay trở trong lúc tìm việc làm mới.

Ngoài những công nhân có lý do chính đáng, một số nhóm thanh niên cũng xin được hưởng BHTN... một cách khó hiểu. Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là tại trung tâm giới thiệu việc làm này, rất nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng nhưng rất ít công nhân đến tìm hiểu thông tin. Một nhân viên tiếp nhận đăng ký BHTN, cho biết sau Tết Nguyên đán đến nay, ngày nào, trung tâm cũng có đông công nhân đến đăng ký hưởng BHTN; đông nhất là thứ hai, bình quân có gần 600 lượt người đến đăng ký mỗi ngày. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bùi Hữu Phong cho biết thêm, do quy định trong 7 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, công nhân phải đến làm thủ tục để được hưởng BHTN, nếu không, Bảo hiểm xã hội sẽ không thanh toán. Lo sợ điều này nên những ngày đầu tuần, chen chúc nhau làm thủ tục là chuyện bình thường.

Không sốt!

Có thể khẳng định, kể từ ngày 1-1-2009 khi BHTN có hiệu lực, người lao động tại các doanh nghiệp có điều kiện, có môi trường lao động tốt hơn. Kinh tế thị trường làm cho cuộc sống người lao động ngày càng gắn bó chặt chẽ với đồng lương, giúp cho người lao động năng động hơn trong tìm kiếm và gắn bó với việc làm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng trường thọ, bởi giá cả lạm phát thường xuyên xảy ra. Nếu thất nghiệp, công nhân dễ lâm vào tình cảnh khốn khó. Chính vì thế, BHTN đã giảm bớt khó khăn cho công nhân rất nhiều. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các chính sách tiền lương và tạo mọi điều kiện làm việc để giữ chân người lao động. Hàng năm, không ít trường hợp chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác cũng do điều kiện làm việc và lương bổng tốt hơn, cụ thể từ ngành dệt may, da giày sang điện tử.

Ông Bùi Hữu Phong một lần nữa, khẳng định Bình Dương hiện có hơn 610.000 lao động, đứng hàng thứ 3 toàn quốc. Số người đăng ký hưởng BHTN chiếm 98%; trong đó có 90% số người đăng ký BHTN là lao động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số còn lại là lao động tại doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp. Nếu năm 2010, BHTN thanh toán cho 33.000 trường hợp lao động thất nghiệp thì đến năm 2011, BHTN thanh toán cho 43.000 trường hợp với số tiền 150 tỷ đồng.

Theo ông Phong phân tích, nguyên nhân chính mà số lao động thất nghiệp tăng vọt là do tại Bình Dương, 85% lao động ngoài tỉnh đến làm việc, phần đông là lao động phổ thông. Những lao động này ít được chủ doanh nghiệp đãi ngộ, điều kiện làm việc không tốt. Nếu có doanh nghiệp nào đãi ngộ tốt thì lập tức, họ xin thôi việc là chuyển đến đó. Do vậy, việc lao động đăng ký hưởng BHTN tăng là chuyện bình thường.

Lo...

Nói thì nói thế, nhưng BHTN đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan thanh toán trên địa bàn tỉnh. Bởi ngoài 85% lao động ngoài tỉnh, thì không chỉ ở Bình Dương mà khắp nơi trên cả nước đều tập trung phát triển khu công nghiệp. Theo đó, lao động ngoài tỉnh thường chuyển về quê làm việc để gần gũi gia đình. Điều này, khiến công nhân không ngần ngại chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Thêm vào đó, cách tính và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN. Nếu đóng đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp (mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc); 6 tháng nếu có đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN và 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Ông Phong cũng cho biết, chính sách BHTN hiện nay chưa chặt chẽ. Nếu đóng BHTN 12 tháng thì được hưởng 3 tháng thất nghiệp, 24 tháng cũng chỉ hưởng 3 tháng, 36 tháng cũng chỉ được hưởng 3 tháng thất nghiệp. Chính vì vậy, hiện tượng người lao động chọn mức 12 tháng sau đó đăng ký thủ tục ngưng hợp đồng lao động để được hưởng BHTN. “Chúng tôi đang đề nghị sửa đổi quy định này. Cụ thể là chia nhỏ thời gian ra. Ví dụ, 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, mỗi mức sẽ hưởng khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho người lao động gắn bó với công việc lâu dài hơn. Chúng tôi cũng đề nghị chỉnh sửa thời hạn thanh toán BHTN, bởi quy định hiện hành rất khó cho cơ quan thanh toán, nhất là một khi có một doanh nghiệp sử dụng lớn lao động bị giải thể. Về phía Bảo hiểm xã hội, để tiện cho công nhân khi thanh toán BHTN, chúng tôi đã chuyển từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt qua thẻ ATM”, ông Phong giải thích.

Mức đóng BHTN và các chế độ hưởng

Mức đóng BHTN được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN. Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng BHTN theo mức quy định và trích tiền lương, tiền công của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN. Hàng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN và mỗi năm chuyển một lần.  Công nhân đăng ký hưởng BHTN

Người tham gia BHTN khi thất nghiệp được hưởng các chế độ sau: Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Không hỗ trợ bằng tiền để người lao động tự học nghề. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật dạy nghề. Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp do người lao động chi trả. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động không được hưởng bảo hiểm y tế và phải trả lại thẻ Bảo hiểm y tế cho tổ chức BHXH theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên