Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến khu Đ: Phát huy giá trị truyền thống, tạo điểm nhấn du lịch

Cập nhật: 13-07-2012 | 00:00:00

Chiến khu Đ (CKĐ) là vùng đất nằm trải dài ven sông Đồng Nai. Đây là căn cứ cách mạng đầu tiên ở Đông Nam bộ, cách mạng dựa vào đó để tích lũy và phát triển lực lượng, tạo thành trận địa vững chắc về chính trị, quân sự và lấy đó làm nơi xuất phát để tạo thế trận đánh bại kẻ thù, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Vì vậy,  việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích CKĐ là việc làm mang nhiều ý nghĩa: vừa để lưu giữ những giá trị của một chiến khu nổi tiếng đại diện tiêu biểu cho các chiến khu ở miền Đông Nam bộ, vừa phục vụ cho phát triển du lịch, thành lập trung tâm nghiên cứu học tập hoặc làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, bảo tồn di tích trên phạm vi toàn tỉnh. 

Di tích Miễu Bà Đất Cuốc (xã Đất Cuốc)

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Tân Uyên hiện nay toàn huyện có gần 10 di tích các loại, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và còn nhiều di tích đang được bổ sung hồ sơ để xếp hạng. Phần lớn các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của tỉnh Bình Dương và 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. 

Di tích Mộ cổ Trần Thượng Xuyên (xã Tân Mỹ)

Qua nhiều nghiên cứu của sử sách cũng như sự truyền đạt của các bậc cao niên, CKĐ là vùng đất “tâm linh”, “đất thiêng” vì đã có 2 người con có công lớn khai phá xây làng, lập ấp và xây dựng căn cứ CKĐ là Đức ông Trần Thượng Xuyên và thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Về phương diện chính trị, tinh thần, CKĐ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ. 

Cuộc sống của vùng Chiến khu Đ đang ngày một thay da đổi thịt. Trong ảnh: Một cánh đồng hoa màu trù phú tại xã Thường Tân

Giờ đây, vùng đất CKĐ xưa là một vùng đất sôi động của những cánh đồng lúa ven sông, những nông trường cao su trải rộng, những lâm trường bạt ngàn, những nhà máy và công trình thủy điện. Hàng vạn lao động từ khắp mọi miền đất nước đã về đây xây dựng những trung tâm kinh tế, khu cụm công nghiệp. Dấu tích của một căn cứ kháng chiến tồn tại trong gần một phần ba thế kỷ đang dần mờ nhạt trước những chuyển đổi lớn lao của cuộc sống. Tuy nhiên, CKĐ với nội dung lịch sử và những bài học kinh nghiệm không hề mất đi mà còn lại mãi mãi. Khu tưởng niệm CKĐ với diện tích hơn 30 ha sẽ được xây dựng trên mảnh đất Tân Uyên anh hùng, sẽ ghi lại những chiến công vang dội của quân và dân CKĐ oai hùng năm xưa.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng, trong những năm qua đã có nhiều cuộc du lịch tìm về nguồn, giúp cho thế hệ thanh niên tìm hiểu về mảnh đất và con người ở đây, tìm hiểu về lịch sử nơi đã trở thành thành trì kiên cố bảo vệ an toàn cho cán bộ và nhân dân các tỉnh miền Đông Nam bộ suốt 2 cuộc kháng chiến và đồng thời cũng giáng cho quân thù những trận đòn chí tử.

Với ý nghĩa này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử CKĐ” và đề án đang trong quá trình triển khai thực hiện. Như vậy trong tương lai, CKĐ sẽ địa điểm lý tưởng cho hành trình về nguồn. Để khu di tích lịch sử này thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thiết nghĩ cần phải tổ chức một số hoạt động như: Tái hiện lại cuộc sống của người chiến sĩ giải phóng năm xưa trong chiến khu (du khách ngủ võng giữa rừng, thổi cơm bằng bếp Hoàng Cầm); tổ chức tour tham quan di tích Dốc Chùa, Cù lao Rùa, Mỹ Lộc, Bưng Sình, tháp canh cầu Bà Kiên, mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên, khu lưu niệm nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ, chùa Long Hưng, đình thần Tân Trạch, nhà cổ Đỗ Cao Thứa; ngoài ra cần tổ chức các trò chơi tập thể, trò chơi dân gian, tổ chức ăn nghỉ cho du khách, bán hàng lưu niệm đặc trưng... Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho tour du lịch về nguồn, có liên kết rộng rãi với các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, các trường đại học, các công ty xí nghiệp, đoàn viên thanh niên của các địa phương trong và ngoài tỉnh... Thông qua các hoạt động này để giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ đi sau, ngoài ra còn tạo sức bật mới cho ngành du lịch của tỉnh trong tương lai. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy tác dụng di tích đúng chế độ, chính sách và có cơ chế hợp lý nhằm phát huy mọi nguồn lực trong xã hội; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý và phát huy di tích; từng bước tháo gỡ những vướng mắc, những mặt hạn chế của các di tích đã được xếp hạng hoặc đang được lập hồ sơ xếp hạng; thường xuyên mở các lớp nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác quản lý di tích, những nhà kinh doanh, khai thác, những nhà quản lý môi trường, Ban trị sự, Ban quý tế của các di tích, thành lập câu lạc bộ di sản văn hóa hoặc câu lạc bộ di tích lịch sử văn hóa cấp huyện để làm cầu nối thường xuyên cho người quản lý và những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia điều hành và quản lý các di tích có dịp học tập và trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Ngoài ra, cần kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện một số luật có liên quan đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích nhất là đối với Luật Di sản về quyết định trách nhiệm của UBND các cấp, các quy định điều kiện để tôn tạo, tu bổ, quản lý và phát huy giá trị di tích... Hy vọng rằng với một kho tàng văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng, huyện Tân Uyên nói chung và khu di tích CKĐ nói riêng trong tương lai sẽ là một địa điểm hấp dẫn về du lịch của tỉnh.

Tân Uyên: Tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ người dân

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng, chính quyền cùng với nhân dân ra sức xây dựng lại quê hương Chiến khu Đ anh hùng ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn, trong đó có các thiết chế văn hóa.

Hiện Tân Uyên có 2 cụm văn hóa liên xã, một cụm ở xã Thường Tân và một cụm ở thị trấn Tân Phước Khánh, ngoài ra còn có một trung tâm văn hóa thể thao của huyện, đặt tại thị trấn Uyên Hưng. Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho mỗi cụm trung bình hàng năm khoảng trên 150 triệu đồng, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên các xã trong cụm về tham gia hội thi thể thao, biểu diễn văn nghệ. Riêng Trung tâm Văn hóa - Thể thao của huyện hoạt động khá sôi nổi, thu hút nhiều  người đến tham gia sinh hoạt, tập luyện, trở thành nhu cầu cần thiết của người dân ở đây. Từ đó góp phần giúp cho huyện Tân Uyên xuất hiện nhiều nhân tài thi đấu ở cấp tỉnh và toàn quốc, trong đó có các câu lạc bộ đua thuyền, võ thuật, điền kinh, bóng đá, và câu lạc bộ đờn ca tài tử...

BÌNH MINH

 

 

BÌNH MINH - TẤN PHƯỚC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên