Bảo vệ chính quyền sau ngày đất nước thống nhất - Bài 1

Cập nhật: 04-05-2015 | 07:37:43

Bài 1: Đương đầu với khó khăn

 Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục sản xuất, tái thiết đất nước. Tuy nhiên, ở thời điểm này, lợi dụng chính quyền cách mạng còn non trẻ, một số cá nhân, tổ chức đã ra sức quấy phá nhằm gây mất trật tự trị an. Trước tình hình này, lực lượng công an nói chung và Công an Bình Dương nói riêng đã quyết tâm ra sức bảo vệ chính quyền để xây dựng đất nước.

 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng Công an tỉnh Sông Bé có thành tích trong tấn công tội phạm hình sự sau ngày giải phóng. Ảnh: PX15

 Cùng với việc giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4- 1975, quân và dân Bình Dương đã làm chủ thị xã Thủ Dầu Một, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà. Ngay trong đêm 30-4-1975, lực lượng an ninh tỉnh đã triển khai các biện pháp nhằm ổn định tình hình, lập lại trật tự trị an. Hòa chung không khí vui tươi mừng non sông thống nhất, lực lượng Công an tỉnh nhà lại lao ngay vào cuộc chiến đấu mới. Trong gian nan thử thách, những chiến sĩ oai hùng trong thời chiến lại tiếp tục khẳng định mình trong trận tuyến không kém phần khó khăn, gian khổ…

Khó khăn trước mắt

Theo thời gian, cùng với những đổi thay của đất nước, những chiến tích và vết đau của chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ. Những nhân chứng lịch sử từng dạn dày nơi chiến trận, dũng cảm trong thời bình như đại tá Trần Ngọc Thành giờ đã tuổi cao sức yếu. Với ông, mọi thứ có thể quên đi nhưng thành tích của quân và dân tỉnh nhà vào những thời khắc lịch sử thì vẫn là câu chuyện như mới hôm qua.

“Ta hoàn thành được nhiệm vụ là nhờ công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác cảm hóa giáo dục các đối tượng rất thành công. Chúng ta chủ trương lực lượng phản động phải xử lý triệt để, nhanh chóng, không để lớn mạnh, xây dựng thành lực lượng vũ trang chống phá ta. Khó khăn mà chúng ta đối mặt là tình hình phức tạp, lực lượng còn non trẻ, nhưng chúng ta có thuận lợi ở đây là cao trào cách mạng trong không khí phấn khởi vừa giải phóng đất nước của toàn dân ta, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ ngụy quân, ngụy quyền vì hoàn cảnh bắt ép phải theo ngụy, nên khi giải phóng họ đều rất mừng và ủng hộ cách mạng. Cho nên chúng ta giữ được chính quyền và đè bẹp mọi sự chống đối của địch…”.

(Đại tá Trần Ngọc Thành)

Nhớ về những ngày đầu sau chiến thắng năm 1975, đại tá Trần Ngọc Thành kể lại: “… Sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta chủ trương kêu gọi trình diện chứ không bắt giữ. Lực lượng của ta sau chiến dịch Mậu Thân tổn thất rất nhiều, cán bộ chi viện không bao nhiêu, cho nên biên chế thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong khi đó, phải giáo dục, cải tạo, quản lý một lực lượng lớn đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, tội phạm từ chế độ cũ để lại nên rất khó khăn. Cho nên thời kỳ năm 1978-1979, bọn phản động từ ngụy quân, ngụy quyền ở các cấp nhỏ hình thành hàng chục tổ chức phản động, như: “Dân quân phục quốc” rồi “Mặt trận Việt Nam thống nhất”... cộng với sự kiện ở biên giới Tây Nam khiến tình hình rất phức tạp...”.

Tìm hiểu về công tác của lực lượng công an thời điểm này, nhất là lực lượng điều tra xét hỏi, chúng tôi được biết các chiến sĩ phải tập trung làm việc không kể ngày đêm, làm việc gần như 24/24 giờ. Tuy nhiên với niềm vui, niềm tự hào về truyền thống, lực lượng công an toàn tỉnh đã tham mưu cho Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, từng bước ổn định tình hình, phục vụ tốt cho công cuộc kiến thiết đất nước.

Đại tá Võ Sĩ Lâm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé, nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng: “Khó khăn nhất là việc giữ an ninh trật tự. Thứ hai là quản lý lính chính quyền cũ. Thứ ba là anh em trong rừng ra, nhận thức một số vấn đề mới, nhất là giao thông cũng còn hạn chế. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự được bảo đảm ngoài sự cố gắng của lực lượng công an, phải nói là trong khí thế cách mạng còn rất mạnh nên quần chúng hỗ trợ rất nhiều, ít xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Sau đó chừng 3 ngày, hầu hết đối tượng ra trình diện, chỉ một số còn chống đối…”.

Đại tá Trần Ngọc Thành cho biết: “Ta hoàn thành được nhiệm vụ là nhờ công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác cảm hóa giáo dục các đối tượng rất thành công. Chúng ta chủ trương lực lượng phản động phải xử lý triệt để, nhanh chóng, không để lớn mạnh, xây dựng thành lực lượng vũ trang chống phá ta. Khó khăn mà chúng ta đối mặt là tình hình phức tạp, lực lượng còn non trẻ, nhưng chúng ta có thuận lợi ở đây là cao trào cách mạng trong không khí phấn khởi vừa giải phóng đất nước của toàn dân ta, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ ngụy quân, ngụy quyền vì hoàn cảnh bắt ép phải theo ngụy, nên khi giải phóng họ đều rất mừng và ủng hộ cách mạng. Cho nên chúng ta giữ được chính quyền và đè bẹp mọi sự chống đối của địch…”.

Trưởng thành trong gian khó

Theo lịch sử Công an tỉnh, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương đã từng bước được củng cố và phát triển, bố trí phù hợp với tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Chỉ trong 6 năm (1975 - tháng 6-1981), từ bộ phận bảo vệ chính trị đã xây dựng và phát triển thành 6 phòng nghiệp vụ. Song song việc xây dựng và phát triển lực lượng, Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng chống gián điệp, biệt kích, chống gây rối, bạo loạn, tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài; xây dựng các tuyến phòng thủ vững chắc ở các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở, đoàn thể quần chúng, lần lượt giải tỏa những khó khăn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Những năm đầu sau giải phóng, nhiều tổ chức phản động đã hình thành và hoạt động tại địa bàn tỉnh đã bị lực lượng Công an tỉnh phát hiện, triệt phá. Tính từ năm 1975-1985, Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá 132 tổ chức nhen nhóm hoạt động phản cách mạng, bắt hàng trăm tên. Trong công tác bảo mật, phòng gian, lực lượng an ninh đã bóc gỡ gần 3.300 tên thuộc mạng lưới gián điệp, mật báo địch cài cắm trong dân theo kế hoạch hậu chiến; kịp thời ngăn chặn 17 vụ tổ chức trốn ra nước ngoài…

Thời điểm này, lực lượng cảnh sát tuy mới hình thành và củng cố lại nhưng đã lập được nhiều chiến công hiển hách, như việc phá băng cướp do tên Võ Tùng Hội cầm đầu là một điển hình. Băng cướp Võ Tùng Hội là một băng cướp có vũ trang, giỏi võ, hoạt động từ trước ngày miền Nam giải phóng. Chính quyền Sài Gòn tốn nhiều công sức mới bắt giam được chúng. Ngày 30-4- 1975, các nhà tù của Mỹ - ngụy được giải phóng, băng cướp này được thả ra, một thời gian sau chúng tiếp tục gây nhiều vụ cướp táo bạo ở TP.Hồ Chí Minh, có vụ chúng đấu súng với lực lượng công an. Năm 1977, bọn chúng lên Bình Dương chuẩn bị gây án thì bị Công an Bình Dương triệt phá, bắt gọn.

Trong những năm 1980, tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta gặp nhiều khó khăn, tình hình trật tự an toàn xã hội đứng trước những thử thách. Trước tình hình đó, lực lượng tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo có những chủ trương chính sách kịp thời về tăng cường trấn áp tội phạm, chống tiêu cực, tham nhũng, từng bước lập lại trật tự kỷ cương xã hội. Thực hiện Chỉ thị 135/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã trấn áp hàng ngàn đối tượng, không để chúng lộng hành quấy nhiễu nhân dân. Nhiều phương thức, biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm được cải tiến, sát với thực tiễn, chất lượng hoạt động nghiệp vụ và quản lý hành chánh về trật tự xã hội được nâng cao, đã giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà….

 Bài 2: Phá tan các tổ chức phản động

 T.L

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên