Bảo vệ chính quyền sau ngày đất nước thống nhất- Bài cuối

Cập nhật: 07-05-2015 | 08:42:59

Bài cuối: Bảo vệ thành quả cách mạng

Với khí thế sau ngày đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước khôi phục kinh tế, tái thiết quê hương. Vì vậy những hành động đi ngược lại dòng chảy cách mạng sẽ không thể tồn tại và đi đến tình cảnh tự loại mình ra khỏi khí thế chung của cả nước.

 

 Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền cách mạng luôn chú trọng việc vận động những người dưới chế độ cũ ra trình diện và tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Trong ảnh: Những người lính chế độ cũ ra trình diện chính quyền cách mạng

 

Đập tan tư tưởng phản động

Mặc dù Đảng, chính quyền, nhân dân đã mở rộng vòng tay đối với những người từng tham gia chế độ cũ, tuy nhiên vào thời điểm năm 1977, 1978 vẫn còn một số đối tượng nuôi ảo tưởng lật đổ chính quyền cách mạng. Theo lịch sử Công an Bình Dương, vào thời điểm này, lợi dụng tình hình biên giới Tây Nam, một số đối tượng trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động phá hoại. Những tổ chức phản động trước đây đã bị triệt phá, một vài tên chạy thoát nay tìm cách phục hồi lại như tổ chức “Hội đồng lãnh đạo thống nhất liên bang Đông Dương” do Đồng Văn Lạch cầm đầu; tổ chức “Tiểu đoàn 306” do Nguyễn Văn Tốt cầm đầu. Riêng toán vũ trang của Nguyễn Văn Nhứt thuộc tàn dư của tổ chức “Dân quân phục quốc” lực lượng tổ chức bao vây và gọi hàng nhưng với bản chất phản động, ngoan cố, các đối tượng đã nổ súng chống cự, buộc lực lượng phải nổ súng tiêu diệt 1 tên, bắt sống 1 tên, một số đối tượng khác bỏ trốn.

Đến ngày 10-12-1978, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã điều Nhứt từ Phước Vĩnh về TP.Hồ Chí Minh và bắt giữ tại địa bàn xã Vĩnh Phú, Thuận An, chính thức quét sạch nhóm vũ trang gồm 32 đối tượng.

Ngày 6-11-1978, Chủ tịch nước quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 đơn vị thuộc lực lượng Công an tỉnh Sông Bé đã lập nhiều thành tích xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Lễ đón nhận danh hiệu đã được UBND tỉnh tổ chức long trọng đã tạo thêm niềm tin, sức mạnh cho toàn lực lượng Công an tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự trong thời gian tới.

 

Cũng trong thời gian này, dựa vào quần chúng nhân dân và bằng các biện pháp nghiệp vụ tài tình, lực lượng an ninh Bình Dương tiếp tục triệt phá tổ chức phản động “Mặt trận nhân dân Việt Nam kháng cộng” do Nguyễn Thái Bình (tức Huỳnh Văn Be) cầm đầu. Đây là một tổ chức phản động có quy mô hoạt động ở nhiều địa bàn. Âm mưu của chúng là cấu kết với bọn phản động từ bên ngoài quấy rối an ninh, chính trị, xã hội trong nước và chờ thời cơ nổi dậy. Để thực hiện âm mưu đó, chúng nhanh chóng xây dựng hệ thống tổ chức, lập cái gọi là “Nội các kháng chiến” gồm 9 viện. Ở các tỉnh chúng cũng lập ra các khối. Tháng 8-1977, Nguyễn Thái Bình phái Nguyễn Vượt Khiếu và Huỳnh Kim Quang (là công nhân lưu dụng của nhà máy Z751) từ TP.Hồ Chí Minh lên Sông Bé tìm người móc nối phát triển lực lượng. Chúng đã móc nối được với Phạm Văn Tấn (ngụ Vĩnh Phú, Thuận An) và sau đó tiếp tục thu nạp thêm Nguyễn Văn Đực (ngụ Vĩnh Phú, Thuận An). Từ tháng 8-1977 đến tháng 3-1978 các đối tượng này đã vận động, lôi kéo 32 đối tượng vào tổ chức. Sau đó chúng thành lập ra khối H và cử Nguyễn Văn Đực làm khối trưởng với bí số H15. Dưới khối H có các ban như: Ban chính trị với nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo người vào tổ chức phản cách mạng, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước, in ấn tài liệu… Ban ám sát, Ban theo dõi hành động, Ban mật vụ với nhiệm vụ tìm các đảng phái khác để liên kết hành động. Các đối tượng này tiến hành làm giấy chứng minh, phiếu kiểm soát, làm các loại giấy tờ giả, dấu giả, in ấn các tài liệu phản động, chuẩn bị vũ khí, chất nổ và dự định sẽ đánh vào một số điểm như Trạm kiểm soát Vĩnh Phú nhằm gây bạo loạn ở Thuận An và Ty Xây dựng, gây hoang mang quần chúng và sẽ cướp chính quyền khi có cơ hội.

Tuy nhiên, các đối tượng này không ngờ, ngay từ đầu, khi chúng tung người đi móc nối đã lôi kéo trúng người của ta. Theo sự chỉ đạo, mạng lưới chui sâu vào tổ chức và nắm những tin tức quan trọng. Từ nguồn tin này, cộng với nguồn tin trinh sát và thông tin từ người dân cung cấp, ngày 15-5-1978 Công an tỉnh Sông Bé tiến hành lập ban chuyên án lấy bí số G258 do đồng chí Võ Sĩ Lâm, Trưởng phòng Bảo vệ làm Trưởng ban chuyên án quyết đập tan tổ chức phản động này.

Ngày 26-6-1978, ban chuyên án quyết định phá án, bắt gọn 27 đối tượng, thu giữ toàn bộ vũ khí và tài liệu. Ngày 14-11-1979 vụ án này được đưa ra xét xử công khai. Huỳnh Kim Quang đã bị tuyên án tử hình, một số bị cáo khác bị tuyên án từ 3 đến 18 năm tù giam. Một số đối tượng nhẹ dạ bị lôi kéo thì đưa ra cảnh cáo, giáo dục trước người dân rồi cho gia đình bảo lãnh.

Trong thời gian này, với nỗ lực của các lực lượng và người dân, chính quyền đã triệt phá hàng loạt tổ chức phản động ngay từ trong ‘trứng nước” hoặc nhiều tổ chức nguy hiểm đang manh nha cướp chính quyền. Những đối tượng cầm đầu bị đưa ra xét xử nghiêm. Song song đó, những phần tử bị lôi kéo, dụ dỗ đã được chính quyền giáo dục, cảm hóa để trở thành người có ích. Theo Lịch sử Công an Bình Dương, giai đoạn này ngoài tổ chức phản động “Mặt trận nhân dân Việt Nam kháng cộng” do Nguyễn Thái Bình (tức Huỳnh Văn Be) cầm đầu còn có hàng loạt tổ chức khác bị triệt phá như: “Lực lượng phục hưng Tổ quốc Việt Nam”, “Tiểu đoàn Hắc Long”…

Bảo vệ thành quả cách mạng

Thời điểm này lực lượng Công an tỉnh vừa đẩy mạnh công tác tấn công tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, vừa tiến hành công tác xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, phát động phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc sâu rộng trong toàn lực lượng, trong nhân dân.

Có thể nói từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sông Bé có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế, văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự cố gắng không ngừng của lực lượng công an địa phương cùng với sự hỗ trợ của người dân, bộ đội, lực lượng công an đã từng bước trưởng thành, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong các mặt công tác, có ý chí tiến công, dũng cảm trong chiến đấu, thực sự là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng trong giai đoạn mới.

P.V (Theo Lịch sử Công an Bình Dương)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên