Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng

Cập nhật: 21-07-2014 | 00:00:00

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép, giàn khoan Hải Dương - 981 đã dịch chuyển ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến đã bình luận về động thái này của Trung Quốc (TQ). Có ý kiến cho rằng, TQ dịch chuyển gian khoan Hải Dương - 981 là do mùa mưa bão đã bắt đầu. Tuy nhiên, việc TQ dịch chuyển giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một động thái cần được giải mã ở nhiều góc độ khác nhau…

Đoàn kết một lòng

Tại phiên họp Chính phủ ngày 16- 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào Việt Nam cả trong và ngoài nước thời gian qua với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu để vươn khơi bám biển. Ảnh: TTXVN

Như vậy, bên cạnh yếu tố thiên thời, trong cuộc đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam, vấn đề “nhân hòa” là một yếu tố quyết định. Trong bộn bề những diễn biến phức tạp, nhân dân cả nước đã một lòng quyết tâm, tin tưởng và đoàn kết cùng Đảng và Chính phủ để triển khai các đối sách toàn diện nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Quan điểm và đối sách rõ ràng của Đảng và Nhà nước ta trong đó nêu cao ý chí, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ chủ quyền đất nước và nâng cao vị thế quốc gia là lời khẳng định mạnh mẽ về sức mạnh yêu nước tiềm tàng trong lòng người dân Việt Nam.

Sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa cũng đánh động lương tri và thu hút nhân tâm của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình trên toàn thế giới, giúp Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước. Trong vụ việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển nước ta; Việt Nam đã tạo được sự quan tâm, chia sẻ quan điểm của nhiều nước, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều học giả, chuyên gia quốc tế... trong nhận thức và đánh giá đối với các hành động sai trái của TQ trong vấn đề biển Đông; đồng thời yêu cầu TQ phải tôn trọng luật pháp quốc tế và cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; điều này được các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... đồng tình ủng hộ.

Việc TQ dịch chuyển giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một động thái cần được giải mã. Tuy nhiên, dư luận đánh giá hành động dịch chuyển giàn khoan đều nằm trong mọi tính toán kỹ lưỡng của TQ và tham vọng của TQ không phải đã dừng. Trên Tân Hoa xã, Tập đoàn Dầu khí quốc gia TQ (CNPC) cũng cho biết đã “phát hiện các dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt” tại đây và sẽ “đánh giá dữ liệu thu thập được” để “quyết định về bước đi tiếp theo”. Các bài học lịch sử trong mối quan hệ với TQ cho thấy TQ chưa bao giờ thay đổi tham vọng mở rộng quyền chi phối tiến tới độc chiếm biển Đông. Bộ Ngoại giao TQ ngày 16-7 vẫn cho rằng Hoàng Sa là của TQ. Do vậy, công cuộc bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng mà cả dân tộc Việt Nam phải kiên trì thực hiện.

Cả nước đoàn kết một lòng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên, chủ động và kiên quyết đấu tranh nhằm gìn giữ từng tấc đất của cha ông. Để chủ quyền quốc gia được bảo vệ một cách bền vững, không có cách nào khác là chúng ta phải tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh để giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng đất nước có nền kinh tế tự chủ, phát triển; khoa học kỹ thuật tiên tiến; quốc phòng, an ninh vững mạnh; xã hội ta thật sự là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Làm được điều đó, non sông bờ cõi sẽ vĩnh viễn được giữ gìn toàn vẹn, sức mạnh và uy thế của dân tộc Việt Nam thực sự mạnh hơn bão tố.

Kiên quyết lập trường

Liên quan đến việc TQ dịch chuyển giàn khoan Hải Dương - 981, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã nêu rõ: “Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống của TQ trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982”.

Ngược thời gian 2 tháng vừa qua, từ ngày 2-5 TQ đã hạ đặt trái phép giàn khoan - 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của TQ đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, TQ đã có hành vi vô nhân đạo là đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam.

Những hành vi này của TQ đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Ngay trong ngày 16-7, Bộ Ngoại giao TQ cũng vẫn khẳng định việc dời giàn khoan Hải Dương - 981 không phải là “rút lui” và vẫn cho rằng Hoàng Sa thuộc về TQ.

Quan điểm của Việt Nam về việc TQ dịch chuyển giàn khoan - 981 được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam yêu cầu TQ không đưa giàn khoan Hải Dương - 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Điều này, nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở biển Đông”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng kêu gọi nhân dân cả nước cần tiếp tục đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước. “Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam rõ ràng, vững chắc hơn

Học giả Thái Văn Cầu, Chuyên gia Khoa học Không gian sống tại Mỹ, phân tích các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, cho rằng ngoài thỏa mãn hai tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế trước thời điểm của Công ước Berlin, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ phương Tây, trong hơn 200 năm từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX đặc biệt thỏa mãn tiêu chuẩn nêu lên trong Công ước năm 1885 về nhận thức của cộng đồng thế giới đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trái lại, cho đến ngày nay, TQ không trình bày được chứng cứ lịch sử nào thuận lợi cho đòi hỏi chủ quyền của họ từ nguồn tư liệu cổ phương Tây trước thế kỷ XX. So sánh với TQ, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam rõ ràng, vững chắc hơn.

(Theo chinhphu.vn)

 

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên