Bảo vệ trẻ em lang thang: Cần hơn nữa sự phối hợp giữa gia đình và xã hội

Cập nhật: 09-11-2011 | 00:00:00

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ-TTg về chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em (TE) lang thang, TE bị xâm hại tình dục, TE phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 (dưới đây gọi tắt là Chương trình 19). Qua đó, TX.Thuận An là một trong những địa phương làm tốt công tác này...  Những đơn vị, cá nhân làm tốt Chương trình 19 được tặng bằng khen

 Chị Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX.Thuận An cho biết chính quyền địa phương cùng đoàn thể đã rất quan tâm đến việc thực hiện Chương trình 19. Những năm qua, với sự kết hợp giữa gia đình (GĐ) và xã hội, trẻ em lang thang, lao động sớm... đã được can thiệp, bảo vệ kịp thời hơn.

Thuận An là thị xã có nhiều KCN với lượng dân ngoài tỉnh đông kéo theo nhiều tệ nạn xã hội phức tạp. TE cũng “di cư” theo người lớn và đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn ngày càng nhiều. Rất nhiều em trong số theo cha mẹ từ nơi khác đến không được đến trường học mà phải lang thang kiếm sống bằng các nghề: bán vé số, lượm ve chai, mua bán dạo hay phải làm những công việc nặng nhọc, quá sức khác như phụ hồ để giúp ba mẹ kiếm tiền mưu sinh. Từ thực trạng này, Phòng LĐ–TB&XH TX.Thuận An đã triển khai thực hiện Chương trình 19 nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ TE. Đặc biệt trong đó chú ý đến việc hỗ trợ học nghề, học văn hóa cho các em. Với trẻ trên 13 tuổi được giới thiệu cho đi học nghề để có công việc ổn định trong tương lai.

Theo số liệu từ Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An, năm 2005, Thuận An có 267 TE lang thang kiếm sống. Địa bàn tập trung ở Thuận Giao, Lái Thiêu, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa. Gần đây, TE lang thang kiếm sống và lao động sớm còn rải rác ở các xã, phường như Vĩnh  Phú, An Phú, Bình Nhâm, Hưng Định. Số lượng TE lang thang, lao động trước tuổi không ổn định và luôn biến động do chuyển chỗ ở theo cha mẹ nên việc theo dõi, quản lý gặp nhiều khó khăn.

Để giúp các em có điều kiện học tập, sống tốt hơn, Phòng LĐ–TB&XH TX.Thuận An phối hợp với Thị đoàn và UBND các xã, phường mở các lớp học tình thương vào buổi tối. Bên cạnh đó, cán bộ đoàn thể còn đến nhà trọ của từng em để vận động ba mẹ các em cho con đi học, giảm bớt thời gian làm việc cho các em. Tại các lớp học văn hóa này, TE lang thang còn được giáo dục về kỹ năng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giúp các em phòng tránh các tệ nạn xã hội, tránh tai nạn thương tích, phòng tránh HIV/AIDS... Hiện ở Thuận An có 7 lớp học tình thương với tổng số học sinh là 229 em. Các lớp này “sáng đèn” dạy học vào ban đêm cho các em bởi ban ngày các em bận kiếm sống. Giáo viên là những tình nguyện viên vì thương hoàn cảnh của các em nên cũng sắp xếp thời gian để đứng lớp. Trừ lớp học tình thương Thuận Giao dạy vào ban ngày còn lại cả cô trò đều đến lớp vào ban đêm.

Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương điều tra, khảo sát số TE lang thang, lao động sớm mới chuyển đến để vận động các em theo học nghề phù hợp. Việc này cũng khó khăn nếu GĐ không... hợp tác! Nhiều em muốn học nghề nhưng không có phương tiện đi lại. Nhiều em phải làm ca về trễ không đi học được. Ba mẹ các em thì chỉ muốn con làm thêm, tăng ca để kiếm tiền nhiều hơn và họ thấy... cuộc sống cũng ổn chứ cần gì phải học nghề cho mất thời gian. Với nỗ lực của những cán bộ có trách nhiệm trong việc thực hiện Chương trình 19, các em được vận động đi học với phương tiện là chiếc xe đạp do các Mạnh Thường Quân tài trợ. Đến nay, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh mở một lớp dạy cắt, uốn tóc; một lớp sửa xe gắn máy, bảo trì máy may công nghiệp và một lớp điện - điện tử. Có hơn 60 em được đào tạo nghề theo hướng này.

Sau khi học nghề, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An vẫn tiếp tục cùng GĐ hướng dẫn các em “đi tiếp” trên chặng đường mưu sinh của mình. Có 26 em được giới thiệu vào làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân, những em còn lại cũng được làm ngành nghề phù hợp khi xin vào các công ty, xí nghiệp trên địa bàn thị xã. 15 em có hoàn cảnh quá khó khăn cũng được vận động đến trường trở lại sau khi được hỗ trợ sách vở, quần áo, xe đạp. Điều đáng mừng là có 24 em từ những lớp học tình thương được giới thiệu vào các trường tiểu học công lập ở Thuận Giao; 12 em từ lớp học tình thương ở Lái Thiêu đã vào học tại trường Phan Chu Trinh và Trần Quốc Toản...

Theo chị Nguyễn Thị Kim Thu, hiện Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An đã lập hồ sơ quản lý, theo dõi 991 em thuộc Chương trình 19. Đây quả là con số không nhỏ và để các em ý thức được về một lối sống tốt đẹp, biết phấn đấu vươn lên vẫn là một việc rất khó khăn, đòi hỏi GĐ, xã hội cùng chung tay, góp sức chăm lo cho các em nhiều hơn nữa...

Quỳnh Như

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên