Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo hành…

Cập nhật: 01-06-2016 | 09:25:53

Nhằm bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích… thời gian qua, các sở, ban, ngành đã có nhiều hoạt động tích cực. Kết quả là hàng năm, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành nói riêng giảm. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực được phát hiện và can thiệp kịp thời, giúp các em nhanh chóng ổn định sức khỏe, tinh thần, hòa nhập cộng đồng và tiếp tục đi học.

Nhiều hoạt động thiết thực

Bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh, cho biết tính đến tháng 12-2015 toàn tỉnh có gần 424.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 21,1% dân số trong tỉnh. Hiện nay, trẻ em đang đối mặt với nhiều nguy cơ như: Nạn bạo hành, xâm hại, ngược đãi, tai nạn thương tích…

Nhằm bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ trên, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em. Thông qua việc triển khai các dự án trong chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em. Đồng thời, thông qua các hoạt động tuyên truyền đã tạo dư luận xã hội rộng rãi, nhằm vận động kêu gọi các gia đình, cộng đồng có hành động thiết thực trong việc phát hiện, ngăn ngừa, không để trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị ngược đãi...


Tạo môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn cho trẻ em là vấn đề luôn được các ban ngành, địa phương quan tâm. 
Trong ảnh:TX.Thuận An tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn

Bên cạnh đó, chương trình còn tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trên 400 buổi nói chuyện chuyên đề cho 1.160 thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”, nhằm cung cấp các thông tin và hỗ trợ kỹ năng bảo vệ trẻ em. Từ hoạt động của các CLB đã phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời cho hàng ngàn trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, CLB còn giới thiệu gần 650 trẻ em lang thang, con của công nhân lao động nhập cư được đến lớp và tạo điều kiện chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, các em còn được tiếp cận với nhiều dịch vụ chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm. Qua đó, giúp các em phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, cũng như trợ giúp phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể, trong thời gian qua, l00% trẻ em bị xâm hại tình dục và bị bạo lực khi được phát hiện đều được hỗ trợ kinh phí, chăm sóc sức khỏe cũng như tư vấn về tâm lý... giúp các em sớm trở lại với cuộc sống bình thường và tiếp tục đi học.

Chủ động phòng ngừa

Bà Trịnh Thị Huyền cho biết thêm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chương trình sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tại các địa bàn cũ và tiếp tục mở rộng mô hình CLB “Bảo vệ và trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng” tại các địa phương còn lại trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Song song đó, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em với nội dung xoay quanh các văn bản liên quan đến pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng được chú trọng. Các cuộc thi này sẽ góp phần nâng cao kiến thức quản lý, kỹ năng tuyên truyền, giao tiếp, thực hiện tốt các bước can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực cũng như các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương.

“Sở sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nhằm giúp đội ngũcán bộ, cộng tác viên và tình nguyện viên nâng cao kiến thức, kỹnăng triển khai các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em; tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, mọi trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển”, bà Trịnh Thị Huyền cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu thời gian tới, các sở, ban ngành, đoàn thể, các địa phương cần tiếp tục quán triệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 và đưa các mục tiêu bảo vệ trẻ em vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em, đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, qua đó, duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dưới mức 4% trên tổng số trẻ em dưới 16 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời. Duy trì trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập và có cơ hội phát triển.  

 

NGUYỄN HẬU - THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên