Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại: Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng

Cập nhật: 12-06-2021 | 09:27:04

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, trong đó nhiều nhất là hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD.

Học sinh TP.Dĩ An tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong học đường

Nhiều hệ lụy

Thời gian qua, Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến XHTD trẻ em, trong đó án tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” chiếm số lượng tương đối lớn. Trong các vụ án, đa số các bị cáo đều biết bạn gái chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn dụ dỗ làm “chuyện vợ chồng”.

Điển hình như mới đây Tòa án Nhân dân huyện Bàu Bàng đã tổ chức xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Duy Kh. (sinh năm 1977, quê Đồng Tháp) về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. K. có quan hệ tình cảm với em N. Biết bạn gái còn nhỏ tuổi nhưng Kh. và N. đã 2 lần thuận tình quan hệ tình dục tại phòng trọ của Kh. ở thị trấn Lai Uyên.

Kh. và em N. xảy ra mâu thuẫn tình cảm, Kh. lấy điện thoại của N. “làm tin” . Em N. trình báo vụ việc với Công an xã Tân Hưng, Kh. Bị mời lên làm việc và đã khai nhận hành vi quan hệ tình dục với bạn gái nhí. Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Kh. phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” với mức án 3 năm 6 tháng tù giam.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Trọng T. (sinh năm 1999, quê Bạc Liêu) không chỉ quan hệ tình dục với bạn gái dưới 16 tuổi mà còn dẫn đến có thai và sinh con. Sau khi em L. sinh con, cơ quan chức năng xác định đứa bé có quan hệ huyết thống với T. Đối tượng này bị bắt và bị Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An tuyên phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” với mức án 6 năm 4 tháng tù giam; bị cáo phải bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại.

Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đoàn đã phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý 5 vụ XHTD trẻ em. Tình trạng XHTD trẻ em có thể xuất phát từ chính gia đình hoặc cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em. Nhiều phụ huynh còn chưa quan tâm đến việc trang bị cho con em, nhất là bé gái những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Một số em còn hạn chế trong việc nhận biết các hình thức XHTD cũng như sự tò mò khám phá về giới tính, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

Nâng cao hiểu biết và trách nhiệm trong cộng đồng

Luật sư Mai Tiến Luật, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết: “So với những loại tội phạm khác, tội XHTD trẻ em, đặc biệt là tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” có xu hướng gia tăng, thực tiễn xét xử cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, người phạm tội nghĩ rằng nhận được sự tự nguyện giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi trở lên thì không bị xử lý hình sự. Thiết nghĩ các bậc phụ huynh, nhà trường, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các cháu nhận thức rõ được những hành vi có hại; đồng thời có biện pháp phòng tránh cũng như bảo vệ cho chính bản thân. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay giáo dục, định hướng để trẻ không bị rơi vào các tình huống dễ bị lợi dụng, xâm hại.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi XHTD trẻ em để răn đe. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức có liên quan mà là trách nhiệm của cả xã hội cùng phải chung tay xây dựng một cộng đồng văn minh, hiểu biết pháp luật để tránh những trường hợp vì thiếu hiểu biết mà thực hiện hành vi trái pháp luật”.

Trong khi đó chị Trần Thị Diễm Trinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Là cơ quan được phân công phối hợp cùng các ban ngành thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tỉnh Bình Dương, Tỉnh đoàn và Hội đồng Đội tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em giai đoạn 2018-2022. Mục tiêu của kế hoạch là hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế làm việc, phân công nhiệm vụ, xác định các giải pháp cụ thể của tổ chức Đoàn các cấp trong việc thực hiện Luật Trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội và bảo đảm cho trẻ em tránh khỏi những xâm hại trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Từ đó giúp tổ chức Đoàn, Đội thật sự trở thành nơi trẻ em tìm đến khi cần sự hỗ trợ, bảo vệ”.

Theo chị Trần Thị Diễm Trinh, các cấp Đoàn, Đội trong tỉnh còn phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ cho trẻ em, đặc biệt là công tác tuyên truyền rộng rãi về vai trò, nội dung và cách thức liên lạc với tổng đài 111 tới trẻ em. Lập danh sách, cung cấp thông tin của 91 cán bộ Đoàn cơ sở gửi về tổng đài 111 và chỉ đạo cán bộ Đoàn cơ sở khi nhận được liên lạc của tổng đài 111 phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội dung, biện pháp nắm tình hình, can thiệp và hỗ trợ kịp thời cho trẻ em; báo cáo lên Đoàn cấp trên về tiến độ và kết quả tham gia.

Trong năm học vừa qua, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã ra mắt CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em và tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Trẻ em và kiến thức phòng, chống XHTD, tai nạn thương tích trẻ em với trên 20.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia.

Song song đó, các cấp Đoàn, Đội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi nhằm nâng cao năng lực thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em và kỹ năng phòng, chống XHTD cho trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về trẻ em, kỹ năng phòng, chống XHTD trong sinh hoạt liên đội dưới cờ, phát thanh măng non, phát thanh thanh niên với gần 5.000 cuộc, thu hút gần 800.000 lượt đội viên, thiếu nhi tham gia… Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phân công ít nhất một cán bộ chịu trách nhiệm chính trong việc nắm bắt tình hình trẻ em, tham mưu triển khai thực hiện các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như tiếp nhận thông tin, phát hiện kịp thời những vụ việc XHTD trẻ em.

Luật sư Mai Tiến Luật, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương phân tích: Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người đủ 16 tuổi giao cấu với trẻ em thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật Hình sự. Còn khi đã đủ 18 tuổi trở lên, thì tùy vào tình tiết sự việc mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm.
“Đối với tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, động cơ, mục đích của người phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Sự tự nguyện, đồng ý của cả hai bên đều không có giá trị khi xem xét việc truy tố hình sự hay không vì đây là tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, có nghĩa là người phạm tội biết rõ người mà mình giao cấu chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn có quan hệ tình dục. Trong trường hợp người phạm tội biết tuổi thật của nạn nhân và nhận thức được hành vi giao cấu của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện thì lỗi của chủ thể được xác định là lỗi cố ý trực tiếp” luật sư Luật nói thêm.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên