Xây dựng chính quyền điện tử: Hướng đến thành phố thông minh

Cập nhật: 20-01-2020 | 09:25:52

 Từ định hướng xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2018- 2020, tính đến nay, Bình Dương đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử, phiên bản 1.0. Trong định hướng chung, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định: Phát triển chính quyền điện tử là một nội dung quan trọng của Đề án thành phố thông minh Bình Dương

 Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư giải quyết hồ sơ mức độ 4 qua môi trường mạng

 Hướng tới điện tử số

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0 với mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương phiên bản 1.0 dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cùng với Luật Công nghệ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đặc điểm riêng của tỉnh. Cụ thể, kiến trúc chính quyền điện tử là xây dựng cơ sở để chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, đáp ứng được các yêu cầu trong giai đoạn mới. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết Kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương được xây dựng nhằm công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, phù hợp với tầm nhìn định hướng của quốc gia về Chính phủ điện tử. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, Kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương phát triển theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

 Trong xây dựng chính quyền điện tử, một yếu tố quan trọng được quan tâm đó là phải xây dựng được hình ảnh người cán bộ, công chức thân thiện. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một tận tình hướng dẫn người dân điền biểu mẫu TTHC

Ngoài ra, Kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương từng bước số hóa các số liệu về dân cư, tài nguyên, TTHC, chỉ số kinh tế - xã hội… để phục vụ cho việc tổng hợp, báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả. Lộ trình triển khai chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương được phân ra 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2019-2020 và giai đoạn 2 từ năm 2021 trở đi.

Xây dựng chính quyền phục vụ

Mục đích cuối cùng của việc xây dựng chính quyền điện tử Bình Dương là hướng đến phục vụ người dân. Từ định hướng chung này, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ; trong đó cơ sở vật chất là bộ mặt phục vụ nhân dân, cán bộ “một cửa” là nền tảng. Nói như ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC từng ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Do vậy, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ

“Tôi cho rằng, giải pháp nào cũng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Trong công tác CCHC cũng vậy, có đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cách mấy, hiện đại cách mấy, có nhiều giải pháp hữu hiệu, nhưng nếu thiếu cán bộ có “tâm và tầm” thực hiện giải pháp, chú tâm vào công việc thì cũng không đạt được thành công như mong muốn. Do vậy, những giải pháp của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong thời gian tới là luôn chú ý việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở trong thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra”.

(Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ)

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho định hướng xây dựng chính quyền điện tử Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã khẳng định: Để xây dựng chính quyền điện tử, trong những năm qua Bình Dương đã có những bước chuẩn bị cụ thể, phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương. Đó là cơ sở vật chất, là nơi làm việc của các cơ quan chính quyền, trung tâm dữ liệu, chăm sóc, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được tập trung về một mối tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Về hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng nền tảng, Bình Dương đã xây dựng hệ thống mạng kết nối băng thông, máy chủ, máy trạm, trung tâm xử lý dữ liệu; phát triển cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng nền tảng khác… Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để Bình Dương xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả trong giai đoạn tới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Bình Dương vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở dữ liệu dùng chung, các hệ thống ứng dụng chuyên ngành còn thiếu hoặc chồng chéo…

Ông Mai Hùng Dũng cho rằng, Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh và đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa ý tưởng, đưa Bình Dương trở thành nơi đáng sống. Bởi, khai thác công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính và dịch vụ công là đẩy nhanh CCHC, giảm được chi phí tiền bạc và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, là công khai minh bạch và chống được tham nhũng, tiêu cực... Đây cũng là bước đệm quan trọng để Bình Dương phát triển bền vững trong tương lai.

 Thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng, hiện tại toàn tỉnh đang triển khai 2.215 dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ 2 là 1.124 TTHC; mức độ 3 là 614 TTHC và mức độ 4 là 190 TTHC. Năm 2019, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết mức độ 3, mức độ 4 toàn tỉnh là 32.945 hồ sơ (mức độ 3: 31.031 hồ sơ, mức độ 4: 1.914 hồ sơ).

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên