Bát nháo nạn khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng- Kỳ 1

Cập nhật: 30-07-2015 | 09:43:11

 Kỳ 1: Mặt hồ “dậy sóng”

Tiếng máy hút cát thi nhau gầm rú nghe chát chúa. Cùng với đó, những “vòi rồng” hút cát thọc sâu xống lòng hồ hút từ sáng đến tối. Trên bờ hồ, những đoàn xe “khủng” nối đuôi lao vun vút vận chuyển cát. Tình trạng khai thác cát bát nháo, quản lý lỏng lẻo đã tiếp diễn hết năm này sang năm khác trên lòng hồ Dầu Tiếng đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.

 Các tàu hút cát đang khẩn trương bơm cát vào bờ. Ảnh: T.QUANG

“Đại công trường”

Trong vai người đi buôn cát, vào một ngày cuối tháng 7, nhóm P.V có mặt tại khu vực Bưng Bàng thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa để thu thập thông tin. Theo người dân, nơi đây được ví như một “rốn cát” của lòng hồ. Cũng vì thế mà khu vực này luôn nhộn nhịp nạn khai thác cát, nó như một “đại công trường”.

Ở khu vực này có đến chục bến bãi nối dài. Có hàng trăm công nhân luôn túc trực làm nhiệm vụ bơm, hút cát. Dưới lòng hồ thuyền bè náo nhiệt, ầm ầm tiếng nổ của máy bơm cát từ thuyền lên bãi. Lẫn trong đó là tiếng gầm rít của những máy xúc làm việc cật lực cho hàng chục chiếc xe có trọng tải lớn chở cát đến nơi tiêu thụ. Các bãi khai thác này từ lâu vốn có tiếng trong vùng, có thể điểm mặt một vài ông “trùm” như: N.T, B.B, L.T, Đ.L.P. T.H…

Theo tìm hiểu của P.V, các doanh nghiệp này đã hành nghề khai thác ở đây nhiều năm qua. Hiện số lượng doanh nghiệp khai thác mỗi ngày lại nhiều hơn, số tàu hút cát cũng tăng. Ngoài khu vực Bưng Bàng, hiện ở tổ 9, ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa cũng đang có 2 doanh nghiệp đang đứng chân khai thác cát. Mỗi doanh nghiệp khai thác cát có ít nhất 2 tàu lớn hút xa bờ. Mỗi tàu có trọng tải khoảng 50m3. Người dân địa phương thì bán tín bán nghi vì nghe đâu cả tỉnh Bình Dương chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác là Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản & xây dựng Bình Dương và DNTN Hòa Bình, trong khi đó những doanh nghiệp khác vẫn khai thác công khai. Thậm chí họ khai thác một cách quá mức có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của lòng hồ.

Trao đổi với chúng tôi ngay tại “rốn cát” ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, nhiều hộ dân hết sức bức xúc vì môi trường sống đang bị ô nhiễm, bụi bao phủ nhà cửa, đường sá xuống cấp. Ông Nguyên Thế Hùng, người dân có nhà cạnh đường ĐT749B, ấp Hòa Lộc, bức xúc: “Lâu nay, nhiều công ty, doanh nghiệp cứ thi nhau hút cát mà không để lòng hồ một phút bình yên. Nếu ngày trước họ còn khai thác xa bờ, thì nay khai thác sát bờ hồ. Không ít nơi đã xảy ra sạt lở. Mới năm rồi, một cháu bé trong xóm ra bờ hồ chơi đã bị chết đuối do sẩy chân rơi xuống hố sâu sát bờ hồ. Nếu còn khai thác như thế này, những hố sâu sẽ xuất hiện này càng nhiều, gây hiểm nguy cho người dân địa phương”.

Là một trong hai đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép khai thác khoáng sản tại lòng hồ Dầu Tiếng, hiện Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản & xây dựng Bình Dương đang gặp không ít khó khăn tại đây. Một cán bộ của công ty đang quản lý kho bãi tại khu vực Bưng Bàng cho biết: “Trong khi chúng tôi là đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác, phải tuân thủ nghiêm ngặt về những quy định trong khai thác và vận chuyển khoáng sản. Hàng năm, công ty phải đóng cho Nhà nước một mức thuế rất cao, thì nay lại đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, giá cát chúng tôi xuất ra thị trường có hóa đơn là 110.000/ m3 thì những doanh nghiệp kinh doanh đang trú đóng tại đây bán ra với giá 90.000 đồng/m3. Họ bán rẻ vì hiện nhiều công ty đang dùng chung một giấy phép khai thác. Có nghĩa là chỉ một công ty được cấp phép, các công ty còn lại hoạt động theo kiểu gia công nên chịu một mức thuế khá thấp. Để trục lợi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thi nhau hút cát vô tội vạ ngay tại lòng hồ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạt động của công ty. Chúng tôi đang mong muốn ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý đối với việc kinh doanh, khai thác cát tại lòng hồ”.

Hệ lụy!

Việc các doanh nghiệp tập trung, đẩy mạnh khai thác cát tại khu vực xã Minh Hòa đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, đặc biệt là việc ảnh hưởng môi trường sống do ô nhiễm bụi, đường sá xuống cấp. Cách đây 3 năm, khi đường ĐT749B được nâng cấp, không ít bà con ở khu vực Bưng Bàng rất vui mừng vì không còn chịu cảnh bụi mù mịt do xe chở cát gây ra. Nhưng đến nay, họ đang phập phồng lo âu vì mặt đường đang dần xuống cấp trở lại. Cả ngày lẫn đêm, những đoàn xe “khủng” có trọng tải từ 30 - 50 tấn đua nhau vào chở cát, khiến mặt đường rung chuyển. Anh Nguyễn Thế Hùng bức xúc: “Những tài xế này tranh nhau chạy ăn chuyến nên họ chạy bạt mạng, xem thường tính mạng người dân. Cách đây không lâu, tôi đã có lần rượt theo tài xế xe ben đến tận bãi cát đòi “ăn thua đủ” vì khi chạy trên đường, nếu tôi không nhanh tay lách xe né tránh thì đã xảy ra tai nạn vì bị ép sát lề”. Theo anh Hùng, khi có cảnh sát giao thông xuất hiện thì các xe chở cát án binh bất động.

Khoảng 15 giờ 21-7, khi có mặt trên đường ĐT749B, chúng tôi đã chứng kiến cảnh từng đoàn xe ben có trọng tải lớn, chất đầy cát nhưng không hề phủ bạt khiến bụi cát bay trắng xóa đường. Khi thấy P.V đưa máy ảnh lên ghi hình về đoàn xe “khủng”, ngay lập tức, tài xế thắng gấp để leo lên trần kéo dây phủ bạt. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp Hòa Lộc than phiền: “Nguyên nhân dẫn đến cát bụi tràn vào nhà dân là do tài xế xe tải không chấp hành việc phủ bạt khi vận chuyển cát. Bức xúc, nhiều lúc chúng tôi ra đường chặn xe để phản ánh liền bị bọn chúng hăm dọa”. Bà Nguyễn Thị Trí Hằng, ngụ tổ 1, ấp Hòa Lộc nói trong bực dọc: “Mỗi khi đoàn xe khủng nối đuôi nhau chạy ngang qua đoạn đường này là nhà của tôi rung chuyển, nền nhà bị xuống cấp, nứt tường. Đáng lên án là xe chở cát đã bất chấp hiểm nguy, chạy với tốc độ rất cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ước tính, mỗi ngày có ít nhất khoảng 200 lượt xe chở cát qua lại đoạn đường này khiến mặt đường ĐT749B xuống cấp. Tuyến đường này mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì nay đơn vị thi công phải tu sửa lại”.

Theo ghi nhận của P.V, hiện con đường giao thông nông thôn dẫn vào tổ 9, ấp Hòa Thành cũng đã “tan nát” do xe chở cát cày ải mỗi ngày. Ông Nguyễn Thế Vinh có nhà ở mặt đường, tâm sự: “Ngày trước mặt đường rất đẹp, nay khó đi lại vì những hố sâu chằng chịt trên mặt đường. Khổ nhất là con em trong vùng, có khi chưa đến được trường thì mặt mũi lấm lem, quần áo dính một màu đỏ vì xe chở cát cứ chạy ào ào, không tránh né ai hết. Còn ban đêm, không ít người đi cạo mủ đã bị té lăn ra đường cũng do xe chở cát lấn đường. Chúng tôi bức xúc phản ánh thì chủ bãi cho vài xe đất san lấp tạm, nhưng vài ngày sau xe ben tiếp tục cày xới, mặt đường trở lại như cũ”. Quá bức xúc, năm 2013, người dân ở tổ 9, ấp Hòa Thành đã xin chính quyền địa phương lập barie để ngăn không cho xe qua lại. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp lại tìm cách “tháo gỡ” và tiếp tục cho xe chạy.

 “Ngoài những con đường bị xe chở cát “băm nát”, nhiều hộ dân có nhà trên trục đường ĐT749B đang lo lắng về việc cát bụi “tấn công”. Năm 2014, địa phương đã xảy ra 2 trường hợp trẻ em chết đuối có liên quan đến việc khai thác, hút cát tại lòng hồ Dầu Tiếng. Nguyên nhân là do một số đơn vị khai thác, hút cát đã để lại những hố sâu ngay dưới lòng hồ. Mỗi khi nước rút, mặt lòng hồ xuất hiện nhiều hố sâu rất nguy hiểm, nếu trẻ rơi xuống đó sẽ dẫn đến tai nạn đuối nước”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết.

 
Bài 2: Cần siết chặt nạn khai thác cát

 THANH QUANG - QUẢNG ĐIỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên